Nhỏ Bình thường Lớn

Việt Nam nỗ lực phát huy quyền của người dân tộc thiểu số theo khuôn khổ Công ước CERD

Những chủ trương và thành tựu trong việc thúc đẩy quyền con người của Việt Nam trong thời gian qua giúp tạo dựng tiền đề vững chắc để nước ta thực hiện tốt Báo cáo quốc gia về Công ước CERD lần thứ 5.
Việt Nam nỗ lực phát huy quyền của người dân tộc thiểu số theo khuôn khổ Công ước CERD
Việt Nam ngày càng đạt được nhiều thành tựu ấn tượng về đảm bảo quyền của người dân tộc thiểu số, qua đó góp phần đẩy mạnh uy tín của nước ta trong việc thực thi cam kết quốc tế, đặc biệt là Công ước CERD. (Nguồn: CPV)

Dấu mốc thứ 5

Ra đời từ năm 1965, Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD) là Công ước lên án nạn phân biệt chủng tộc và xác lập nghĩa vụ cho các quốc gia thành viên phải áp dụng chính sách nhằm loại trừ các hình thức phân biệt dựa trên chủng tộc, màu da, dòng dõi, dân tộc hoặc gốc người thiểu số.

Việt Nam tham gia Công ước CERD từ năm 1982 và có bốn lần bảo vệ thành công Báo cáo quốc gia thực thi Công ước CERD vào các năm 1983, 1993, 2000 và 2012. Đây là cơ hội để Việt Nam tuyên truyền về thành tựu bảo vệ nhân quyền nói chung và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta đối với người dân tộc thiểu số nói riêng.

Tiếp tục thành công của các kỳ trước, Việt Nam tích cực triển khai Báo cáo quốc gia lần thứ 5 thực thi Công ước CERD. Đây là báo cáo về các biện pháp lập pháp, hành chính, tư pháp hoặc các biện pháp khác và kết quả triển khai các biện pháp đó trong giai đoạn năm 2013-2019 nhằm bảo vệ quyền con người, chống các hành vi kỳ thị, phân biệt chủng tộc tập trung vào người dân tộc thiểu số ở Việt Nam.

Trên cơ sở này, Việt Nam đã nội luật hóa, bổ sung nhiều quy định pháp luật cụ thể, để tạo ra hành lang pháp lý tương đối hoàn chỉnh nhằm bảo đảm quyền dân sự chính trị, quyền kinh tế, xã hội, văn hóa của người dân tộc thiểu số.

Chủ trương nhất quán

Hiến pháp Việt Nam dành riêng chương II với 36 điều quy định trực tiếp và rõ ràng về “quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”, bao gồm quyền của dân tộc thiểu số với các quy định về bảo đảm quyền cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Từ năm 2013-2019, trong 53 văn bản luật có các điều khoản quy định đảm bảo quyền của người dân tộc thiểu số, có 12 luật mới ban hành từ năm 2012. Việc bảo đảm quyền bình đẳng toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị và dân sự cho tất cả các dân tộc chính là minh chứng cho quyền tự quyết của các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam.

Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp nhau cùng tiến bộ; các dân tộc không phân biệt đa số hay thiểu số, trình độ phát triển cao hay thấp, đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội và được bảo đảm bằng Hiến pháp và pháp luật.

Thành tựu nổi bật

Trong những năm qua, Việt Nam luôn coi trọng quyền tham gia vào hệ thống chính trị của đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt đối với cơ quan quyền lực cao nhất là Quốc hội. Do đó, Hiến pháp 1992 và Hiến pháp 2013 đã bổ sung nhiều nội dung quan trọng để bảo đảm quyền bầu cử và ứng cử của người dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, nền kinh tế xã hội của vùng đồng bào miền núi trong những năm qua có bước phát triển tích cực, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn trước. Cụ thể, chính sách của Nhà nước đã giúp hơn 2 triệu hộ dân tộc thiểu số miền núi thoát nghèo, tạo việc làm cho hơn 162 nghìn lao động (hơn 16 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài).

Việt Nam nỗ lực phát huy quyền của người dân tộc thiểu số theo khuôn khổ Công ước CERD
Hiện có tổng số 52/54 dân tộc có đại diện tham gia Quốc hội qua các khóa. (Nguồn: TTXVN)

Nhằm xóa bỏ khoảng cách giáo dục, Nhà nước thi hành nhiều chủ trương, chính sách để phát triển sự nghiệp giáo dục cho dân tộc thiểu số miền núi. Chẳng hạn, tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, Nhà nước có chính sách hỗ trợ miễn, giảm học phí, chi phí học tập.

Bên cạnh đó, nhằm bảo đảm dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình, Nhà nước rất quan tâm đến công tác dạy và học tiếng nói, chữ viết, bảo tồn văn hóa của người dân tộc thiểu số.

Hiện nay, cả nước chính thức triển khai dạy và học 6 thứ tiếng dân tộc thiểu số (có chương trình và sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành): Mông, Chăm, Khmer, Jrai, Ba Na, Ê Đê ở 23 tỉnh, thành phố trong cả nước với quy mô 715 trường, 4.812 lớp, 113.231 học sinh.

Như vậy, có thể kết luận, Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm các quyền cho người dân tộc thiểu số, đặc biệt từ khi Việt Nam gia nhập Công ước CERD vào năm 1982. Việt Nam luôn nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật, huy động nguồn lực phát triển bảo đảm bình đẳng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng dân tộc thiểu số.

Nhằm thực thi tốt hơn nữa vai trò thành viên Công ước, Việt Nam cam kết thúc đẩy tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về Công ước trong cả nước nói chung và vùng dân tộc thiểu số miền núi nói riêng. Bên cạnh đó, Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế về thực thi Công ước để chia sẻ kinh nghiệm trong việc đảm bảo quyền cho người dân tộc thiểu số, chống mọi hình thức phân biệt đối xử.

Ra mắt cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc

Ra mắt cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Nhà xuất bản Chính ...

Ruộng bậc thang - động lực phát triển vùng dân tộc thiểu số phía Bắc

Ruộng bậc thang - động lực phát triển vùng dân tộc thiểu số phía Bắc

Đã từ lâu ruộng bậc thang trở thành hình thức canh tác độc đáo, tạo nên nét truyền thống đậm bản sắc văn hóa của ...

Huy động nguồn lực trí thức người Việt Nam ở nước ngoài hòa vào sức mạnh tổng hợp của dân tộc

Huy động nguồn lực trí thức người Việt Nam ở nước ngoài hòa vào sức mạnh tổng hợp của dân tộc

Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) khẳng định, cần ...

An Giang: Chính sách dân tộc làm đổi thay đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

An Giang: Chính sách dân tộc làm đổi thay đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

Thời gian qua, tỉnh An Giang thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc, từ đó đời sống vật chất và tinh thần của ...

ASEAN ra tuyên bố chung, ghi nhận nỗ lực của Myanmar sơ tán an toàn người dân và công dân nước ngoài khỏi khu vực xung đột

ASEAN ra tuyên bố chung, ghi nhận nỗ lực của Myanmar sơ tán an toàn người dân và công dân nước ngoài khỏi khu vực xung đột

Tuyên bố chung kêu gọi chính quyền Myanmar và các bên liên quan hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp, đảm bảo hoạt động di chuyển ...