Lực lượng Taliban đang chiếm thế thượng phong khi kiểm soát phần lớn lãnh thổ Afghanistan và đang tiến vào thủ đô Kabul. |
Việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan khiến nhiều người hình dung câu chuyện của 30 năm trước, khi Liên Xô rút khỏi quốc gia Nam Á này. Tuy nhiên, "gam màu" của hai bức tranh hoàn toàn khác nhau khi phong trào Taliban đang chiếm thế "thượng phong" khi ngày càng gia tăng vùng kiểm soát lãnh thổ Afghanistan từ Kabul.
Câu hỏi đặt ra là tại sao không thể ngăn cản bước tiến của Taliban và một số cường quốc phải chấp nhận "thực tế" để tìm cách triển khai những chính sách mang tính thực dụng?
Phức tạp hơn, khó khăn hơn
Lực lượng phiến quân Taliban sáng ngày 15/8 đã chiếm được tỉnh lị Maidan Shar, cách thủ đô Kabul của Afghanistan 35 km về phía Tây và Torkham, một cửa khẩu biên giới quan trọng ở tỉnh Nangarhar, giáp với Pakistan, đồng thời giành quyền kiểm soát Jalalabad, thành phố quan trọng ở miền Đông nước này mà không cần giao tranh.
Trước đó không lâu, lực lượng này đã chiếm được thành phố chủ chốt Mazar-i-Sharif ở phía Bắc Afghanistan, nhanh chóng siết chặt vòng vây đối với thủ đô Kabul.
Có thể nói đây là những chiến tích quan trọng mới nhất đối với Taliban trong bối cảnh lực lượng này càn quét Afghanistan trong những tuần qua khi lực lượng binh sĩ nước ngoài do Mỹ dẫn đầu đã xúc tiến kế hoạch rút quân.
Chính quyền Afghanistan hiện chỉ còn giữ được một thành phố lớn là Kabul. Các nước phương Tây thì vội vã triển khai kế hoạch sơ tán công dân của mình ra khỏi quốc gia Nam Á này. Mới nhất, Mỹ quyết định sơ tán hầu hết các nhà ngoại giao bắt đầu vào ngày 15/8.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết định điều động thêm quân, nâng tổng số là 5.000 binh sĩ đến giải cứu công dân và đảm bảo kế hoạch rút quân "có trật tự và an toàn" đối với quân nhân Mỹ.
Ông chủ Nhà Trắng hiện đang vấp phải chỉ trích ở trong nước khi Taliban đang ở thế thắng "như chẻ tre". Tuy nhiên, ông Biden vẫn quyết tâm thực hiện kế hoạch rút quân vốn do người tiền nhiệm Donald Trump khởi xướng nhằm chấm dứt sứ mệnh quân sự của Mỹ tại Afghanistan vào ngày 31/8.
Hôm qua, Tổng thống Biden nhấn mạnh: "Sự hiện diện vô tận của Mỹ trong một cuộc nội chiến ở nước khác là điều không thể chấp nhận được" và giờ đây, "số phận" lãnh thổ Afghanistan "nằm trong tay" của lực lượng quân đội chính quyền Kabul.
Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani hôm 14/8 đã tiến hành các cuộc thảo luận với lãnh đạo địa phương và các đối tác quốc tế, trong đó có Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken.
Là nước đóng vai trò tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình giữa chính phủ Afghanistan và Taliban, Qatar đã kêu gọi Taliban ngừng bắn. Trong khi đó, Tổng thống Ghani kiên quyết không nhượng bộ trước yêu cầu của Taliban muốn ông phải từ chức như một điều kiện cho bất kỳ lệnh ngừng bắn nào.
Bình luận về tình hình nói trên, đài Sputnik của Nga đêm 14/8 cho rằng Afghanistan đang trải qua những sự kiện tương tự như những gì đã xảy ra trong cuộc xung đột giữa lực lượng quân sự Liên Xô và Afghanistan kéo dài 10 năm từ 1979-1989.
Khi Liên Xô sụp đổ, chính quyền Kabul bị bỏ lại mà không có sự hỗ trợ.
Tuy nhiên, khi so sánh tình hình cách đây 30 năm với tình hình hiện nay, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã nói ngắn gọn và cô đọng: “Phức tạp hơn. Khó khăn hơn nhiều”.
Tin liên quan |
Afghanistan, khoảng trống quyền lực và nỗi lo không của riêng ai |
Giải thích về lý do quân đội chính phủ Afghanistan thất thế trước Taliban và nhiều khi rút chạy khi chưa chiến đấu, tờ Telegraph của Anh dẫn lời ông Charlie Herbert, cựu Thiếu tướng người Anh từng cố vấn cho lực lượng an ninh của chính phủ Afghanistan từ năm 2017 đến năm 2018:
“Tình trạng tham nhũng tràn lan, chủ nghĩa thân hữu và tư lợi của giới tinh hoa chính trị và quân sự tại Kabul chắc chắn tác động đến ý chí chiến đấu của binh lính và cảnh sát”.
Ông Herbert cũng cho rằng lực lượng quân sự nước ngoài cũng có lỗi trong sự sụp đổ này. Họ đã sai lầm khi cố gắng xây dựng các lực lượng Afghanistan theo hình ảnh của chính mình song lại bắt đầu xây dựng quá muộn.
Cựu Bộ trưởng Anh Rory Stewart giải thích việc rút một số lượng nhỏ quân NATO và việc rút không quân khỏi Afghanistan có nghĩa là phương Tây “về cơ bản đã phá vỡ quân đội Afghanistan và chúng ta đã làm điều đó rất tàn nhẫn”.
Khi quân đội chính phủ tan rã, Tổng thống Ghani trở nên thất vọng đối với các lãnh chúa và chỉ huy chống Taliban của những năm 1990. Dường như, ngày càng không có khả năng lực lượng này sẽ cứu ông Ghani và không rõ liệu họ có tham chiến hay không.
Lý do "bó tay" trong việc ngăn chặn Taliban
Theo phân tích của Sputnik, việc không thể ngăn cản được đà tiến của Taliban là do các bên gồm Mỹ, chính quyền Kabul và Taliban không thương lượng về những điều kiện của nhau trước khi Washington xúc tiến kế hoạch rút quân.
Theo câu chuyện về điều kiện này, Al Jazeera dẫn các nguồn tin cho biết chính quyền Kabul đã mời các thủ lĩnh của Taliban cực đoan tham gia điều hành đất nước với điều kiện lực lượng này phải chấm dứt các cuộc tấn công.
Đề xuất này đã được gửi đến Taliban thông qua đại diện của Qatar nhưng Taliban phủ nhận thực tế đã nhận được đề xuất. Trong khi đó, Taliban yêu cầu Tổng thống Ghani từ chức để đổi lấy việc ngừng bắn, song Reuters cho biết không có dấu hiệu nào cho thấy nhà lãnh đạo Afghanistan chấp nhận điều kiện này.
Còn Washington quyết tâm triển khai kế hoạch rút quân và muốn đặt số phận Afghanistan vào tay Kabul.
Sputnik dẫn lời chuyên gia quân sự Alexei Leonkov của Nga cho rằng lập trường như vậy đáng lẽ phải được đưa ra trước khi Mỹ bắt đầu rút quân khỏi Afghanistan.
Chuyên gia lập luận: “Chính phủ Afghanistan đáng nhẽ ra đã phải thương lượng với phong trào Taliban, tiến hành đàm phán với lực lượng này về việc điều hành đất nước trong tiến trình chính trị của đất nước.
Thế nhưng, điều này đã không được thực hiện. Giờ đây, một đề xuất như vậy rơi vào thế yếu và không có khả năng Taliban sẽ đồng ý với một thỏa thuận như vậy. Taliban từng ngày chiếm cứ các tỉnh mới, chiếm lãnh thổ và không có ý định dừng lại”.
Đại sứ Afghanistan tại Washington Adela Raz còn gián tiếp chỉ trích Washington vì cho rằng việc rút quân nhanh chóng “dẫn đến hậu quả”. Ông Joe Biden đổ lỗi cho lực lượng chính phủ Afghanistan về sự tiến công của Taliban.
Phản đối ông, bà Adela Raz chỉ ra rằng Taliban là “một vấn đề an ninh phức tạp hơn là những người Afghanistan đang chiến đấu vì đất nước của mình”.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng "số phận" lãnh thổ Afghanistan "nằm trong tay" của lực lượng quân đội chính quyền Kabul. (Nguồn: Getty) |
"Giải mã" toan tính của Nga và Trung Quốc
Nhà nghiên cứu Trung Quốc Temur Umarov, chuyên gia về Trung Á tại Trung tâm Carnegie Moskva, giải thích lý do tại sao Bắc Kinh và Moscow không thể không quan ngại về cuộc nội chiến ở Afghanistan.
Ông nói: “Trung Quốc, cũng như Trung Á và Nga, trong những thập niên gần đây đã coi Afghanistan là một nguồn đe dọa cần phải phòng vệ. Bắc Kinh đã đàm phán với tất cả các bên tham gia vào cuộc xung đột Afghanistan trong nhiều năm".
Chuyên gia này cũng lưu ý về phía Moscow, Nga đang giúp đỡ các nước láng giềng với Afghanistan kiểm soát được khu vực biên giới của họ, vốn cũng là "sân sau" của Nga.
Đối với Bắc Kinh, ông Temur Umarov nói rằng Ngoại trưởng Vương Nghị gần đây đã tiếp một nhóm đại diện cho Taliban tại Trung Quốc. Tại đây, Taliban cam kết sẽ không xâm nhập các tỉnh phía Bắc Trung Quốc và đảm bảo rằng họ sẽ không nắm quyền bằng vũ lực. Đổi lại, Taliban muốn đạt được sự công nhận nào đó và muốn trông có vẻ hợp pháp.
Theo phân tích của Reuters, hiện Trung Quốc cũng đang rơi vào tình thế "khó xử" khi Mỹ rút quân. Bởi lâu nay, Bắc Kinh vẫn chỉ trích Taliban là lực lượng gây bất ổn ở khu tự trị Tân Cương. Mặt khác, Trung Quốc lại tuân thủ chính sách không can thiệp công việc nội bộ của nước khác.
Những động thái nói trên cho thấy Bắc Kinh đang thực hiện cách tiếp cận mang tính thực dụng. Nói như chuyên gia về Nam Á Lin Minwang thuộc Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, Bắc Kinh không quan tâm đến việc Afghanistan quản lý đất nước như thế nào, miễn là điều đó không ảnh hưởng đến Trung Quốc.
Truyền thông Trung Quốc đã đăng ít nhất hai luồng phân tích vừa làm nổi bật rằng Afghanistan từng là "nghĩa địa của các đế chế " và cảnh báo Trung Quốc không bị sa lầy vào "cuộc chơi của các cường quốc".
Điều này củng cố một thông điệp rằng Trung Quốc không có ý định điều quân vào Afghanistan và không có ý định lấp đầy khoảng trống quyền lực do Mỹ để lại. Sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Vương Nghị, Taliban nói rằng họ hy vọng Trung Quốc có thể đóng một vai trò kinh tế lớn hơn.
Giáo sư về Nam Á Zhang Li thuộc Đại học Tứ Xuyên nhận định, điều này "cho thấy Trung Quốc có thể đã 'nhử mồi' bằng những lời cam kết hỗ trợ kinh tế và đầu tư cho Afghanistan thời hậu chiến, coi đây là 'củ cà rốt' để khuyến khích cả Kabul và Taliban ngừng giao tranh và đạt được một thỏa thuận chính trị".
Nhà nghiên cứu Trung Quốc Temur Umarov tiếp tục cho rằng Taliban là một nhóm ma mãnh. Các phe phái khác nhau tuân theo các chiến thuật khác nhau và không rõ liệu họ có tiếp tục đoàn kết sau khi giành được quyền lực hay không.
Tất nhiên, điều này làm dấy lên lo ngại. Theo ông Vadim Kozyulin, người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu toàn cầu và quan hệ quốc tế của Học viện Ngoại giao thuộc Bộ Ngoại giao Nga, Taliban đang cố gắng mặc cả một thứ gì đó hoặc lừa dối đối tác của họ.
"Họ hứa rất nhiều nhưng mục tiêu là chiếm lấy đất nước. Việc chia sẻ quyền lực với kẻ thù đã băng hoại về mặt đạo đức chẳng có nghĩa lý gì”.
| Taliban đã chiếm được thành trì phía Bắc cuối cùng của chính phủ Afganistan Các tay súng Taliban đã chiếm được Mazar-i-Sharif, thành phố lớn thứ tư của Afghanistan và là thành trì phía Bắc cuối cùng của chính ... |
| Ấn Độ ‘toát mồ hôi’ trước ván cờ Trung Quốc-Pakistan tại Afghanistan Ấn Độ đang hào hứng chào đón Ngày Độc lập lần thứ 75 vào Chủ nhật tới (15/8) song không thể nguôi nỗi bất an ... |