"Hòa bình chỉ đảm bảo bằng sức mạnh to lớn"
Theo KCNA, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã giám sát cuộc tập trận hôm 4/5. Tại đây, ông Kim đã kêu gọi quân đội Triều Tiên ghi nhớ sự thật bất biến rằng hòa bình và an ninh thực sự chỉ được đảm bảo bằng sức mạnh to lớn.
Trước đó, ngày 3/5, cơ quan truyền thông Triều Tiên đồng loạt chỉ trích việc quân đội Mỹ gần đây tiến hành diễn tập tổ hợp tên lửa đánh chặn tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại căn cứ Pyeongtaek, trên lãnh thổ Hàn Quốc (15 - 20/4).
Triều Tiên cho rằng, cuộc diễn tập này là hành động uy hiếp và khiêu khích quân sự trắng trợn, phá vỡ bầu không khí hòa bình trên bán đảo Triều Tiên hiện nay; chỉ trích cuộc diễn tập đã tự chứng minh Mỹ mới chính là quốc gia có dã tâm phá hoại hòa bình, khiêu khích chiến tranh Triều Tiên; nhấn mạnh nếu thực sự mong muốn hòa bình trên bán đảo Triều Tiên thì Mỹ phải dừng ngay việc triển khai THAAD tại Hàn Quốc cũng như tất cả các hành vi thù địch khác.
Chủ tịch Triều Tiên đích thân chỉ đạo cuộc thử nghiệm bắn thử các loại vũ khí hôm 4/5/2019. (Ảnh minh họa, Nguồn: Getty) |
Theo các chuyên gia được hãng Yonhap trích dẫn, vũ khí mà Triều Tiên vừa tiến hành thử nghiệm là loại tên lửa tầm ngắn Iskander của Nga được cải tiến, có tầm bắn 500 km. Với tầm bắn này, Triều Tiên đủ khả năng tấn công trên khắp lãnh thổ Hàn Quốc và vô hiệu hóa hệ thống chống tên lửa tầm trung cao (THAAD) mới vừa được thử nghiệm lần đầu tiên hồi tháng 4.
Phản ứng của Mỹ, Nhật, Hàn
Ngay sau khi có thông tin về động thái này của Triều Tiên, trên Twitter cá nhân, Tổng thống Trump đã viết rằng: “Bất cứ điều gì trong thế giới rất thú vị này cũng đều là khả thi, nhưng tôi tin rằng ông Kim Jong-un hoàn toàn hiểu được tiềm năng kinh tế khổng lồ của Triều Tiên và sẽ không làm gì để cản trở hoặc chấm dứt nó. Ông ấy cũng biết rằng tôi ủng hộ ông ấy và không muốn phá bỏ lời hứa của ông ấy với tôi. Sẽ đạt được một thỏa thuận”.
Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết rằng Mỹ tin tưởng rằng, cuộc đàm phán với Triều Tiên về việc phi hạt nhân hóa có thể “tiến triển” và cuộc thảo luận nghiêm túc giữa hai nước sẽ diễn ra trong thời gian tới. Ông Pompeo phát biểu trên kênh truyền hình ABC rằng: “Chúng tôi tin rằng hai nước có thể quay lại bàn đàm phán và tìm hướng phát triển. Chúng tôi đã tiến lên phía trước so với vị trí cách đây một năm và chúng tôi sẽ tiếp tục đạt được tiến bộ”.
Người Phát ngôn Nhà Trắng Mỹ Sarah Sanders cho biết, Mỹ đã được thông báo về hành động của Triều Tiên và sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ các diễn biến liên quan đến vụ phóng mới của Triều Tiên. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong tuần này, đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên, Stephen Biegun sẽ thăm Hàn Quốc và Nhật Bản vào ngày 9 - 10/5 để thảo luận về vấn đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên.
Về phía Hàn Quốc, Phủ Tổng thống Hàn Quốc đã tiến hành họp khẩn cấp và kêu gọi Triều Tiên ngừng các hành động làm gia tăng căng thẳng quân sự trên bán đảo Triều Tiên. Bộ Quốc phòng và Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc ngay lập tức khởi động hệ thống đối phó nguy cơ khẩn cấp và hệ thống chia sẻ thông tin với Mỹ.
Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kang Kyung-hwa lần lượt điện đàm với người đồng cấp của Mỹ và Nhật Bản và thống nhất duy trì phản ứng thận trọng, đồng thời giám sát chặt chẽ động thái của Triều Tiên.
Các chuyên gia Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho rằng động thái trên của Triều Tiên không vi phạm Thỏa thuận quân sự liên Triều ký ngày 19/9/2018 do “đạn tầm ngắn” không phải là tên lửa đạn đạo và địa điểm bắn cũng không phải là khu vực vi phạm Biện bản thỏa thuận quân sự liên Triều.
Về phía Nhật Bản, Bộ Quốc phòng Nhật Bản khẳng định vụ phóng của Triều Tiên không phải mối đe dọa tức thì đối với an ninh quốc gia và Người Phát ngôn Chính phủ Nhật Bản bác bỏ thông tin Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo.
Các chuyên gia cho rằng hành động trên của Triều Tiên nhằm: gia tăng sức ép buộc Mỹ phải thể hiện sự linh hoạt trong đàm phán hạt nhân; hối thúc Hàn Quốc chủ động trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân; thúc đẩy các bên quay trở lại bàn đàm phán hạt nhân; và gửi thông điệp Triều Tiên sẽ không rút lui về mặt quân sự. Tuy nhiên, động thái của Triều Tiên được cân nhắc kỹ và được điều chỉnh phù hợp để không khiêu khích Mỹ tới mức làm chệch hướng ngoại giao và không đưa ra thêm các lệnh trừng phạt mới đối với Triều Tiên