Hội nghị Paris về Việt Nam: Mấy điều suy ngẫm

Thời gian qua đã có nhiều người viết về Hội nghị Paris (1968-1973). Bản thân tôi (ghi biên bản và phiên dịch) được tiếp xúc với từng câu chữ của Hiệp định và làm liên lạc giữa hai bên trong thời gian Hội nghị và những năm sau đó, nên cũng muốn ghi lại những “góc cạnh" của cuộc chiến đấu hầu như không cân sức, nhưng đã kết thúc “rất có hậu".
Theo dõi Baoquocte.vn trên
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh ký Định ước của Hội nghị quốc tế về Việt Nam tại Paris, ngày 2/3/1973.

Vì Độc lập, Tự do

Mỗi dân tộc tùy hoàn cảnh của mình đều trải qua đấu tranh giành độc lập tự do. Do xu thế chính trị quốc tế thuận lợi, năm 1960, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) thông qua Nghị quyết 1514 trao trả độc lập cho 23 nước châu Phi. Đến nay đã có 193 nước tham gia LHQ.

Dân tộc Việt Nam đã đấu tranh rất sớm cho quyền lợi đó với cuộc Khởi nghĩa của Hai Bà Trưng (32), chiến thắng của Lý Thường Kiệt với tuyên ngôn Nam quốc sơn hà Nam đế cư (1077), rồi năm 1945, Việt Nam đã là nước đầu tiên phá xiềng xích của chủ nghĩa thực dân, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với mục tiêu Độc lập, Tự do, Hạnh phúc.

Nhưng do hoàn cảnh địa-chính trị, Việt Nam lại phải tiếp tục chiến đấu chống lại các thế lực thực dân đế quốc để giành quyền dân tộc cơ bản. Khát vọng Độc lập, Tự do trở thành sức mạnh vô địch. Nhân dân Việt Nam đã chiến thắng tại Điên Biên Phủ gây hiệu ứng dây chuyền góp phần làm sụp đổ chủ nghĩa thực dân Pháp và các thế lực thực dân khác.

Cuộc chiến tranh lạnh và Học thuyết Domino đã dẫn tới việc Mỹ can thiệp, tiến hành chiến tranh xâm lược và chia cắt đất nước Việt Nam. Trong những năm tháng quyết liệt nhất của chiến tranh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu cao khẩu hiệu "Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do" động viên toàn dân, toàn quân chiến đấu chống xâm lược, giành độc lập, thống nhất Tổ quốc.

Sau Tổng tiến công và nổi dậy 1968, Mỹ phải chấp nhận đàm phán để chấm dứt chiến tranh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra phương châm chiến lược: "Vì Độc lập, vì Tự do, đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào". Độc lập, Tự do là quyền mặc nhiên của mọi dân tộc (Tiệt nhiên định phận tại thiên thư - Lý Thường Kiệt). Quyền cơ bản đó ngày càng được cộng đồng quốc tế công nhận ủng hộ, nên đã trở thành sức mạnh của thời đại. Mục tiêu của Việt Nam là Độc lập, Tự do, Mỹ rút, Ngụy nhào vừa là cơ bản, vừa là giải pháp thỏa đáng, nên có sức mạnh vô địch, dồn đối phương vào thế cô lập, suy yếu và chấp nhận thực tế. Phương châm chiến lược sáng suốt đó đã chỉ đạo nhân dân ta giành được thắng lợi cả trên chiến trường và trên bàn hội nghị.

Cuộc đàm phán lịch sử

Trong không khí chiến tranh lạnh và ráo riết chạy đua vũ trang giữa hai phe, nhiều người cho rằng đấu tranh vũ trang dễ trở thành "ngọn lửa nhỏ thiêu cháy cả cánh đồng" gây trở ngại cho xu thế hòa hoãn. Nhưng Việt Nam nắm vững vận mệnh của mình, không chấp nhận sự thỏa hiệp chia cắt đất nước, đã quyết tâm "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước". Trong khi cả thế giới lo ngại rằng bộ máy chiến tranh khổng lồ của Mỹ sẽ đè bẹp lực lượng quân sự nhỏ bé của Việt Nam, nhưng qua những thử thách ác liệt, nhân dân Việt Nam đã chứng tỏ quyết tâm và sức mạnh của mình. Siêu cường Mỹ đã phải "tâm phục, khẩu phục".

Sau ký kết Hiệp định Paris, thăm Việt Nam, và gặp lại ở Paris tháng 6/1973, ông Kissinger nhắc lại ấn tượng sâu sắc đã "chào thua" khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói: "Chúng tôi có nhiều người sẵn sàng chết vì Việt Nam hơn là Mỹ". Và đoàn Mỹ khi thăm Bảo tàng Lịch sử ở Hà Nội đã tự liên hệ bài thơ Nam quốc sơn hà Nam Đế cư của Lý Thường Kiệt chính là Điều 1 của Hiệp định Paris: "Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam".

Song song với các hoạt động trên chiến trường, cuộc đàm phán ở Paris cũng trải qua những thử thách quyết liệt. Mỹ đã sử dụng bộ máy khổng lồ với những nhà ngoại giao nhà nghề như Harriman, Kissinger… kết hợp với các chiến dịch quân sự, các đợt leo thang ném bom miền Bắc, cải thiện quan hệ với Liên Xô, Trung Quốc (TQ) để gây sức ép với Việt Nam trên bàn đàm phán. Phía Việt Nam kiên định với lập trường bất biến: Vì Độc lập-Tự do, trên chiến trường cũng như trong Hội nghị, "Thế" của Việt Nam kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại đã tạo ra "Lực" mới, lần lượt làm thất bại các âm mưu thủ đoạn của đối phương.

Trên diễn đàn công khai, các Bộ trưởng Xuân Thủy và Nguyễn Thị Bình với tác phong ngoại giao lịch lãm và kiên định, đề cao lập trường chính nghĩa và giải pháp hợp tình hợp lý, tranh thủ dư luận thế giới, nhất là phong trào phản chiến bùng nổ trong lòng nước Mỹ, đẩy chính quyền Mỹ vào thế cô lập và phải xuống thang lùi từng bước.

Trong đàm phán trực tiếp, Cố vấn Lê Đức Thọ nắm thế chủ động, đấu tranh quyết liệt, đúng tác phong "Sáu Búa" như biệt danh của ông. Ông Kissinger cũng rất "ngán", có lúc đã dọa "sẽ đàm phán với người khác". Sau một lần thất bại, không thuyết phục được ông Thọ "ký non" vào bản thỏa thuận sơ bộ, ông Kissinger đã phải thừa nhận với ông Thọ: "Ông quả thật là đối thủ đáng nể".

Lập trường chính nghĩa, tinh thần yêu nước của Việt Nam, đã làm đối phương phải lùi bước. Sau những trận bom B52 ác liệt, ông Kissinger đã phải tự trở lại bàn đàm phán, bị phê phán gay gắt và chấp nhận ký kết Hiệp định Paris.

Lợi ích dân tộc

Trong quan hệ quốc tế, các nước trước tiên đều lo cho lợi ích dân tộc mình (và thực tế là đất nước có giàu mạnh mới hợp tác giúp đỡ được các nước khác). Các nước lớn với chủ nghĩa dân tộc cực đoan, gây chiến tranh Thế giới I và II, ráo riết chạy đua vũ trang đến mức cùng thừa nhận không thể thắng nhau bằng chiến tranh hạt nhân vì sẽ cùng bị hủy diệt, nhưng vẫn tiếp tục cạnh tranh nhau, thỏa hiệp và hy sinh lợi ích các nước nhỏ.

Hiệp định Geneve năm 1954 với sự tham gia của các nước lớn đã chia cắt Triều Tiên và Việt Nam. Riêng về Việt Nam, Hiệp định có quy định sau 2 năm sẽ Tổng tuyển cử để thống nhất đất nước. Nhưng phía Chính quyền Sài Gòn và Mỹ thấy rõ Chính phủ Hồ Chí Minh sẽ thắng trong tuyển cử, nên đã từ chối hiệp thương tổ chức tuyển cử, biến vĩ tuyến 17 thành biên giới của "Thế giới tự do chống chủ nghĩa Cộng sản".

Trên chiến trường, Mỹ lôi kéo quân đồng minh tham chiến bên cạnh quân Ngụy Sài Gòn để hình thành mặt trận chống Cộng. Trên bàn Hội nghị, tuy đã chấp nhận Mặt trận Giải phóng miền Nam tham gia hội nghị, họ vẫn giữ lập trường hai phe dẫn tới thương lượng kéo dài về hình dáng chiếc bàn họp sẽ là hình vuông (cho 4 bên) hay chữ nhật (cho hai bên). Giải pháp cuối cùng là bàn tròn. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận dân tộc giải phóng mỗi đoàn ngồi ¼ bàn. Đoàn Mỹ và Sài Gòn ngồi dính vào nhau ở phần nửa bàn còn lại.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ đạo sách lược mềm dẻo quan hệ giữa hai đoàn miền Bắc và miền Nam "tuy một mà hai, tuy hai mà một" cùng đấu tranh cho độc lập, tự do, nên ngày càng được sự đồng tình ủng hộ của dư luận và nhân dân toàn thế giới.

Phát huy đường lối ngoại giao Hồ Chí Minh, Việt Nam kiên trì đấu tranh, nhưng đồng thời cũng tránh "tiền lệ" của chiến tranh lạnh, tự lực chiến đấu và tự lực đàm phán đồng thời coi trọng và tranh thủ sự giúp đỡ về vật chất và tinh thần của các nước và phong trào hòa bình tiến bộ trên toàn thế giới. Mục tiêu "độc lập, tự do" của Việt Nam được thể hiện rõ trên chiến trường cũng như trong đàm phán và do vậy cũng chấp nhận được đối với Mỹ, nước luôn tự hào với Tuyên ngôn Độc lập và Tượng thần Tự do và trước thực tiễn trên thế giới hàng trăm nước đã được độc lập và tham gia LHQ.

Trong khi nhân dân Mỹ đòi chấm dứt chiến tranh, Quốc hội Mỹ cắt giảm ngân sách quân sự, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã tuyên bố "sẵn sàng trải thảm đỏ để Mỹ rút quân", lợi ích của Mỹ là ký kết hiệp định để rút quân, các chính quyền Sài Gòn kế tiếp nhau đều mất lòng dân không phải là lợi ích để Mỹ theo đuổi mãi mãi.

Qua ác liệt trên chiến trường cũng như quyết liệt trong đàm phán, phía Mỹ thấy rõ phía Việt Nam sẵn sàng hy sinh phấn đấu đến cùng cho lợi ích dân tộc, độc lập, tự do, nên từ chính khách, binh sĩ đến các nhà ngoại giao Mỹ cũng dần chuyển biến thái độ phục thiện.

Trên bàn hội nghị, thực hiện ngoại giao Hồ Chí Minh, các nhà đàm phán Việt Nam kiên định lập trường cơ bản (cũng là đòi hỏi tối thiểu của mọi dân tộc) đồng thời cũng thể hiện văn hóa ngoại giao, từng bước cảm hóa và có những quan hệ cá nhân tốt đẹp có lợi cho đất nước những năm sau đó.

Phó đoàn đầu tiên của Mỹ Cyrus Vance, sau này khi là Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ đã mời Phó đoàn Hà Văn Lâu, Đại sứ Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, đến nhà riêng tại New York gặp gỡ và mong muốn thúc đẩy cải thiện quan hệ hai nước.

Đại sứ William Sulivan, chuyên gia chủ chốt trong đàm phán với Việt Nam đánh giá cao đối thủ Nguyễn Cơ Thạch và ngay sau Hội nghị Paris đã tích cực liên lạc và gặp lại Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch trong nỗ lực phát triển quan hệ kinh tế và bình thường hóa quan hệ hai nước.

Bản thân tôi làm nhiệm vụ liên lạc và phiên dịch, nhưng cũng có được quan hệ tốt với cố vấn pháp lý George Aldrich, người được Cố vấn Lê Đức Thọ đánh giá cao trong việc soạn thảo văn kiện. Năm 1974, ông làm Trưởng đoàn Mỹ tại Hội nghị ở Geneve, đã chủ động tỏ thiện cảm nói chuyện với tôi và sau đó đã đến chào Trưởng đoàn Nguyễn Cơ Thạch trước sự ngạc nhiên của đoàn Sài Gòn.

Năm 1990, trong lần cuối cùng dự Đại hội đồng LHQ, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch đã tận dụng cơ hội, nỗ lực hoạt động phá thế bao vây cấm vận, bình thường hóa quan hệ với Mỹ và các nước khác, được phía Mỹ chủ động mời đến thăm Thủ đô Washington DC, gặp gỡ rộng rãi các nhân vật chủ chốt của Quốc hội Mỹ.

Một nhân vật mà bản thân tôi dự đoán khó khăn là cựu phi công tù binh, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa John McCain. Nhưng bất ngờ ông đã ra tận hành lang đón đoàn Việt Nam vào Văn phòng riêng. Trên bàn cố tình đặt chiếc gạt tàn có đề chữ Hà Nội và ông còn chỉ vào bức hình chụp ở Hồ Tây cảnh ông đang giơ tay hàng, thản nhiên nói "It's me" (Tôi đấy). Tôi cảm nhận ngay, đối với ông chiến tranh và hận thù đã vĩnh viễn đi qua. Thực tế, sau đó ông đã nổi tiếng trong việc tích cực thúc đẩy quan hệ Mỹ-Việt Nam.

Cuộc chiến có hậu

Trong lịch sử tồn tại và phát triển của mình, dân tộc Việt Nam luôn phải đối đầu với các thế lực ngoại bang "siêu mạnh", nhưng đều kết thúc thắng lợi vẻ vang.

Sau gần một thế kỷ đô hộ và chiến tranh xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp đã thất bại. Chính phủ Hồ Chí Minh với những thành viên từng bị Pháp kết án tử hình hoặc tù chung thân, đã sẵn sàng bỏ qua quá khứ, phát triển quan hệ hữu nghị với Pháp. Điều đó dẫn tới sự kiện lịch sử, Tổng thống Pháp Francois Mitterand đã đến thăm chiến trường Điện Biên Phủ, xoá bỏ quá khứ đen tối giữa hai dân tộc.

Siêu cường Mỹ làm mưa làm gió khắp thế giới, chưa hề biết thua trận, trừ trường hợp ở Việt Nam, nhưng chính những người có lý do cá nhân để hận thù Việt Nam lại hăng hái phát triển quan hệ hữu nghị với Việt Nam như cựu tù binh John McCain, Đại sứ đầu tiên của Mỹ ở Hà Nội Pete Peterson. Cũng chính vì lợi ích nước Mỹ, phong trào Mỹ chống chiến tranh Việt Nam đã phát triển chưa từng có trong lịch sử với những tên tuổi mãi mãi được ghi nhớ, khởi đầu là Martin Luther King. Cũng không có cuộc chiến nào mà cựu binh Mỹ lại trân trọng những kỷ niệm sâu sắc với chiến sĩ phía bên kia như với Đặng Thùy Trâm, các liệt sĩ và chiến sĩ Việt Nam khác.

Trong lịch sử 4.000 năm của Việt Nam, các triều đại TQ luôn xâm lược và coi Việt Nam là thuộc quốc. Sau mỗi lần đánh đuổi quân xâm lược, dân tộc Việt Nam tiếp tục truyền thống hiếu hòa chủ động nối lại quan hệ với láng giềng Phương Bắc. Lịch sử và truyền thống đó đã thu phục lòng người. Nhiều lãnh đạo và nhân dân TQ đã nhận thức rõ. Tôi đã chứng kiến, năm 1980, một nữ cán bộ ngoại giao TQ, trong lúc quan hệ hai nước căng thẳng, trên diễn đàn ĐHĐ/LHQ đã tự hào dẫn chứng thái độ đúng mực của Thủ tướng Chu Ân Lai đến thắp hương tại Đền thờ Hai Bà Trưng ở Hà Nội. Một ví dụ khác, năm 1960, trong chuyến tàu lữ hành của đoàn ngoại giao từ Bắc Kinh xuôi về Nam Ninh, các nữ cán bộ ngoại giao TQ đang vui chuyện với tôi chợt nhắc tới danh tướng Mã Viện, họ bỗng ngưng bặt nhìn nhau vì nhớ tới việc Mã Viện đem quân xâm lược và giết hại 2 nữ anh hùng của Việt Nam.

Dân tộc Việt Nam có truyền thống yêu nước chống xâm lược đặc biệt là với các nước lớn, nhưng cũng lại mau chóng phát triển quan hệ sau chiến tranh. Đặc điểm lịch sử đó tạo cho Việt Nam vị thế thuận lợi trong quan hệ quốc tế, phát triển hợp tác hữu nghị, nhất là trong tình hình toàn cầu hóa, "hai bên cùng được lợi" (win-win). Đó cũng là xu thế không thể đảo ngược trong quan hệ quốc tế hiện nay và sau này.

Từ những suy ngẫm trên, tôi tin rằng trong quan hệ xã hội cũng như quan hệ quốc tế: Lẽ phải đã và sẽ tiếp tục thu phục lòng người.

Phạm Ngạc



 

Bài viết cùng chủ đề

50 năm Hiệp định Paris

Đọc thêm

Kiều bào chung sức đưa Nghị quyết 98 đi vào thực tiễn

Kiều bào chung sức đưa Nghị quyết 98 đi vào thực tiễn

Nhận thức sâu sắc được vai trò đối với sự phát triển TP. Hồ Chí Minh, cộng đồng doanh nhân và trí thức kiều bào đã chia sẻ nhiều ý ...
Dự án điện ảnh về Nam Phương Hoàng hậu tôn vinh phẩm chất phụ nữ Việt Nam

Dự án điện ảnh về Nam Phương Hoàng hậu tôn vinh phẩm chất phụ nữ Việt Nam

Ngày 8/5, dự án điện ảnh 'Hoàng hậu cuối cùng' với câu chuyện về Nam Phương Hoàng hậu được công bố sản xuất, do Bảo Nhân, Nam Cito làm đạo ...
Công du châu Âu ‘chữa lành’, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trông cậy vào Hungary và Serbia

Công du châu Âu ‘chữa lành’, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trông cậy vào Hungary và Serbia

Công du châu Âu ‘chữa lành’, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trông cậy vào Hungary và Serbia thế nào?
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp ngoại giao Việt Nam cho Đại sứ Nhật Bản Yamada Takio

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp ngoại giao Việt Nam cho Đại sứ Nhật Bản Yamada Takio

Chiều 8/5, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tiếp và trao tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp ngoại giao Việt Nam cho Đại sứ Nhật Bản Yamada Takio.
Lũ lụt nghiêm trọng, Brazil hoãn các trận đấu ở bang miền Nam Rio Grande do Sul

Lũ lụt nghiêm trọng, Brazil hoãn các trận đấu ở bang miền Nam Rio Grande do Sul

Ngày 7/5, Brazil hoãn tất cả các trận đấu của giải vô địch quốc gia ở bang miền Nam Rio Grande do Sul trong 20 ngày tới do lũ lụt ...
Điện mừng kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Brazil

Điện mừng kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Brazil

Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi điện mừng nhân kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Brazil.
Nga bắt tay với Trung Quốc, tính đường phát triển nhà máy điện hạt nhân trên Mặt Trăng

Nga bắt tay với Trung Quốc, tính đường phát triển nhà máy điện hạt nhân trên Mặt Trăng

Nga cùng các đối tác Trung Quốc đang xem xét việc vận chuyển và lắp đặt một nhà máy điện hạt nhân trên bề mặt Mặt Trăng trong giai đoạn 2033-2035.
New Zealand 'chạy đua' ảnh hưởng ở Thái Bình Dương

New Zealand 'chạy đua' ảnh hưởng ở Thái Bình Dương

Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng New Zealand sẽ dẫn đầu phái đoàn chính trị thực hiện chuyến công du khu vực Thái Bình Dương trong tuần tới.
CH Bắc Macedonia bầu cử quốc hội và tổng thống vòng hai

CH Bắc Macedonia bầu cử quốc hội và tổng thống vòng hai

Cử tri nước CH Bắc Macedonia đã đi bỏ phiếu vòng 2 trong cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội.
Mỹ tạm dừng chuyển bom tới Israel, dấu hiệu Washington đang mất kiên nhẫn?

Mỹ tạm dừng chuyển bom tới Israel, dấu hiệu Washington đang mất kiên nhẫn?

Mỹ bắt đầu cân nhắc cẩn trọng đề xuất chuyển giao các loại vũ khí cụ thể, vốn có thể được sử dụng ở Rafah, cho Israel.
Ukraine: Phá tan âm mưu ám sát Tổng thống Zelensky, ai sẽ 'thắng' trong cuộc chạy đua viện trợ F-16?

Ukraine: Phá tan âm mưu ám sát Tổng thống Zelensky, ai sẽ 'thắng' trong cuộc chạy đua viện trợ F-16?

Cơ quan An ninh Ukraine đã bắt giữ 2 nghi phạm liên quan âm mưu ám sát Tổng thống Zelensky và các quan chức cấp cao
Rộng cửa đón những cơ hội vàng từ AUKUS, Australia ráo riết hành động để bảo vệ bí mật quân sự

Rộng cửa đón những cơ hội vàng từ AUKUS, Australia ráo riết hành động để bảo vệ bí mật quân sự

Australia thắt chặt việc bảo vệ bí mật quân sự, trong bối cảnh ngành công nghiệp quốc phòng nước này đang mở rộng do AUKUS.
Thế chủ động của Tokyo

Thế chủ động của Tokyo

Công du 6 ngày tới Pháp, Brazil và Paraguay, Thủ tướng Kishida Fumio cho thấy sự chủ động và nỗ lực của Tokyo trong giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu.
Iraq-Thổ Nhĩ Kỳ nâng tầm chiến lược

Iraq-Thổ Nhĩ Kỳ nâng tầm chiến lược

Các nhà quan sát nhận định, những thách thức đáng kể vẫn tồn tại trong quan hệ Iraq-Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có vấn đề an ninh.
Ngoại trưởng Mỹ thăm Trung Quốc: Chuyến đi ‘giữ lửa’

Ngoại trưởng Mỹ thăm Trung Quốc: Chuyến đi ‘giữ lửa’

Chuyến thăm của Ngoại trưởng Antony Blinken tới Trung Quốc là tín hiệu tích cực trong quan hệ Mỹ-Trung, song khó có thể tạo nên bước ngoặt nào đáng kể.
Thủ tướng Đức thăm Trung Quốc: Rủi ro hay bảo đảm?

Thủ tướng Đức thăm Trung Quốc: Rủi ro hay bảo đảm?

Vừa thúc đẩy hợp tác, vừa thể hiện thái độ về thương mại và xung đột Nga-Ukraine là nhiệm vụ không dễ dàng với Thủ tướng Olaf Scholz ở Trung Quốc.
Thủ tướng Nhật Bản thăm Mỹ: Chuyến đi 'một công nhiều việc'

Thủ tướng Nhật Bản thăm Mỹ: Chuyến đi 'một công nhiều việc'

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tại Mỹ, với nhiều mục đích, mục tiêu, cả trong quan hệ song phương và đa phương...
Hướng đi chiến lược mới của Bình Nhưỡng

Hướng đi chiến lược mới của Bình Nhưỡng

Bình Nhưỡng đang tìm 'lối ra' cho bế tắc trên bán đảo Triều Tiên thông qua hợp tác chặt chẽ hơn với Nga.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm châu Âu: Khó lấy lại phong độ một thời nhưng là 'nước cờ' cứu vãn tình thế

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm châu Âu: Khó lấy lại phong độ một thời nhưng là 'nước cờ' cứu vãn tình thế

Chuyến thăm châu Âu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần này là nỗ lực cấp cao nhất nhằm cứu vãn những đứt gãy giữa Trung Quốc và EU.
Truyền thông Cuba ca ngợi Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử

Truyền thông Cuba ca ngợi Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử

Theo hãng thông tấn Cuba Prensa Latina, Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 đã ghi danh Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào biên niên sử quân sự đương thời.
Điện Biên Phủ dưới lăng kính của báo chí quốc tế

Điện Biên Phủ dưới lăng kính của báo chí quốc tế

Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu, nhiều cuộc hội thảo quốc gia và quốc tế, nhiều sách, báo được công bố có liên quan đến sự kiện Điện Biên Phủ.
Báo chí Lào: Chiến thắng Điện Biên Phủ là niềm tự hào của cả ba nước Đông Dương

Báo chí Lào: Chiến thắng Điện Biên Phủ là niềm tự hào của cả ba nước Đông Dương

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, báo chí Lào đã có các bài viết ca ngợi sự kiện lịch sử đầy ý nghĩa với ba nước Đông Dương.
Báo chí Mexico ca ngợi Chiến thắng Điện Biên Phủ vang vọng như một bản anh hùng ca bất hủ của thế kỷ XX

Báo chí Mexico ca ngợi Chiến thắng Điện Biên Phủ vang vọng như một bản anh hùng ca bất hủ của thế kỷ XX

Báo Mexico đã nhấn mạnh những yếu tố chìa khóa quan trọng làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, trong đó có tinh thần đoàn kết.
Đàm phán hòa bình Israel - Hamas: Chưa có đột phá, ít nhiều đã hiểu ý nhau

Đàm phán hòa bình Israel - Hamas: Chưa có đột phá, ít nhiều đã hiểu ý nhau

Nhiều tháng qua đàm phán Israel - Hamas chưa có bước đột phá, tuy nhiên, hai bên dường như đang tiến lại gần hơn tiếng nói của nhau.
Phiên bản di động