Ông Vũ Khoan (thứ hai, bên phải) đang dịch cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. |
Sở dĩ đầu đề bài này là "Vòng ngoài Paris" vì bản thân tôi không được trực tiếp tham gia quá trình đàm phán về Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam mà chỉ chạy vòng ngoài, chủ yếu liên quan tới mối quan hệ với Liên Xô xung quanh câu chuyện này. Thế nhưng số phận lại dành cho tôi đặc ân được đi Paris cùng Đoàn Chính phủ ta do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh sang ký Hiệp định và sau đó là sang dự Hội nghị quốc tế ký Định ước bảo đảm Hiệp định.
Vì ở vòng ngoài nên tôi chỉ có thể chia sẻ những cảm xúc bên lề sự kiện thôi. Tháng 12/1972, tôi được cử đi theo đồng chí Trường Chinh sang Liên Xô dự lễ kỷ niệm lần thứ 50 ngày thành lập Liên bang Xô Viết. Khi dừng chân ở Bắc Kinh, Đoàn ở trong khu nhà khách Điếu ngư đài. Lúc ấy, đồng chí Lê Đức Thọ trên đường từ Paris về nước đã chạy vào gặp đồng chí Trường Chinh với dáng vẻ vội vã và nét mặt ưu tư. Sau đó, chúng tôi được biết phía Mỹ lật lọng đòi sửa lại dự thảo Hiệp định, thậm chí đe dọa tiếp tục ném bom, bắn phá miền Bắc.
Quả nhiên, đúng lúc đoàn đang ở Moscow thì nhận được tin B52 tập kích miền Bắc. Hành vi trắng trợn và tàn bạo đó đã dấy lên làn sóng mạnh mẽ lên án Mỹ, ủng hộ Việt Nam tại lễ kỷ niệm tại Cung đại hội trong Kremli với sự tham gia của hàng nghìn đại biểu từ mọi miền Liên bang Xô Viết cùng hàng trăm đoàn cấp cao các nước và các chính đảng trên thế giới.
Theo yêu cầu từ trong nước, đồng chí Trường Chinh đã lập tức gặp lãnh đạo Liên Xô đề nghị viện trợ bổ sung khí tài, nhất là tên lửa và phía bạn đã sốt sắng đáp ứng.
Sau lễ kỷ niệm, đồng chí Trường Chinh quyết định cắt mọi chương trình tham quan mà bay thẳng về nước. Tới Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc), đoàn liên hệ với trong nước để xem về bằng cách nào, nếu không về được bằng máy bay thì sẽ đi đường bộ, cuối cùng trong nước thông báo có thể về bằng đường không. Khi máy bay hạ cánh xuống Sân bay Gia Lâm, nhà ga tối om, chiếc IL-18 còn lại cháy thui (lúc đó ta chỉ có 2 chiếc do Liên Xô tặng, một chiếc chở đoàn chúng tôi đi); trên đường vào thành phố không một ánh đèn, dây điện, cành cây ngổn ngang, về tới nhà ông già bà cả và trẻ con đã đi sơ tán cả.
Thất bại trong cuộc tập kích miền Bắc bằng không quân, tới tháng 1/1973, Mỹ buộc phải trở lại bàn đàm phán và cuối cùng hai bên đã đi tới thỏa thuận về dự thảo Hiệp định. Tôi lại được cử theo Đoàn đồng chí Nguyễn Duy Trinh sang Liên Xô thông báo cho lãnh đạo bạn về nội dung Hiệp định (Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị được cử sang Trung Quốc). Bạn tiếp đoàn ở cấp cao khác thường và các vị lãnh đạo Liên Xô hết sức hồ hởi khi được thông báo về tin vui này.
Mấy ngày sau, tôi theo Đoàn Chính phủ Việt Nam sang Paris để chính thức ký Hiệp định. Lần đầu được đặt chân lên thành phố Paris hoa lệ, trong tôi lâng lâng nhiều cảm xúc khó tả, nhưng có hai điều để lại ấn tượng sâu sắc nhất. Một là lễ đón đoàn tại sân bay Orly với cơ man đại diện chính quyền, bạn bè, báo giới Pháp và quốc tế cùng đông đảo bà con Việt kiều cờ hoa trên tay chào mừng Đoàn; và hai là lễ ký Hiệp định tại Trung tâm hội nghị quốc tế Kléber với sự hiện diện của đông đảo quan khách, phóng viên. Khi về tới trụ sở Đoàn ở Choisy-le-Roi, anh em trong Đoàn ôm nhau nhẩy nhót, vui mừng khôn xiết về sự kiện lịch sử này.
Tiếp đó là cảnh đón tiếp, chào mừng hết sức trang trọng trong điện Kremli ở Moscow và Đại lễ đường Bắc Kinh với sự tham gia của toàn bộ lãnh đạo cao nhất của Liên Xô và Trung Quốc. Cảm động nhất là cuộc đón tiếp tưng bừng tại sân bay Gia Lâm khi đoàn về tới Hà Nội đúng vào lúc Năm hết, Tết đến. Khác hẳn chuyến trở về trong đêm tối mịt mùng sau khi B52 đánh phá Hà Nội, lần này về thấy ai ai cũng hớn hở trong không khí chuẩn bị đón Xuân lần đầu tiên trong hòa bình sau những năm dài bom đạn. Sự nghênh đón nồng nhiệt ấy đâu chỉ dành riêng cho Đoàn mà là niềm hân hoan, tự hào về thắng lợi của cả dân tộc ta.
Hội nghị Định ước quốc tế về Hiệp định Paris về Việt Nam được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị quốc tế trên Đại lộ Kléber (Paris), ngày 2/3/1973, với sự tham dự đại diện của 12 nước và Liên hợp quốc. (Nguồn: Getty Images) |
Cuối tháng Hai, đầu tháng Ba năm đó, tôi lại được đi theo Đoàn Chính phủ ta sang Paris dự Hội nghị quốc tế ký Định ước Quốc tế bảo đảm cho việc thi hành Hiệp định. Tiếc rằng ngày nay người ta ít khi nhắc tới sự kiện này. Theo thiển ý của tôi, Hội nghị có ý nghĩa rất lớn với sự tham gia chẳng những của 4 bên ký kết Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam mà còn có sự tham gia của cả 5 nước Ủy viên thường trực HĐBA LHQ, Tổng thư ký LHQ và 4 nước có chân trong Ủy ban quốc tế giám sát việc thi hành Hiệp định là Ba Lan, Hungary, Canada, Indonesia. Hội nghị và Định ước quốc tế vừa nâng tầm Hiệp định Paris, vừa góp phần nâng cao hơn nữa vị thế quốc tế của Việt Nam.
Trong những ngày đáng nhớ ấy trong tôi bỗng nảy sinh ý nghĩ: từ hội nghị Fontainebleau và Bác Hồ ký Tạm ước 14/9/1946 cũng tại Paris tới Hiệp định lần này phải mất 27 năm ròng, trải qua hai cuộc kháng chiến chống hai đế quốc to, dân tộc ta phải đổ biết bao xương máu; không có Điện Biên Phủ dưới đất năm 1954 và trên không năm 1972 thì sao có thắng lợi đó được.
Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, mùa Hè năm 1973, tôi lại khăn gói lên đường phục vụ Đoàn đại biểu Chính phủ ta do Thủ tướng Phạm Văn Đồng đi thăm các nước XHCN cùng Thụy Điển, Algeria để thay mặt nhân dân ta cảm ơn về sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu của anh em, bạn bè đồng thời giải thích chính sách của ta trong việc thực thi Hiệp định, tố cáo chính quyền Sài Gòn phá hoại thỏa thuận Paris, tranh thủ sự viện trợ quốc tế nhằm hàn gắn vết thương chiến tranh ở miền Bắc.
Cá nhân tôi chỉ đi Liên Xô, Đông Âu với vai trò chuyên viên phụ trách việc đàm phán về các bản tuyên bố chung. Một mặt, các nước bạn rất khâm phục, ca ngợi thắng lợi của nhân dân ta, mặt khác luôn nhấn mạnh yêu cầu giữ gìn hòa bình trên cơ sở nguyên trạng, hết sức tránh lên án phía đối phương. Tôi nhớ mãi những cuộc cò cưa nhiều khi thâu đêm suốt sáng về các bản tuyên bố chung, nhất là nội dung phê phán âm mưu phá hoại hiệp định của phía Mỹ và chính quyền Sài Gòn.
Việc ký kết và đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Paris chỉ mới là màn dạo đầu cho đoạn kết của cuộc kháng chiến trường kỳ vì sự nghiệp thống nhất đất nước. Với Hiệp định Paris 1973, ta mới chỉ đạt mục tiêu "đánh cho Mỹ cút", còn phải “đánh cho Ngụy nhào” nữa. Trong những tháng đầu năm 1975, gia đình tôi cũng như mọi nhà đều biến thành các "Cục tác chiến mi-ni" hàng ngày chăm chú, hào hứng theo dõi trên bản đồ từng bước quân đi. Tới trưa ngày 30/4/1975, khi được tin giải phóng Sài Gòn mọi người ùa ra phố hò reo nhẩy múa mừng hòa bình, mừng thống nhất. Đúng lúc niềm vui dâng trào, tôi lại được lệnh lên đường cùng Đoàn đại biểu Đảng - Chính phủ ta tham dự lễ kỷ niệm lần thứ 30 ngày Chiến thắng phát xít ở Moscow. Thú thật tôi chẳng muốn đi tý nào, chỉ muốn nhào vào miền Nam. Nhưng công việc là công việc, tôi vẫn phải khăn gói lên đường. Bù vào "thiệt thòi" không được ở lại trong nước để chung vui, tại lễ kỷ niệm trang trọng cũng tại Cung Đại hội Kremli tôi đã được trực tiếp chứng kiến cảnh bè bạn năm châu bốn biển chào mừng thắng lợi, ca tụng khí phách anh hùng của dân tộc ta nhiệt liệt tới chừng nào.
Như vậy là tôi có vinh dự được tham gia một chuỗi sự kiện lịch sử trong đoạn kết của cuộc kháng chiến trường kỳ vì độc lập của Tổ quốc, thống nhất của giang sơn. Ngẫm lại thấy trên thế gian này hiếm có dân tộc nào phải gánh chịu nhiều hy sinh để giữ vững chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ như dân tộc ta; hiếm có nền ngoại giao nước nào lại đóng góp lớn lao như vậy vào sự nghiệp cao cả của dân tộc như ngoại giao Việt Nam; Hiếm có nước nào tranh thủ được cảm tình sâu sắc, sự ủng hộ mạnh mẽ của bạn bè gần xa như nước ta.
Thiết nghĩ những điều quý giá ấy vẫn còn nguyên giá trị trong giai đoạn hiện nay, khi nhân dân ta kiên trì hòa bình, tập trung sức lực dựng xây đất nước, bảo vệ giang sơn gấm vóc của ông cha để lại.
(Bài viết được đăng trong Đặc san 40 năm Hiệp định Paris của Báo Thế giới & Việt Nam)
| Gặp gỡ hữu nghị những nhân chứng lịch sử nhân 50 năm ngày ký Hiệp định Paris Ngày 13/1, tại Hà Nội, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO) tổ chức "Gặp gỡ hữu nghị Hiệp định Paris 1973 ... |
| Chủ tịch nước tiếp các đại biểu quốc tế dự kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Paris Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, 50 năm trôi qua kể từ khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại ... |
| Hội nghị Paris: Một đấu bốn và ‘bốn trong một' Tại Hội nghị Paris, Bộ trưởng Xuân Thủy không chỉ lần lượt đấu với 4 Trưởng đoàn của Mỹ mà còn phải thực hiện đồng ... |
| 50 năm ký Hiệp định Paris: Thanh niên Quảng Bình tổ chức chương trình nghệ thuật 'Dấu mốc hòa bình' Thắng lợi trên mặt trận ngoại giao mà đỉnh cao là Hiệp định Paris năm 1973 là hành trang quý giá để thế hệ trẻ ... |
| Một phong trào chống chiến tranh Việt Nam: Quỹ Đoàn kết Đông Dương 1971-1973 Laurent JALABERT, giáo sư sử học Trường Đại học Tổng hợp Pau và vùng Adour, (Pháp) chuyên nghiên cứu về lịch sử chính trị Pháp ... |
| Tản mạn chuyện đàm phán ở Paris… Trong gần năm năm diễn ra đàm phán Paris về Việt Nam, không chỉ đồng bào và chiến sĩ trong nước mà nhân dân thế ... |