Làm việc quá số giờ quy định từ lâu đã trở thành quy tắc “bất thành văn” tại Trung Quốc, đặc biệt là trong các tập đoàn công nghệ. Đây được coi là cách thể hiện sự trung thành và cống hiến của nhân viên trong công việc.
Văn hóa “khét tiếng”
Giới công nghệ Bắc Kinh vẫn hay sử dụng thuật ngữ “996” - làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày/tuần để miêu tả lịch trình khốc liệt cũng như văn hóa làm việc của các nhân viên làm trong ngành IT của Trung Quốc. Việc người lao động Trung Quốc tại công ty khởi nghiệp công nghệ thường xuyên phải làm thêm giờ và hy sinh lợi ích cá nhân đang dần trở nên khá phổ biến tại quốc gia đông dân này.
Làm việc quá số giờ quy định từ lâu đã trở thành quy tắc “bất thành văn” tại Trung Quốc, đặc biệt là trong các tập đoàn công nghệ. |
Tăng trưởng kinh tế chậm nhất trong gần ba thập kỷ qua đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kêu gọi đầu tư và bùng nổ công nghệ tại Trung Quốc, khiến việc sa thải và cắt giảm nhân lực ngày càng lan rộng trong ngành công nghiệp này. Báo cáo về thị trường việc làm của Zhaopin – một trong những website nghề nghiệp lớn nhất Trung Quốc cho thấy, mức độ cạnh tranh của các vị trí tuyển dụng đang ngày càng khắc nghiệt hơn khi tỷ lệ ứng viên cao gấp 32 lần số vị trí việc làm.
Theo các chuyên gia xã hội học, sự khốc liệt của thị trường việc làm đã tác động không chỉ nhận thức của những người quản lý mà còn của người lao động. Trong khi các doanh nhân Trung Quốc tin rằng thành công phụ thuộc vào thời gian làm ngoài giờ và sự hy sinh của nhân viên, các kỹ sư IT cũng ngầm hiểu rằng họ cần phải làm việc chăm chỉ hơn nữa để không bị mất việc.
Giờ đây, thói quen làm việc đến 10 giờ tối đang được coi là chuẩn mực mới và giờ tan ca của Trung Quốc hiện nay là 10 giờ tối, thay vì 6 giờ chiều như trước kia.
Keith Ding, nhân viên công nghệ tại Thâm Quyến cho biết, 10 giờ tối là khoảng thời gian khó gọi taxi nhất vì rất nhiều người cũng tan ca để về nhà. “Văn hóa 996 khiến nhiều nhân viên không dám rời đi khi trưởng nhóm vẫn đang làm việc. Nhiều thành viên cũng bị quá tải với khối lượng công việc khổng lồ. Bạn sẽ không thể hoàn thành nhiệm vụ đúng thời hạn nếu không làm thêm giờ hoặc vào cuối tuần”, Keith Ding tâm sự.
Một cuộc tranh luận gay gắt về việc làm thêm giờ đã nổ ra trên mạng xã hội WeChat của Trung Quốc sau khi Zhu Ning - Người sáng lập và Giám đốc điều hành Công ty Thương mại điện tử Youzan, kêu gọi tất cả nhân viên thuộc nằm lòng văn hóa làm việc “996”. Mặc dù nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển chững lại, Youzan vẫn yêu cầu các nhân viên làm việc tốt hơn và cống hiến nhiều hơn.
Trong một tuyên bố, Giám đốc Zhu Ning khẳng định: “Áp lực làm việc tại Youzan là rất lớn. Nhân viên tập đoàn đã coi việc làm thêm giờ như một thói quen, và rất nhiều người trong số họ không thể phân biệt được ranh giới giữa công việc và cuộc sống”.
Mặt trái của 996
Các chuyên gia công nghệ nhận định, đối với các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, văn hóa làm việc “996” là điều không thể tránh khỏi. Trong bối cảnh áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt của thị trường công nghệ, các công ty khởi nghiệp luôn phải nỗ lực để tung ra sản phẩm mới nhanh nhất nếu không muốn mất đi cơ hội “vàng” khẳng định chỗ đứng trên thị trường.
Tuy nhiên, việc bị bóp nghẹt bởi văn hóa làm việc kinh khủng đã khiến các nhân viên IT Trung Quốc cảm thấy ngột ngạt. Nhiều người đã “bừng tỉnh” và nhận ra họ cần sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc và vì sức khỏe của chính mình. Phát ngôn viên của trang thương mại điện tử JD.com cho biết: “Bên cạnh niềm tin rằng những nỗ lực cống hiến và làm việc chăm chỉ sẽ mang lại thành quả xứng đáng, chúng ta còn cần chú trọng đến sức khoẻ và hiệu quả công việc”.
Nhận thức về văn hóa làm việc “996” tại Trung Quốc đã thay đổi kể từ khi người dùng tên gọi “996icu” có bài viết phê phán văn hóa này đồng nghĩa với việc nhân viên bán sức khoẻ để kiếm tiền. Bài viết đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ phía các kỹ sư và nhân viên IT với hơn 30.000 lượt thích trên nền tảng Github.
Người này cũng đồng thời lên tiếng kêu gọi các nhà phát triển phần mềm và kỹ sư IT nâng cao nhận thức về pháp lý và quyền lợi cá nhân giống như các nước phát triển trên thế giới. Mặc dù Luật Lao động Trung Quốc giới hạn giờ làm việc không qúa 36 tiếng/tháng và quy định nhân viên làm việc theo chính sách 996 sẽ được trả 2,275 lần mức lương cơ bản, song người lao động tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hiếm khi được trả mức lương “hậu hĩnh” như vậy.
Trước làn sóng phản đối văn hóa làm việc “996” đang gia tăng, một số tập đoàn đã thay đổi chính sách nhằm giảm bớt áp lực và thời gian làm thêm giờ. Trong đó có ByteDance - nhà sản xuất ứng dụng video ngắn phổ biến TikTok, đã cắt giảm thời gian tăng ca bằng chính sách tuần lớn/nhỏ, yêu cầu gần 60.000 nhân viên làm việc 6 ngày/tuần vào 2 lần trong một tháng. Ngoài ra, tập đoàn này đưa ra các quyền lợi hấp dẫn như bao trọn gói ăn uống, xe đưa đón, phòng gym và thể hình cùng nhiều lựa chọn giải trí và thư giãn khác.
Mặc dù không ít nhân viên IT cảm thấy lao lực vì văn hóa làm việc “996”, những thành quả mà các công ty, tập đoàn công nghệ gặt hái được về mặt tài chính cũng như khẳng định vai trò dẫn đầu xu thế vẫn là một trong những động lực thúc đẩy văn hóa làm việc “khét tiếng” này tại Trung Quốc.