📞

Viện trợ nước ngoài của Brazil: Quá nhanh và xa?

08:32 | 25/07/2010
Một cách lặng lẽ - Brazil đang nhanh chóng trở thành một trong những nhà viện trợ lớn nhất cho các nước nghèo.
Brazil đem tiền đi viện trợ nước ngoài khi tỷ lệ đói nghèo trong nước vẫn cao.

4 tỉ USD/năm

Một trong những sáng kiến thành công nhất sau động đất ở Haiti năm nay là mô hình hợp tác sản xuất sữa có tên Lèt Agogo, dự án khuyến khích các bà mẹ mang con đến trường học để được ăn miễn phí. Chương trình dựa trên mô hình phúc lợi của Brazil có tên là Bolsa Familia do chính phủ tài trợ. Tại Mali, các cánh đồng bông thuộc trang trại thử nghiệm của Embrapa, một công ty nghiên cứu của Brazil, đang chờ thu hoạch. Trong khi đó, Obebrecht, công ty xây dựng của Brazil, đang là nhà cung cấp phần lớn nước sạch cho Angola và là một trong những nhà thầu lớn nhất ở châu Phi.

Mặc dù ngân sách năm nay của Cơ quan Hợp tác Brazil (ABC), tổ chức điều hành các dự án khoa học và tư vấn tại nước ngoài chỉ có 30 triệu USD, nhưng giới nghiên cứu Anh và Canada tính rằng Brazil đã chi nhiều hơn tới 15 lần. Đóng góp của nước này cho Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) chỉ 20-25 triệu USD/năm, nhưng giá trị thực của hàng hóa và dịch vụ, theo người đứng đầu UNDP tại Brazil, là khoảng 100 triệu USD. Thêm vào đó là 300 triệu USD mà Brazil trao cho Chương trình Lương thực Thế giới, cam kết 350 triệu USD cho Haiti và Gaza, 3,3 tỉ USD mà Ngân hàng Phát triển Quốc gia Brazil cho vay thương mại tại các nước nghèo từ năm 2008, tổng cộng viện trợ phát triển của Brazil có thể đạt con số 4 tỉ USD/năm. Con số đó ít hơn của Trung Quốc, nhưng gần tương đương mức của các nhà tài trợ lớn như Thụy Điển và Canada. Và không giống như các nước đó, đóng góp của Brazil đang tăng. Chi tiêu của ABC tăng gấp ba kể từ năm 2008.

Ngoại giao hào phóng

Nỗ lực tăng viện trợ quốc tế có nhiều ý nghĩa với Brazil. Tại châu Phi, Brazil có thể cạnh tranh với Trung Quốc và Ấn Độ về ảnh hưởng của sức mạnh mềm. Viện trợ giúp Brazil thu thêm sự ủng hộ cho nỗ lực giành một chiếc ghế thường trực tại HĐBA LHQ. Samuel Guimarães Neto, Bộ trưởng các vấn đề chiến lược Brazil cho rằng, các nước đang lên (giống như Brazil) một ngày nào đó sẽ nắm thế giới và giảm nghèo đói tại các nước đang phát triển sẽ giúp giảm các vấn đề của họ trong tương lai.

Ngoài ra, viện trợ nước ngoài cũng hỗ trợ cho ngành thương mại của Brazil. Hiện nước này vẫn là nhà sản xuất ethanol lớn nhất thế giới và muốn tạo ra một thị trường toàn cầu trong lĩnh vực nhiên liệu xanh. Phổ biến công nghệ ethanol tới các nước nghèo sẽ thúc đẩy cơ hội về một thị trường toàn cầu và tạo ra không gian làm việc cho các công ty Brazil.

Việc Brazil tăng viện trợ cũng giúp bù lại sự suy giảm viện trợ từ các nhà viện trợ truyền thống. Đồng thời, giống Trung Quốc, Brazil không áp đặt các điều kiện kiểu phương Tây lên các nước nhận. Viện trợ của Brazil thường tập trung vào các chương trình xã hội và nông nghiệp, trong khi Trung Quốc tài trợ cho các dự án xây dựng đường bộ, đường sắt và bến tàu. Ngoài ra, Brazil cũng có thế mạnh về các liệu pháp chữa HIV/AIDS cho người nghèo. Nghiên cứu nông nghiệp nhiệt đới của nước này vào loại tốt nhất thế giới. Nhiều nước phương Tây hoan nghênh cái mà Brazil gọi là "ngoại giao hào phóng". Rõ ràng, các nước đang lên đang gia tăng ảnh hưởng, và một nước ổn định, dân chủ, hòa bình với láng giềng như Brazil, với phương Tây, có vẻ hấp dẫn và dễ kiểm soát hơn là Trung Quốc hoặc Nga.

Tuy nhiên, nếu viện trợ nước ngoài là công cụ gia tăng ảnh hưởng thì Brazil còn phải thay đổi nhiều trước khi giành được vị trí nào đó như giới lãnh đạo nước này mơ ước. Bản thân Brazil vẫn đang là nước nhận viện trợ, và chưa rõ ràng về chương trình viện trợ của chính mình. Thêm vào đó, nước này vẫn có tỉ lệ nghèo đói cao trong thế giới thứ ba, nên việc đem tiền đi viện trợ nước ngoài có thể gây tranh cãi. Ngoài ra còn có các chuyện về sự thất hứa, sự thiếu khả năng và nạn tham nhũng...

Mặc dù vậy, mọi thứ đang thay đổi. Dilma Rossel, ứng cử viên tổng thống thuộc đảng của Tổng thống Lula da Silva, có vẻ như đang xem xét việc thành lập một cơ quan phát triển mới để tăng hình ảnh qua viện trợ nếu đắc cử. Theo ông Farani, giám đốc ABC, Brazil cần thêm nhiều quan chức viện trợ có năng lực, với sự độc lập hơn trong hoạt động và tập trung hơn vào các mục tiêu chính sách.

Phương Nguyên (Theo Economist)