Sự đối đầu giữa Mỹ và Iran bắt nguồn từ nhiều hiểu lầm trong quá khứ. (ảnh minh họa) |
Trong lịch sử quan hệ quốc tế, thế giới đã chứng kiến hàng loạt nỗ lực ngoại giao nhằm hóa giải những bất đồng giữa hai "kẻ thù truyền thống" Iran và Mỹ, song đến nay vẫn không đạt được bất cứ kết quả nào. Mới đây nhất, theo AFP, cuộc đàm phán trực tiếp giữa Mỹ và Iran về chương trình hạt nhân của Tehran (4/2013) vừa hé tia hy vọng đã lại kết thúc trong bế tắc, thậm chí còn không đạt thỏa thuận nào dù chỉ là thời hạn của phiên đàm phán tiếp theo. Tại sao vậy?
Phân tích trên tạp chí The Diplomat, Tiến sĩ Adam Lowther ở Đại học Không quân Mỹ và nhà nghiên cứu ngoại giao kỳ cựu người Iran Seyed Hossein Mousavian đã đánh giá sự thù địch giữa Mỹ và Iran bắt nguồn từ nhiều hiểu lầm trong quá khứ và mối quan hệ này đến nay vẫn đối đầu là do cả hai nước vẫn có những nhận thức sai lầm về nhau:
Thứ nhất, người Iran tin rằng mình thừa sức "tồn tại" trong một cuộc chiến kéo dài với Mỹ. Cộng hòa Hồi giáo này tin tưởng vào điều đó sau khi tính tới các yếu tố như: sự tăng giá dầu một khi chiến sự nổ ra; các khó khăn của Mỹ ở cả trong và ngoài nước, cũng như tính không bền vững của các lệnh trừng phạt quốc tế đối với nước này. Tehran cũng vững tin rằng, sớm muộn rồi Mỹ cũng sẽ phải chấp nhận chương trình hạt nhân của họ, đồng thời thừa nhận họ là một cường quốc khu vực và từ bỏ việc đe dọa thay đổi chế độ Tehran. Song thực tế, từ năm 2005, mâu thuẫn giữa Mỹ, phương Tây và Iran liên quan đến chương trình hạt nhân đã gây nhiều tranh cãi. Nội bộ chính quyền Iran mâu thuẫn xung quanh quan điểm cho rằng, cái giá phải trả cho việc kiên quyết theo đuổi chương trình hạt nhân là quá đắt và họ đang đi quá xa, tương tự những gì họ từng hành động trong cuộc chiến tranh với Iraq năm 1982. Phe thực dụng ở Iran cảnh báo phe cứng rắn không nên xem thường các biện pháp trừng phạt hà khắc, coi đó là cuộc chiến tranh với phương Tây và Mỹ. Phe này cũng cho rằng Iran nên ngừng đối đầu với Mỹ vì các quyết định hồ đồ hôm nay có thể gây hậu quả trong tương lai.
Thứ hai, Iran vững tin Mỹ không dám gây chiến với mình vì Mỹ đang suy yếu, không đủ lực theo đuổi một cuộc chiến tranh chống Iran. Các thách thức về kinh tế và chính trị mà Mỹ đang phải đối mặt sẽ khiến Washington phải e dè. Ngân sách Mỹ hiện bị hao hụt nghiêm trọng bởi 2 cuộc chiến tranh tốn kém ở Iraq và Afghanistan. Trong khi đó, nền kinh tế Mỹ vẫn đang vật lộn trong cơn khủng hoảng toàn cầu. Theo một báo cáo mới của Cơ quan Ngân sách Quốc hội Mỹ, thâm hụt ngân sách của nước này năm nay ước sẽ tăng mạnh, lên mức 1.100 tỉ USD và nền kinh tế Mỹ có thể suy thoái trở lại. Trong khi đó, Mỹ đang cắt giảm 487 tỷ USD chi tiêu quốc phòng. Như vậy, một cuộc chiến tranh vào thời điểm này rõ ràng là quá sức đối với Mỹ. Thêm nữa, nếu chiến tranh Iran - Mỹ nổ ra, việc lưu thông năng lượng qua eo biển chiến lược Hormuz sẽ gặp nguy hiểm vì Iran chắc chắn sẽ phong tỏa tuyến đường trung chuyển 40% lượng dầu thế giới. Kết quả là, giá dầu thế giới có thể nhảy vọt lên mức 200 USD - 300 USD/thùng, khiến nền kinh tế Mỹ và phương Tây lao đao.
Chưa hết, nếu tấn công Iran, Mỹ sẽ bị cộng đồng quốc tế lên án và cuộc chiến này sẽ làm đảo ngược những nỗ lực không phổ biến vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới và làm suy yếu Hiệp ước Không Phổ biến Vũ khí Hạt nhân (NPT). Ở địa vị một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân với hơn 5.000 đầu đạn, việc đe dọa tấn công một nhà nước không có vũ khí hạt nhân như Iran sẽ làm mất uy tín của NPT, chưa kể cuộc tấn công có thể không phá hủy được hoàn toàn chương trình hạt nhân của Iran, mà còn kích thích Iran đẩy mạnh hơn nữa chương trình này. Sau đó, Iran chắc chắn sẽ rút khỏi NPT, đình chỉ các cuộc đàm phán hạt nhân quốc tế, trục xuất tất cả các thanh sát viên nước ngoài ra khỏi các cơ sở hạt nhân và bắt đầu hoạt động bí mật. Đặc biệt, cuộc tấn công nếu nổ ra sẽ dập tắt hy vọng "tái thiết" quan hệ hữu nghị giữa Iran và Mỹ và trong nhiều thập kỷ tới, hai nước này sẽ rơi vào trạng thái đối đầu gay gắt.
Còn nữa, nỗ lực cải thiện quan hệ với thế giới Hồi giáo là một trong những mục tiêu quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại của chính quyền Obama. Như vậy, đánh Iran đồng nghĩa Mỹ sẽ làm sống lại tình cảm chống Mỹ trong thế giới Hồi giáo, thậm chí tạo cơ hội cho Iran lấp khoảng trống quyền lực Mỹ để lại tại Trung Đông. Theo Reuters, mỗi năm Iran chi khoảng 100 triệu USD cho Afghanistan, phần lớn là chi cho truyền thông, các dự án xã hội dân sự và các trường học tôn giáo. Tất cả những việc làm này nhằm giúp Iran bành trướng ảnh hưởng và thế lực tại Iraq và Afghanistan…
Mặc dù mọi viện dẫn trên đều hợp lý, song khái niệm về sự suy yếu của nước Mỹ vẫn còn là vấn đề tranh cãi. Thậm chí, kể cả trong trường hợp Mỹ thực sự xuống dốc, thì đây cũng không chắc là yếu tố cản trở Mỹ tấn công Iran, có khi còn làm cho kịch bản chiến tranh có nhiều nguy cơ bùng phát hơn vì không loại trừ khả năng chính sự suy yếu buộc giới lãnh đạo Mỹ phải dùng vũ lực để duy trì quyền bá chủ. Hơn nữa, cả trong nền chính trị Mỹ lẫn Iran, phe cứng rắn luôn là thế lực đầy quyền uy. Ở Washington, chính sách đối đầu với Iran là một trong vài vấn đề được cả hai đảng ủng hộ rộng rãi tại Quốc hội. Các biện pháp trừng phạt Ngân hàng Trung ương Iran gần đây được Quốc hội Mỹ nhanh chóng ủng hộ là minh chứng. Trong khi đó, ở Tehran, phe chống Mỹ lại luôn có tiếng nói mạnh mẽ. Do phe cứng rắn của cả Mỹ lẫn Iran luôn duy trì niềm tin rằng, đối thủ đang suy yếu còn mình mạnh lên, nên chính nhận thức sai lầm này là nguyên nhân khiến căng thẳng giữa Iran và Mỹ ngày càng leo thang.
Thứ ba, về phần mình, người Mỹ luôn tâm niệm rằng các biện pháp trừng phạt là một lựa chọn thay cho chiến tranh và sẽ góp phần xác lập các điều kiện thuận lợi để thúc đẩy dân chủ tại Iran. Mỹ kỳ vọng các lệnh trừng phạt mới nhất và nặng nhất đánh vào dầu mỏ và hệ thống ngân hàng Iran sẽ buộc chính phủ nước này phải từ bỏ giấc mơ hạt nhân bởi áp lực đến từ sự giận dữ và oán thán của người dân trong nước. Tuy nhiên, hiện có nhiều tranh cãi xung quanh các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran. Các nghiên cứu về trừng phạt kinh tế, từ các lệnh trừng phạt thương mại cho tới đóng băng các tài sản tài chính, đều đi đến kết luận: chúng cuối cùng sẽ thất bại. Chưa kể, các biện pháp trừng phạt này còn làm "bần cùng hóa" người dân và đôi khi dẫn tới nhiều hậu quả khó lường. Cuba và Iraq trong những năm 1990 và 2000 là những ví dụ điển hình. Thậm chí, trừng phạt kinh tế còn bị coi là cản trở dân chủ. Theo khảo sát năm 2010 của Economist Intelligence Unit (Anh) về chỉ số dân chủ, 71% trong số 88 quốc gia bị xếp hạng “không dân chủ” trên thế giới đều phải "chung sống" với cấm vận kinh tế.
Thứ tư, Mỹ luôn nghĩ rằng mâu thuẫn truyền kiếp trong quan hệ với Iran đơn giản chỉ vì bản chất chế độ của họ, nên Mỹ cho rằng chỉ cần thay đổi chế độ của Iran chính là cách hóa giải tối ưu nhất giúp cải thiện quan hệ song phương. Mỹ xem Iran là mối đe dọa đến các lợi ích cốt lõi của quốc gia. Từ Cách mạng Iran năm 1979, Mỹ - Iran bắt đầu xuất hiện các mâu thuẫn về lợi ích. Chính sách về dầu mỏ của Iran những năm 1970, cộng với sự can thiệp trực tiếp của họ vào các vấn đề nội bộ của các quốc gia Ảrập như Iraq và Oman là nguyên nhân dẫn đến sự rạn nứt trong quan hệ với Mỹ. Mỹ cho rằng hành động của Iran đụng chạm đến các lợi ích chiến lược dài hạn của Mỹ tại Trung Đông, đe dọa cấu trúc an ninh khu vực do Mỹ dựng lên dựa trên các chính phủ đồng minh. Vì vậy, nguyên nhân dẫn đến tình trạng thù địch giữa Mỹ và Iran không chỉ bắt nguồn từ xung đột giữa hai nền văn minh hay hai hệ tư tưởng mà còn bởi mâu thuẫn trong những lợi ích cốt lõi mà mỗi quốc gia theo đuổi.
Tóm lại, kể từ khi quan hệ Mỹ - Iran "đóng băng" đến nay, sau hàng loạt nỗ lực ngoại giao, sự đối đầu giữa hai quốc gia vẫn chưa thể hóa giải. Ngược lại, việc Mỹ tăng cường các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran càng làm cho mối quan hệ này thêm căng thẳng.
Hoàng Minh