Mặc dù an ninh được tăng cường, kiểm soát chặt chẽ trên cả nước, đặc biệt là các địa điểm quan trọng nhưng Ai Cập vẫn là mục tiêu tấn công của các nhóm khủng bố, điển hình như hai vụ tấn công vừa qua. Điều này cho thấy những diễn biến phức tạp của chủ nghĩa khủng bố và cuộc chiến chống khủng bố ở Ai Cập. Chính phủ Ai Cập sẽ làm gì để vừa duy trì ổn định đất nước, khôi phục kinh tế vừa đương đầu với các mối đe dọa khủng bố?
Câu chuyện không mới
Thực ra không phải sau hai vụ tấn công đẫm máu vừa qua vào các nhà thờ Cơ đốc giáo, vấn đề khủng bố mới nổi lên ở Ai Cập. Từ những thập niên 80 của thể kỷ trước, Ai Cập đã phải đối mặt với khủng bố và là một trong nước đầu tiên kêu gọi triệu tập một hội nghị quốc tế để chống lại chủ nghĩa khủng bố.
Trong những năm qua, do những biến động chính trị, an ninh trên toàn cầu và ở khu vực Trung Đông diễn biến phức tạp, chủ nghĩa khủng bố, cực đoan ngày càng gia tăng. Khu vực Trung Đông được đánh giá là có tỉ lệ các vụ tấn công khủng bố cao nhất.
Hiện trường vụ đánh bom nhà thờ ở Tanta. (Nguồn: EPA) |
Theo một nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu chiến lược Al Ahram, Ai Cập đang trải qua một làn sóng bạo lực của các cuộc tấn công khủng bố trong vòng bốn năm qua (2013-2016). Các vụ tấn công khủng bố gần đây hoàn toàn khác với những vụ tấn công của thập niên 1980 về quy mô, đối tượng tấn công và mục đích tấn công.
Các mục tiêu khủng bố vừa qua nhằm vào các cơ quan chính phủ, lực lượng an ninh, quân đội, hệ thống tư pháp và kích động tôn giáo. Đáng chú ý phần lớn các vụ tấn công sử dụng các thiết bị nổ tự chế. Điều này cho thấy sự thay đổi trong chiến thuật của các tổ chức khủng bố về mục tiêu bên cạnh việc sử dụng nhiều công nghệ.
Theo thống kê của Trung tâm này, trong ba năm 2014, 2015, 2016, có 1.165 hoạt động khủng bố ở Ai Cập, trong đó năm 2015 có tỷ lệ cao nhất. Trong năm 2016, thủ đô Cairo và bán đảo Sinai xảy ra nhiều vụ tấn công khủng bố nhất, trong đó Sinai xảy ra 92 vụ. Các hình thức tấn công khủng bố chính là nổ súng, bom xe, tên lửa các loại, đánh bom liều chết. Trong đó, phần lớn các vụ tấn khủng bố bằng hình thức nổ súng.
Theo các chuyên gia an ninh, Ai Cập đang phải đối mặt với một số nhóm khủng bố như tổ chức nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, nhóm khủng bố tự xưng “Nhà nước Sinai” và các nhóm lực đoan, nhóm Anh em Hồi giáo. Đáng chú ý là các phần tử khủng bố IS sau khi thất bại ở Syria, Iraq, Libya đã mở rộng hoạt động sang các nước Araq đông dân, trong đó có Ai Cập, để khôi phục lực lượng và tấn công nhằm gây sự chú ý.
Hình thức hoạt động của các nhóm khủng bố này giống như đã thực hiện ở một số nước Arab và Châu Âu. Từ năm 2014, nhóm khủng bố tự xưng “Nhà nước Sinai” ở Ai Cập đã liên kết và thề trung thành với IS đã tăng cường các vụ tấn công vào các mục tiêu an ninh, cảnh sát, nhà thờ ở Ai Cập.
Nguyên nhân do đâu?
Một nghiên cứu về vấn đề khủng bố của Trung tâm nghiên cứu chiến lược Al-Ahram cho rằng, cơ quan an ninh nước này có một số thành công trong việc đối phó với các nhóm và tổ chức khủng bố nhưng vẫn còn một số hạn chế. Những biến động về chính trị ở Ai Cập vừa qua là kẽ hở để các nhóm khủng bố thâm nhập qua biên giới và tuyển mộ thành viên.
Các chuyên gia cho rằng, vấn đề nghèo đói và thất nghiệp ở khu vực Sinai khiến các phần tử khủng bố dễ dàng thâm nhập và tuyển mộ. Một khó khăn của Ai Cập trong cuộc chiến này là việc đối phó với các cá nhân, nhóm cực đoan, khủng bố và hành động tự phát.
Chính quyền Ai Cập nhận thấy rõ chủ nghĩa khủng bố là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự ổn định của xã hội, an ninh, kinh tế và đã xây dựng luật chống khủng bố, thiết lập các quy tắc, biện pháp pháp lý để chống lại chủ nghĩa khủng bố. Ai Cập kêu gọi đoàn kết cộng đồng quốc tế để chống lại chủ nghĩa cực đoan, khủng bố và đã thành công trong việc đưa vấn đề chống khủng bố trên chương trình nghị sự của cộng đồng quốc tế.
Đám đông bên ngoài nhà thờ ở Tanta sau khi xảy ra vụ tấn công khủng bố. (Nguồn: Getty) |
Ai Cập còn là thành viên chủ chốt trong liên minh quốc tế để chống lại IS, đồng thời đã đảm nhận cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về chống khủng bố. Nước này cũng đã đề xuất một số sáng kiến thúc đẩy hợp tác quốc tế và phối hợp trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và đối phó với những gốc rễ của hiện tượng cực đoan.
Ai Cập cho rằng, việc chống tư tưởng cực đoan ngay từ đầu (tức là từ giai đoạn nhận thức, tới nuôi dưỡng và tuyển dụng), ngoài ra cần ngăn chặn các nguồn tài trợ khủng bố và kiểm soát biên giới, chống nhập cư bất hợp pháp, xâm nhập qua biên giới và buôn bán bất hợp pháp.
Cuộc chiến không dễ dàng
Dù an ninh được tăng cường, kiểm soát chặt chẽ, cùng với các chiến dịch truy quét hang ổ của các phần tử khủng bố, cực đoan ở bán đảo Sinai, nhưng khủng bố vẫn là mối đe dọa đối với Ai Cập.
Trong thời điểm hiện nay, để bảo vệ cuộc sống của hơn 90 triệu người dân, cũng như giữ ổn định, an ninh cho các nhà đầu tư, kinh tế, Ai Cập đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong 3 tháng. Tuy nhiên, theo các nhà kinh tế và các nhà phân tích tài chính việc áp dụng tình trạng khẩn cấp sẽ tác động tiêu cực đối với nền kinh vốn đang bị suy thoái.
Các chuyên gia kinh tế ước đoán, hai vụ tấn công khủng bố vừa qua ở Tanta và Alexandria gây thiệt hại khoảng 30 tỉ bảng Ai Cập, trong đó 10 tỉ bảng thiệt hại về vật chất và 20 tỉ bảng so biến động của thị trường chứng khoán, du lịch, đầu tư và các hoạt động kinh doanh khác.
Việc Ai Cập ban bố tình trạng khẩn cấp tác động tiêu cực được dự đoán đó là thị trường chứng khoán, trái phiếu kho bạc cũng như một số ngành kinh tế quan trọng như thị trường tài chính, công nghiệp.
Ngành du lịch Ai Cập cũng sẽ phải chịu một đòn nặng. Giá cả các mặt hàng tăng, trong khi lạm phát đã vượt quá 32%, tỷ lệ cao nhất kể từ 75 năm qua. Có thể đồng USD sẽ tăng giá vì những thiệt hại trong cả hai lĩnh vực du lịch và đầu tư nước ngoài.
Các nhà phân tích chỉ ra rằng, việc chính phủ Ai Cập thắt chặt an ninh, và ban bố tình trạng khẩn cấp là các biện pháp cần thiết để ngăn chặn khủng bố. Tuy nhiên, chính phủ cần linh hoạt trong các chính sách để duy trì khách du lịch, đầu tư nước ngoài và các hoạt động khác của nền kinh tế.
Các cơ quan của chính phủ, nhất là Bộ đầu tư, Bộ du lịch cần đóng vai trò cần tích cực hơn trong việc quảng bá hình ảnh Ai Cập an toàn và ổn định và khẳng định các vụ tấn công khủng bố không ảnh hưởng đến các nhà đầu tư, khách du lịch.