Với quyết đinh rút quân đưa ra ngày 19/12, rõ ràng Washington thể hiện không còn mặn mà với việc giành chiến thắng trước chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad được Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn. Sự hiện diện của 2.000 binh lính Mỹ là không đủ để đảo ngược thế “chẻ tre” của Quân đội Syria và bảo vệ lực lượng người Kurd.
Tuy nhiên, ông Trump dường như đã có chút vội vàng và đánh giá thấp việc lựa chọn thời điểm và cách thức đưa ra thay đổi chính sách này. Việc kéo dài thời gian rút quân đội Mỹ khỏi chiến trường Syria từ 30 ngày lên 4 tháng, theo một cách nào đó, là cách “sửa sai” hay cũng có thể chỉ là một trong vô vàn “đòn gió” mà nhà lãnh đạo này đã tung ra trong 2 năm cầm quyền vừa qua.
Một binh sỹ Mỹ bên cạnh xe bọc thép tại Manjib, Syria. (Nguồn: AP) |
Rút quân là cần thiết
Nhìn trên toàn cục, quyết định rút quân khỏi Syria của ông Trump là hợp lý. Nó giúp ông hoàn thành cam kết đối với cử tri trong chiến dịch bầu cử Tổng thống năm 2016. Ông đã hứa “sẽ đánh bại Nhà nước hồi giáo tự xưng (IS) và rút quân Mỹ khỏi Syria. Nhìn bề ngoài thì quân Mỹ đã hoàn thành “sứ mạng” diệt IS và không còn cần đến liên minh 60 nước do người tiền nhiệm Obama khởi lập. Chỉ còn một năm nữa là tới bầu cử, cử tri Mỹ lại cần được sống trong cảm giác “chiến thắng” và ông Trump cần tỷ lệ ủng hộ mình tiếp tục được giữ ở mức cao.
Thứ hai, các chiến dịch tại Syria tiếp tục tiêu tốn nhiều triệu USD tiền thuế, song không đem lại nhiều hiệu quả về mặt chiến lược. Đơn cử như chiến dịch không kích ba “cơ sở sản xuất vũ khí hóa học” của Syria hồi tháng 4/2018 đã tiêu tốn tới 119 triệu USD, nhưng chỉ gửi đi một thông điệp mang tính cảnh cáo và sớm bị phớt lờ bởi chính quyền Assad. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu dừng lại, Washington cần huy động mọi nguồn lực và rút quân khỏi Syria có thể giúp Mỹ tiết kiệm hàng trăm triệu USD tiền của có thể được dùng vào những việc được cho là thiết thực hơn.
Cuối cùng, động thái này sẽ nhường lại chiến trường Syria cho Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, song có thể ít nhiều cải thiện quan hệ giữa Washington với Moscow và Ankara, điều mà ông chủ Nhà Trắng luôn mong muốn. Điều này đã ít nhiều có tác dụng, khi cả ông Tayyip Erdogan và ông Vladimir Putin đều ca ngợi động thái “đúng đắn” của ông Donald Trump và có nhiều hành động thiện chí như gửi thư chúc mừng năm mới và thể hiện mong muốn nối lại thượng đỉnh Nga – Mỹ.
Tuy nhiên, quyết định đột ngột của ông chủ Nhà Trắng đã phải hứng chịu sự chỉ trích mạnh mẽ của đồng minh Liên minh châu Âu (EU) đang tham chiến tại Syria, đặc biệt là Pháp. Trong phát biểu ngày 23/12, ông Macron khẳng định: “Vai trò của đồng minh là chiến đấu kề vai sát cánh bên nhau. Đây là điều quan trọng nhất đối với lãnh đạo quốc gia và tổng tư lệnh quân đội.”
Song điều khiến ông Trump bận tâm hơn cả là sự phản đối gay gắt của lưỡng viện, trong đó có nhiều chính trị gia nổi bật đảng Cộng hòa như Thượng Nghị sỹ Mitch McConnell hay Lindsey Graham. Thiếu vắng sự ủng hộ của những nhân vật này, ông Trump sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thông qua những chính sách mà ông hằng mong muốn, như xây dựng bức tường biên giới Mỹ - Mexico. Chính lãnh đạo phe đa số Mitch McConnell là người đã từ chối yêu cầu thay đổi luật bỏ phiếu tại Thượng viện của ông Trump.
Hồi tâm chuyển ý
Trong bối cảnh đó, động thái kéo dài thời gian rút quân từ 30 ngày lên 4 tháng của ông Trump hướng tới giảm thiểu những “tác dụng phụ” kể trên.
Đầu tiên, đây là cách ông trấn an các đồng minh EU đang tham chiến tại Syria và xoa dịu sự phản đối của lưỡng viện Mỹ. Chính phủ đang đóng cửa và việc tìm kiếm ngân sách cho bức tường biên giới với Mexico đang tiếp tục bế tắc. Ngày 3/1, lưỡng viện sẽ nhóm họp và đảng Cộng hòa sẽ có thêm 2 ghế tại Thượng viện, nâng tổng số ghế lên 53. Khi đó, với sự “cộng hưởng” từ quyết định kéo dài thời gian rút quân tại Syria, ông Trump có thể tiến hành thảo luận với ông McConnell về việc thay đổi luật bỏ phiếu tại Hạ viện, hạ mức phiếu cần thiết để thông qua dự thảo từ 60 phiếu xuống còn 53 phiếu.
Thứ hai, quyết định của ông Trump có thể giúp quân đội Mỹ có thời gian chuẩn bị kỹ càng hơn, đồng thời tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực tác chiến của lực lượng người Kurd và Quân đội Syria Tự do (SDF), giúp Washington tránh tiếng xấu “đem con bỏ chợ”.
Thứ ba, nó cho phép Nhà Trắng có thời gian đánh giá kỹ hơn và xây dựng chiến lược đối phó với ảnh hưởng của Iran tại Syria. Washington có thể bất đắc dĩ chấp nhận sự hiện diện của Moscow và Ankara ở Damascus, nhưng Tehran thì không. Nếu muốn Tehran ngồi vào bàn đàm phán cho thỏa thuận hạt nhân mới có lợi cho Mỹ, Washington cần tăng cường áp lực và tại Syria, chiến lược này được thực hiện bởi đồng minh của Mỹ, cụ thể là Israel. Điều này tương đối trùng khớp với chủ trương “lãnh đạo từ phía sau” của Tổng thống Donald Trump.
Cuối cùng, việc có tới 4 tháng chuẩn bị tạo thêm khoảng thời gian để ông Trump cân nhắc triển khai, thậm chí là đảo ngược quyết định của mình. Đã đến lúc ông cần xây dựng hình ảnh nhà lãnh đạo “biết lắng nghe”, hơn là chỉ hành động dựa theo cảm tính.
Tuy nhiên, trong bối cảnh chiến sự tiếp tục diễn biến nhanh và khó lường tại Syria, chưa có gì đảm bảo rằng câu chuyện “30 ngày, 4 tháng” sẽ mang lại cái kết như mong muốn. Canh bạc đánh đổi tại Trung Đông để dành ưu tiên cho lợi ích khác của Tổng thống Donald Trump chưa thể ngã ngũ.