Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo với Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani tại Hội nghị an ninh Munich, ngày 14/2/2020. |
Cả chính phủ Mỹ, chính phủ Afghanistan và Taliban hiện đều không dấu được nhận thức giống nhau là hoà ước giữa Mỹ và Taliban sẽ sớm được ký kết chính thức. Hoà ước này là kết quả đàm phán hoà bình trực tiếp giữa Mỹ và Taliban từ giữa năm 2018 đến nay.
Theo đó, Mỹ và đồng minh sẽ rút hết quân đội ra khỏi Afghanistan còn Taliban cam kết không tiến hành bất cứ hành động quân sự nào nữa nhằm vào Mỹ và nước ngoài cũng như chấp nhận tiếp xúc, đối thoại và đàm phán trực tiếp với phía chính phủ Afghanistan để thực hiện hoà bình, hoà giải và hoà hợp dân tộc ở Afghanistan. Có thể thấy yêu sách của Taliban và đòi hỏi của Mỹ là hai trong số những nội dung cốt lõi nhất và không thể thiếu trong bất cứ ý tưởng nào về giải pháp chính trị hoà bình cho Afghanistan nếu muốn có được tính khả thi cần thiết.
Việc ký kết hoà ước này có ý nghĩa của bước ngoặt lịch sử. Không thế sao được khi nhờ đấy mà Mỹ chấm dứt được cuộc chiến tranh dai dẳng gần 19 năm nay ở Afghanistan và lần đầu tiên Taliban chịu để lôi kéo vào sự kiềm chế của một giải pháp chính trị hoà bình. Hoà ước không chỉ mở ra triển vọng mà trên thực tế sẽ còn là sự khởi đầu của tiến trình hoà bình, hoà giải và hoà hợp dân tộc giữa các phe cánh chính trị và nhóm phái vũ trang ở Afghanistan.
Chỉ có điều từ giác độ hiện tại mà nhìn nhận và suy xét thì kịch bản và triển vọng như trên quá hay, quá tốt lành và thậm chí còn cả quá lý tưởng nên khó có thể trở thành hiện thực. Mỹ và Taliban rồi sẽ ký hoà ước với nhau vì tổng thống Mỹ Donald Trump cần bằng chứng về rút quân đội Mỹ phục vụ vận động tranh cử tổng thống trong khi Taliban muốn quân đội nước ngoài ra hết khỏi Afghanistan.
Khi ấy sẽ là tình huống, tương quan và cục diện khác. Chỉ khi ấy mới lộ rõ hoà ước là bước ngoặt hay bước tiến tới bước ngoặt.