Năm 2020 đánh dấu cột mốc quan trọng đối với nền ngoại giao Việt Nam khi cùng lúc đảm nhận những vị trí quan trọng, bao gồm Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. |
Trong những năm trở lại đây, chính sách đối ngoại của Việt Nam luôn được chú trọng và quan tâm do Hà Nội ngày càng thể hiện mình “là một đối tác tin cậy, một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”. Điều này được thể hiện qua việc Việt Nam tích cực tham gia, đóng góp vào những vấn đề của nhân loại, từ gìn giữ hòa bình đến giải quyết các tranh chấp về lãnh thổ tại Biển Đông.
Theo bài viết của Viện Wilson (Mỹ), năm 2020 đánh dấu cột mốc quan trọng đối với nền ngoại giao Việt Nam, khi quốc gia này cùng lúc đảm nhận những vị trí quan trọng tại khu vực (Chủ tịch ASEAN 2020) và trên thế giới (Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc - LHQ).
Kể từ thời kỳ Đổi mới đến nay, chính sách đối ngoại của Việt Nam luôn được cải tiến phù hợp với bối cảnh thế giới, khu vực và trong nước. Trong đó, bao hàm các hướng ưu tiên chính như: tăng cường quan hệ với các nước láng giềng trong Tiểu vùng sông Mekong – nơi Hà Nội có tầm ảnh hưởng đáng kể trong khu vực, làm sâu sắc thêm mối quan hệ đối tác với các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc và Nga.
Tại Đại hội lần thứ VI (năm 1986) của Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban lãnh đạo Đảng đã đề ra mục tiêu cũng như nhiệm vụ đối ngoại là đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ, tích cực hội nhập với cộng đồng quốc tế. Ngoại giao Việt Nam đã mở ra thời kỳ phát triển mới cho đất nước, giúp phá thế bao vây cấm vận, bình thường hóa quan hệ với các nước cựu thù, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế, nâng cao vị thế cũng như tiếng nói của Việt Nam trên sân chơi chính trị quốc tế đương đại.
Năm 2020 là một năm vô cùng quan trọng và mang nhiều ý nghĩa đối với nền ngoại giao Việt Nam hơn bao giờ hết. Bởi lẽ, thứ nhất, Việt Nam đảm nhận trọng trách “kép” khi vừa nắm giữ chiếc ghế thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, vừa nắm vai trò Chủ tịch luân phiên của ASEAN. Trên thực tế, Việt Nam từng giữ vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN hai lần kể từ khi gia nhập năm 1995 (năm 1998 và 2010) và ghế Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ (nhiệm kỳ 2008–2009) kể từ khi trở thành một phần của LHQ năm 1976.
Những nhiệm vụ, hoạt động đối ngoại trong năm 2020 sẽ tạo nhiều cơ hội để Việt Nam thể hiện vai trò như một cường quốc tầm trung trong cấu trúc khu vực do ASEAN dẫn dắt, nâng cao uy tín và năng lực trong con mắt của bạn bè quốc tế. Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ không chỉ đóng góp tiếng nói của mình, mà còn đại diện cho Cộng đồng ASEAN ở một diễn đàn quan trọng, mang tầm cỡ toàn cầu như LHQ.
Năm 2020 cũng là dấu mốc quan trọng trong quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN và tăng cường quan hệ với các đối tác, như kỷ niệm 15 năm thành lập Cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+)…
Thứ hai, năm 2020 còn đánh dấu nhiều sự kiện trọng đại như kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 75 năm thành lập nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, đồng thời đây là thời điểm toàn Đảng, toàn quân thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng lần thứ XIII. Do đó, việc nắm giữa vị trí tại ASEAN hay Hội đồng Bảo an LHQ càng có ý nghĩa hơn.
Cuối cùng, năm 2020 là một năm đặc biệt đối với Việt Nam khi đảm nhận trọng trách đối ngoại quan trọng, bởi lẽ nó diễn ra trong bối cảnh môi trường địa chính trị còn nhiều thách thức và biến động khó lường. Cụ thể là những diễn biến căng thẳng của cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung làm gia tăng nhiều bất ổn trong khu vực, hay những tranh cãi xoay quanh chủ nghĩa đa phương và thương mại tự do mà Hà Nội vẫn đang tìm cách xoay sở như một phần trong nỗ lực hội nhập với thế giới bên ngoài.
Nhìn rộng ra, đây là một phần của xu hướng dài hạn mà Việt Nam, cũng như một số cường quốc tầm trung khác ở châu Á, nhận ra rằng, sự hội nhập sâu rộng với thế giới là một con dao hai lưỡi. Một mặt, hội nhập giúp các quốc gia tăng trưởng kinh tế và mở rộng đáng kể mạng lưới liên kết nước ngoài. Mặt khác, hội nhập quá sâu đôi khi khiến các quốc gia dễ bị chịu tổn thương bởi những diễn biến xấu hay xu thế mới nổi lên tại khu vực. Điển hình như chủ nghĩa bảo hộ thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump, bằng chứng là việc rút ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Bên cạnh những cơ hội, Việt Nam còn phải đối mặt với những khó khăn cả trong khu vực và trên thế giới. Về khu vực, châu Á-Thái Bình Dương hiện đang tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh do tồn tại nhiều điểm nóng như vấn đề Triều Tiên, tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông giữa Trung Quốc và các bên liên quan, vấn đề Đài Loan (Trung Quốc), các vấn đề an ninh phi truyền thống như đói nghèo, dịch bệnh, môi trường...
Bên cạnh đó, thế giới cũng đang phải chứng kiến những xu thế mới nổi lên đe dọa đến sự ổn định phát triển của các quốc gia như chủ nghĩa bảo hộ hay tư tưởng dân túy.
Với đường lối đúng đắn cũng như những bài học và kinh nghiệm ngoại giao dày dặn qua từng thời kỳ, Việt Nam tự tin đảm nhận thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, qua đó, giúp nâng cao hình ảnh, vị thế của quốc gia trên bàn cờ chính trị quốc tế, mở rộng quan hệ với nhiều đối tác lớn, giúp giữ vững môi trường bên ngoài ổn định để phát triển kinh tế.