TIN LIÊN QUAN | |
Trung Quốc hy vọng thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra theo dự kiến | |
Ông Trump tweet, sẵn lòng kéo dài cuộc gặp Mỹ - Triều hơn 1 ngày |
Cuộc khẩu chiến trước trận đấu
Các nhà quan sát “vở kịch” thượng đỉnh Trump-Kim dài tập cho rằng, có một sự “ve vãn” không nhỏ đang diễn ra, theo chiều hướng mà các tuyên bố từ mỗi bên sẽ quyết định xem liệu rằng hai nước có đồng ý đàm phán với nhau hay không.
Triều Tiên khẳng định sẵn sàng đàm phán với Mỹ bất cứ lúc nào. (Nguồn: Reuters) |
Cốt lõi những lời lẽ cự tuyệt của Triều Tiên, từng khiến Tổng thống Trump phải tuyên bố hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh, là một sự bất đồng quan điểm cơ bản về đường hướng dẫn tới việc phi hạt nhân hóa. Việc điều chỉnh lại những quan điểm này có thể xác định không chỉ mức độ thành công của bất kỳ cuộc họp nào trong tương lai, mà còn là tính khả thi của hội nghị đó.
Christopher Hill, nhà đàm phán chính của Mỹ với Triều Tiên dưới thời chính quyền cựu Tổng thống George W. Bush, nhấn mạnh: “Bạn có thể chỉ coi điều này như một cuộc khẩu chiến trước một trận đấu lớn sắp diễn ra. Thành thật mà nói, tôi nghĩ nó nghiêm trọng hơn nhiều”.
Bức thư mà Trump gửi cho Kim Jong-un hôm 24/5 đã đổ lỗi cho “sự tức giận khủng khiếp và thái độ thù địch không che giấu” của Bình Nhưỡng làm “trật bánh” cuộc họp Mỹ-Triều dự kiến diễn ra ngày 12/6 tại Singapore. Tuy nhiên, Trump đã thay đổi thái độ của mình sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Kim Kye Gwan đáp lại, mà không đưa ra thêm bất kỳ lời đe dọa nào, thay vào đó ông khen ngợi Tổng thống Mỹ và thể hiện sự cởi mở của Triều Tiên với các cuộc đàm phán.
Diễn biến bất ngờ
Hôm 25/5, Trump cho biết hai bên đang thảo luận để đưa hội nghị thượng đỉnh trở lại đúng hướng, có thể là vào đúng ngày dự kiến ban đầu. Sau đó, theo một quan chức Hàn Quốc, hôm 26/5, Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã tổ chức một cuộc họp bất ngờ để thảo luận việc thực hiện các cam kết hòa bình mà họ đạt được trong hội nghị liên Triều đầu tiên và hội nghị tiềm năng Mỹ-Triều.
Sáng 27/5, Phủ Tổng thống Hàn Quốc đã tổ chức họp báo ở Seoul công bố kết quả cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều đầy bất ngờ này. Trong bài phát biểu, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết, Chủ tịch Kim Jong-un một lần nữa đã bày tỏ cam kết rõ ràng của ông về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, chấm dứt lịch sử cuộc chiến tranh Triều Tiên. Lãnh đạo hai bên nhất trí rằng cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều vào ngày 12/6 tới phải được tổ chức thành công.
Theo ông Moon, do cả Chủ tịch Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump đều thành thực cầu mong cho sự thành công của cuộc gặp thượng đỉnh Triều-Mỹ, nên hai bên cần xóa bỏ bất cứ sự hiểu lầm nào thông qua liên lạc trực tiếp và tổ chức đối thoại đầy đủ về các vấn đề trong chương trình cuộc gặp.
Ông Moon nhấn mạnh cuộc gặp thượng đỉnh Triều-Mỹ vào ngày 12/6 tới có bị gián đoạn, thành công hay không phụ thuộc vào mức độ thành công trong các cuộc đàm phán ở cấp chuyên viên giữa hai nước này.
Những diễn biến vừa qua đã khiến Hàn Quốc- một đồng minh thân cận của Mỹ và là một “nhà môi giới” hội nghị- cảm thấy “lúng túng”. Còn Trung Quốc- đồng minh truyền thống của Triều Tiên- lại tức giận về việc Trump đã đổ lỗi cho họ về sự thay đổi thái độ cứng rắn của ông Kim Jong-un và các quan chức trong chính quyền Trump đang phải vật lộn để theo kịp tốc độ tiến triển này.
Những mâu thuẫn ngầm
Quan điểm cơ bản của Triều Tiên không hề thay đổi, kể cả giọng điệu của họ. Ông Kim Kye Gwan giải thích rằng, việc Triều Tiên gọi Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence là “bù nhìn chính trị” cũng như cảnh báo về một thách thức hạt nhân tiềm năng chỉ là phản ứng của nước này trước những “nhận xét không được kiềm chế” từ phía Mỹ, khi nhấn mạnh Triều Tiên phải đơn phương từ bỏ chương trình nguyên tử của mình.
Với những nhà quan sát Triều Tiên, đây chỉ là một biến cố ngoại giao kể từ hồi tháng 3/2018, khi Trump đồng ý gặp Kim Jong-un và cố thuyết phục ông ta từ bỏ vũ khí hạt nhân có thể gây nguy hiểm cho lục địa Mỹ. Evans Revere, cựu quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách vấn đề Đông Á, cho biết: “Khoảng cách lớn giữa Mỹ và Triều Tiên về việc phi hạt nhân hóa là sự mâu thuẫn ngầm đối với tất cả những gì vừa xảy ra”.
Theo ông Hill, “điều này nói lên thực tế rằng, Triều Tiên không sẵn sàng từ bỏ tất cả mọi thứ trong chương trình vũ khí của họ như những gì đã cam kết, còn Mỹ cũng không sẵn sàng đáp ứng bất kỳ hình thức giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt nào cho đến khi mọi việc đã hoàn thành”.
Đó là nội dung mà nhà đàm phán hạt nhân kỳ cựu của Triều Tiên Kim Kye Gwan đã bày tỏ một cách rõ ràng hồi tuần trước, thời điểm ông chỉ trích Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton khi cho rằng việc giải trừ quân bị ở Libya năm 2004 có thể là một mô hình thỏa thuận để áp dụng với Triều Tiên.
Đối với Triều Tiên, đó là một sự so sánh mang tính khiêu khích sâu sắc vì 2 lý do. Thứ nhất, nhà độc tài Libya Moammar Gadhafi đã bị giết hại sau 7 năm từ bỏ chương trình hạt nhân của mình. Thứ hai, Libya đã từ bỏ chương trình hạt nhân còn non yếu- kém xa so với Triều Tiên- trước khi nhận được bất kỳ lợi ích nào.
Trong khi đó, Triều Tiên đang xem xét một loại thỏa thuận khác. Frank Aum, cựu cố vấn cấp cao của Lầu Năm Góc về Triều Tiên cho biết, Triều Tiên đang tìm kiếm một tiến trình theo từng giai đoạn, trong đó mỗi bên có những bước "tiến bộ và đồng bộ" hướng tới việc phi hạt nhân hóa và hiện thực hóa hòa bình.
Quan chức Triều Tiên giải thích qui trình phá hủy các đường hầm ở bãi thử hạt nhân Punggye-ri cho đoàn nhà báo nước ngoài đến chứng kiến sự kiện này. (Nguồn: Reuters) |
Triều Tiên đã dành nhiều thập kỷ xây dựng năng lực hạt nhân và tên lửa để ngăn chặn Mỹ. Do đó, ông Aum vẫn hoài nghi về khả năng Triều Tiên thực sự quan tâm đến việc từ bỏ năng lực này dù họ hiểu rằng, những lợi ích có thể nhận được không hề dễ dàng.
Còn đối với chính quyền Trump, tiến trình theo từng bước sẽ chỉ tạo ra một bản sao các thỏa thuận “viện trợ để đổi lấy giải trừ quân bị” từng thất bại trong quá khứ với Triều Tiên, mặc dù chính ông Trump hồi tuần trước - trước khi ông tuyên bố hủy cuộc gặp thượng đỉnh - vẫn không loại trừ một cách tiếp cận mà có thể cung cấp những động thái khích lệ dành cho Triều Tiên. Ông Trump nói rằng, ông Kim Jong-un sẽ nhận được sự bảo đảm về an ninh nếu ông ta phi hạt nhân hóa.
Điều đó cho thấy sự linh hoạt của Trump, người hay dao động giữa những lời đe dọa và sự tâng bốc trong công cuộc “ve vãn” dài hơi của Kim Jong-un, đồng thời rõ ràng vẫn mong muốn trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của Mỹ gặp gỡ đối tác Triều Tiên và thậm chí mang hòa bình đến Bán đảo Triều Tiên bị chia cắt.
Ông Revere cho rằng những điều cần thiết hiện giờ là những gì đáng lẽ đã xảy ra ngay từ đầu trước khi Trump đồng ý tham gia hội nghị thượng đỉnh: một nỗ lực mà các quan chức cần làm để cố gắng lấp đầy khoảng trống lớn giữa hai bên. Đây dường như là một “vực thẳm” khó có thể thu hẹp bất chấp việc Ngoại trưởng Mike Pompeo đã thực hiện những chuyến đi hiếm hoi đến Bình Nhưỡng để gặp ông Kim Jong-un.
Ông Hill khẳng định rằng, việcTổng thống Mỹ Trump đồng ý tham dự hội nghị thượng đỉnh với Kim Jong-un “mà không có bất kỳ ý tưởng gì về những điều sắp diễn ra, thậm chí còn tồi tệ hơn việc không tham gia hội nghị”.
Nhà Xanh hoan nghênh việc nối lại đối thoại Mỹ-Triều Phủ Tổng thống Hàn Quốc (Nhà Xanh) ngày 26/5 đã hoan nghênh việc nối lại đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên về một cuộc ... |
Truyền thông Triều Tiên cảnh báo nguy cơ phụ thuộc vào nước ngoài Ngày 21/5, tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận chính thức của đảng Lao động Triều Tiên cảnh báo nguy cơ từ việc phụ thuộc ... |
Tổng thống Hàn Quốc và Mỹ điện đàm về Triều Tiên Ngày 20/5, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết, Tổng thống Moon Jae-in và người đồng cấp Mỹ Donald Trump điện đàm để trao ... |