Xung đột Mỹ - Iran đang rất căng thẳng. (Nguồn: AFP) |
Dụng ý từ hai phía
Chuyên gia John Raine cho rằng, việc nhiều người lo sợ về một cuộc chiến tranh giữa Mỹ - Iran là hoàn toàn dễ hiểu. Tuy nhiên, bất chấp việc Anh và Mỹ đã triển khai tàu chiến đến vùng Vịnh, cuộc xung đột hiện nay giữa hai nước vẫn chỉ được tiến hành ở dưới ngưỡng của xung đột vũ trang truyền thống, nhưng ở trên mức cạnh tranh thù địch thông thường.
Theo ông John Raine, việc gọi tên cuộc xung đột này như thế nào không thực sự quan trọng. Trên thực tế, các bên tham chiến sẽ ngày càng chú trọng hơn đến các hành động thù địch mới nhất của đối phương, và các hành động đáp trả có thể bị tác động bởi chính trị nội bộ cũng như những toan tính chiến lược khu vực. "Điều chúng ta cần làm là hiểu đúng bản chất và xu hướng của cuộc xung đột trong việc chuẩn bị các phản ứng cũng như cam kết dài hạn, và định hình các kỳ vọng chính trị. Đây cũng là điều quan trọng đối với các bên không tham gia nhưng lại chịu tác động bởi cuộc xung đột", chuyên gia John Raine nhấn mạnh.
Cũng theo chuyên gia này, cả Mỹ và Iran đều có khả năng duy trì lâu dài một cuộc “chiến tranh dưới ngưỡng” vì chi phí thấp, cả về tiền bạc lẫn thương vong. Nhưng sâu xa hơn, Mỹ và Iran có thể duy trì cuộc chiến kiểu này đơn giản vì nó cho phép cả hai bên giữ vững lập trường thù địch và tạo ra lợi thế chính trị trong nước thông qua việc thực hiện các hành động thù địch, nhưng không phải là chiến tranh truyền thống.
Kiểu chiến tranh này củng cố hình ảnh kiên cường và cứng rắn mà Iran muốn xây dựng. Về phía Mỹ, trạng thái này cho phép Chính quyền Tổng thống Trump cô lập và gây tổn hại cho Iran, gây sức ép để buộc các nước khác phải tham gia mặt trận chống Iran. Nói cách khác, cuộc chiến dạng này cho phép Washington xác định rõ nước nào đứng về phía Mỹ. Điều này đương nhiên không có lợi cho khu vực cũng như các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi tình trạng căng thẳng thường trực, hoặc ngay cả với những đồng minh phương Tây của Mỹ vốn không muốn bị ép buộc phải chọn bên.
Mỹ cảnh báo Iran về việc vượt hạn mức dự trữ uranium làm giàu. (Nguồn: The Canadian Press) |
Xuống thang và đàm phán
Chuyên gia John Raine cũng cho rằng, mục tiêu chiến lược của Iran là duy trì thế chủ động leo thang, tạo ra lợi thế trong đàm phán với Mỹ. Đồng thời, Tehran muốn thể hiện sự thách thức cũng như phô trương sức mạnh. Mục tiêu phô trương sức mạnh đang ngày càng trở nên quan trọng hơn trong bối cảnh Iran đối mặt với những tác động của các biện pháp trừng phạt và cô lập.
Ngoài ra, Iran cũng quyết tâm tập hợp nhiều 'quân bài' nhất có thể để nếu cần sẽ vận dụng trong giai đoạn đàm phán. Thu giữ tài sản, trong đó có các tàu chở dầu và bắt giữ tù nhân nước ngoài là cách làm quen thuộc của Iran để tạo ra lợi thế trong đàm phán.
Iran, thời gian qua, đã tìm cách lôi kéo EU không ủng hộ chính sách trừng phạt của Mỹ, với những gợi ý về một thỏa thuận bên lề với châu Âu trong việc tuân thủ thỏa thuận hạt nhân Iran. Tuy nhiên, Iran nhiều khả năng đã lãng phí "chút cảm thông" còn sót lại của châu Âu khi tấn công các tàu chở dầu. Iran và Mỹ đều đã để ngỏ ý định đàm phán, nhưng cả hai đều muốn đàm phán ở "thế thượng phong". Thực tế của "chiến tranh dưới ngưỡng" là ở chỗ cả hai bên đều không có lợi thế rõ ràng như có thể thấy trong một cuộc xung đột truyền thống, cả về vị thế cũng như các nguồn lực.
Nếu như có lối thoát nào cho cuộc xung đột hiện tại, đó phải là thông qua các nhà trung gian hòa giải và các cuộc đàm phán kín để xuống thang và tiếp đến là ổn định thế cân bằng quyền lực khu vực. Chuyên gia John Raine cho rằng, điều này xem chừng rất khó xảy ra trong bối cảnh các kênh đàm phán đều bị vô hiệu hóa bởi những hành động theo kiểu “ăn miếng trả miếng”. Nhưng đây có thể lại là sự lựa chọn được ưa thích của cả hai bên hơn là việc biến một cuộc "chiến tranh dưới ngưỡng" thành một cuộc "chiến tranh nổ súng".