Theo báo cáo Các khuynh hướng và ảnh hưởng của năng lượng thay thế đối với các nước trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) của Trung tâm Nghiên cứu vùng Vịnh (GRC) tại Dubai, trong khi giá nhiên liệu hóa thạch tăng cao và các Chính phủ lo ngại trước tình trạng trái đất ấm lên bắt nguồn từ việc sử dụng dầu lửa, một loại năng lượng hóa thạch thì một nguồn năng lượng tái sinh vẫn vô cùng hấp dẫn và cần thiết với các nước trong khu vực.
Các chuyên gia cho biết, tiềm năng sản xuất năng lượng tái sinh là rất lớn và cao gấp vài lần tổng nhu cầu năng lượng hiện nay. Eckart Woertz, nhà quản lý chương trình của GRC, cho biết “đầu tư cho năng lượng tái sinh trong năm 2006 là 70,9 tỉ USD, tăng 43% so với năm 2005. Những lĩnh vực được đầu tư nhiều nhất là năng lượng gió, mặt trời và nhiên liệu sinh học vì những lĩnh vực này đã chứng tỏ khả năng làm chủ công nghệ cao, được ưu đãi về chính sách và được các nhà đầu tư ưa chuộng”.
Nhìn chung, đầu tư vào năng lượng tái sinh tại các nước đang phát triển tuy chưa lớn nhưng có tiềm năng tăng rất nhanh, nhất là tại Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil. Các nước Saudi Arabia, Oman, Kuwait, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) cũng đang dành những khoản đầu tư khổng lồ vào lĩnh vực này. Đầu năm nay, UAE, nước có trữ lượng dầu được chứng minh lớn thứ 6 thế giới, đã ký thỏa thuận với một công ty của Pháp để xây hai lò phản ứng hạt nhân. Kuwait và Bahrain cũng đang manh nha tiếp bước UAE.
Các nhà phân tích cho rằng sở dĩ các nước trên gần đây quan tâm tới RES là do ngày càng nhận thức rõ rằng dầu là nguồn tài nguyên có hạn. Vì vậy, họ đang tìm cách bảo tồn và kéo dài tuổi thọ cũng như giá trị của các nguồn tài nguyên hydrocacbon.
Hơn nữa, với nguồn tiền mặt dồi dào trong tay, những nước này tự tin rằng họ có thể phát triển RES thành công như khi phát triển ngành công nghiệp dầu. Bộ trưởng Dầu lửa Saudi Arabia Ibrahim Al Naimi còn tuyên bố rằng nước ông đang có kế hoạch biến năng lượng mặt trời thành trụ cột trong kho năng lượng quốc gia. Trong lộ trình phát triển RES, UAE có dự án Masdar đầy tham vọng, theo đó biến Masdar thành thành phố không sản sinh khí CO2 đầu tiên trên thế giới.
Nam Trân