📞

Việt Nam – Chile cơ hội mới cho doanh nghiệp

15:25 | 03/07/2012
Với việc Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, Chile sẽ là nền tảng tuyệt vời cho Việt Nam xuất khẩu sản phẩm của mình sang các nước Mỹ Latinh khác, tương tự Việt Nam sẽ là một nền tảng cho các sản phẩm Chile xuất khẩu đến các nước khác trong khu vực Đông Nam Á. Theo Thượng nghị sĩ Joseph Garcia Ruminot, Hiệp định thương mại tự do giữa Chile và Việt Nam đánh dấu một mốc quan trọng trong quan hệ thương mại giữa hai nước, đồng thời tăng cường hơn nữa chiến lược hội nhập kinh tế của Chile vào khu vực châu Á và của Việt Nam vào châu Mỹ. Chile đánh giá Việt Nam là một trong những nhà sản xuất hàng đầu về giày dép, dệt may, gạo và cà phê trên thế giới. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế năng động và sôi động nhất châu Á.

Theo số liệu do Cục Hải quan Chile cung cấp, về thị phần và mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Chile, trong năm 2011, Việt Nam xuất sang Chile 36 nhóm mặt hàng, trong đó kim ngạch xuất khẩu tập trung vào 15 nhóm mặt hàng chủ lực là: Giầy dép; sản phẩm dệt – may, máy và phụ tùng, cá đông lạnh, cà phê, tầu, thuyền và công trình nổi, sợi làm thủ công, nhựa và các sản phẩm từ nhựa, đồ nội thất, đồ sứ & hàng thủ công mỹ nghệ, cá đã qua chế biến, chè, đồ chơi, đồ gia dụng, trái cây...

Về nhập khẩu, trong năm 2011, Việt Nam nhập từ Chile 484,84 triệu USD trị giá FOB cảng Chile, trong đó kim ngạch nhập khẩu đồng nguyên liệu 200,11 triệu USD, chiếm tỷ lệ 59,55%.

Về thị phần và mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam từ Chile, Việt Nam nhập khẩu nguyên vật liệu bao gồm 11 mặt hàng chính: Đồng tinh luyện, sắt và thép, gỗ, dầu cá, bột cá, bột giấy, hoá chất vô cơ, phân bón hoá học, máy và phụ tùng, dầu và mỡ động thực vật. Các mặt hàng này chiếm cơ cấu 80% trên tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.

Trị giá xuất khẩu Việt Nam sang Chile đạt từ 13 triệu USD (2001), tăng lên 147 triệu USD (2011). Tổng kim ngạch hai chiều từ 18,15 triệu USD (2001), lên 484,84 triệu USD (2011).

Đáng chú ý, các mặt hàng xuất nhập khẩu của hai nước không cạnh tranh với nhau. Việt Nam xuất khẩu chủ yếu hàng tiêu dùng và các sản phẩm đã qua chế biến, trong khi đó Việt Nam nhập khẩu chủ yếu là nguyên vật liệu để phục vụ sản xuất trong nước và tái xuất khẩu. Trong chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam, Chile là một thị trường mới có nhiều tiềm năng, đồng thời là thị trường cung cấp nguyên vật liệu cho sản xuất trong nước. Tiềm năng kinh doanh của hai nước là rất lớn, sau khi Hiệp định FTA có hiệu lực, cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp hai nước đã được mở ra một cách thuận lợi.

Trong chuyến thăm chính thức cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 20-25/3/2012, Hội đàm với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Tổng thống Chile, Ngài Sebastian Pinera Echenique đã nói: Tại sao chúng ta không phấn đấu để kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước sẽ tăng lên 10 tỷ USD vào năm 2020? Nếu Việt Nam có gặp trở ngại nào từ phía Chile, Ngài Thủ tướng có thể gọi điện thoại trực tiếp cho tôi thì mọi vấn đề đều có thể giải quyết được.

Có thể thấy, với quyết tâm chính trị mạnh mẽ như vậy giữa lãnh đạo cấp cao của hai nước, đã đến lúc doanh nghiệp hai nước nên nhanh chóng nắm bắt cơ hội mới này để biến những kỳ vọng hợp tác hai nước thành hiện thực.

Bà Hà Thị Ngọc HàĐại sứ Việt Nam tại Chile

Cam kết về giảm thuế nhập khẩu

1.1- Cam kết của Chile

Chile cam kết xóa bỏ thuế quan đối với 99,62% số dòng thuế (chiếm 100% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam năm 2007) trong thời gian không quá 10 năm. Trong đó:

- 83,54% số dòng thuế và 81,8% kim ngạch của ta sẽ được hưởng thuế 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực. Danh mục này đã bao gồm những mặt hàng mà ta có lợi ích lớn trong xuất khẩu như: thủy sản, cà phê, chè đen, dầu thô, rau quả tươi và chế biến, thịt gia súc, gia cầm đông lạnh và chế biến, dệt may, giầy dép…

- 537 dòng thuế, chiếm 6,96% số dòng thuế và 4,6% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Chile sẽ được hạ thuế về 0% trong vòng 5 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực. 704 dòng thuế nữa, chiếm 9,12% số dòng thuế và 13,6% kim ngạch, sẽ được hạ về 0% trong vòng 10 năm.

- Danh mục loại trừ của Chile chỉ có 29 dòng thuế, chiếm 0,38% số dòng thuế và 0% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam gồm các mặt hàng: bột mỳ, đường, lúa mỳ, bột ca cao, bột làm kem, chế phẩm không cồn để sản xuất bia, lốp ô tô cũ và đắp lại.

1.2- Cam kết của Việt Nam

Việt Nam cam kết xoá bỏ thuế quan đối với 87,8% số dòng thuế (chiếm 91,22% kim ngạch nhập khẩu từ Chile năm 2007) trong vòng 15 năm. 12,2% số dòng thuế còn lại sẽ không xoá bỏ thuế, được chia vào các danh mục:

- Danh mục loại trừ (không phải thực hiện bất cứ nghĩa vụ nào): 374 dòng thuế, chiếm 4,08% số dòng thuế gồm các mặt hàng: xăng dầu, đường, lốp cũ, vải vụn, ô tô (xe con, dưới 10 chỗ, thiết kế đặc biệt, trên 10 chỗ), quần áo cũ, rác thải y tế-công nghiệp, tàu thuyền đánh bắt thủy sản loại dưới 250T, thuốc lá điếu…

- Danh mục giữ nguyên thuế suất cơ sở: 309 dòng thuế, chiếm 3,37% số dòng thuế gồm các mặt hàng: cánh và đùi gà và phụ phẩm, bã rượu vang, cặn rượu, đồ uống có rượu khác, động cơ bộ phận phụ tùng ô tô-xe máy, tấm thép đen, thép cơ khí chế tạo, xe máy, xe tải…

- Danh mục chỉ thực hiện cắt giảm thuế một phần: 435 dòng thuế, chiếm 4,75% số dòng thuế gồm các mặt hàng: thịt gà, thuỷ sản, cam quýt, rượu vang, bia, máy kéo, lốp ô tô-xe máy, nhựa nguyên liệu, quạt các loại, thép xây dựng, thép cuộn không hợp kim, thép cán nguội... Trong đó, thịt gà giảm từ mức 40% xuống mức 20% và rượu vang giảm từ mức 59% xuống mức 20% vào 2022.

(Số liệu do Vụ thị trường châu Mỹ, Bộ Công thương cung cấp)