📞

Ai sẽ phục hồi Syria?

10:12 | 27/03/2019
Sau 8 năm đối đầu gay gắt cùng các cuộc giao tranh quyết liệt, cuộc nội chiến Syria đã dần đi đến hồi kết. Ngày 23/3, lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn thông báo IS đã bị mất vùng lãnh thổ cuối cùng mà chúng bám trụ ở phía Đông Syria, đồng thời tuyên bố giành lại hoàn toàn quyền kiểm soát nước này.

Tuy nhiên, thành phố Idlib vẫn là "thành trì" cuối cùng mà liên quân Nga-Syria đang nỗ lực giải phóng. Cùng với sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ, liên quân dự kiến sẽ tiến hành cuộc tổng tấn công quy mô lớn vào cuối tháng 4 tới nhằm tiêu diệt toàn bộ nhóm khủng bố Hay'at Tahrir al-Sham (HTS) khỏi lãnh thổ nước này.

Các nhà lãnh đạo Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ mới đây đã hội đàm ở Sochi, thảo luận về các vấn đề tiến tới đạt được hòa bình ở Syria. Tổng thống Vladimir Putin kêu gọi các quốc gia thành viên EU tham gia tái thiết Syria và cho rằng điều này giúp đẩy nhanh việc đưa người tị nạn trở về quê hương.

Tuy nhiên, những nỗ lực của Tổng thống Nga đã không đạt được vì các nước EU không muốn tham gia vào việc tái thiết Syria do coi quá trình này đồng nghĩa với việc hợp tác với Tổng thống Bashar al-Assad.

Washington đang gây áp lực lên các quốc gia vùng Vịnh để ngăn họ khôi phục quan hệ với Syria. Trong khi đó, Nga cùng với Trung Quốc, Iran và Ấn Độ đang hết sức quan tâm đến việc tái thiết Syria. Cựu Đặc phái viên của Liên hợp quốc về Syria Stefan de Mistura tin rằng để phục hồi Syria sẽ cần đến 250 tỷ USD, còn chính phủ Syria cho rằng con số phù hợp là 400 tỷ USD. Trong bất cứ trường hợp nào, chính phủ Assad cũng không thể tự chi trả cho quá trình tái thiết đất nước nếu thiếu vắng sự giúp đỡ của các doanh nghiệp, các đối tác và đồng minh nước ngoài.

Các tòa nhà đổ nát ở Syria sau các cuộc giao tranh. (Nguồn: TASS)

Khó khăn về tài chính

Trong 8 năm qua, nhiều nhân vật quan trọng đã rời khỏi "đấu trường kinh tế" Syria, nhường chỗ cho các nhân tố mới có tham vọng tận dụng khoảng trống do cuộc nội chiến tạo ra. Một số người thân cận với ông Assad đã bị buộc rời khỏi đất nước, số khác gia nhập phe đối lập hoặc giữ vị trí trung lập, do đó họ không còn đặc quyền tạo ra ảnh hưởng đến các quá trình ra quyết định, gồm cả vấn đề kinh tế trong nước.

Peter Harling - chuyên gia về khủng hoảng quốc tế, khẳng định chiến tranh đã buộc nhiều gia đình rời khỏi đất nước và đóng cửa doanh nghiệp của mình. Nhiều người khác và tài sản họ sở hữu cũng phải chịu sự trừng phạt từ các lệnh cấm vận của phương Tây do có mối liên hệ với chính phủ Syria và tham gia vào các dự án chung. Các doanh nhân không thể tiếp cận vào quỹ cá nhân cũng như các tổ chức tài chính quốc tế, các công ty đa quốc gia và nhà cung cấp. Kết quả là những điều này đã gây ra trở ngại cho việc khôi phục Syria.

Vai trò của doanh nhân

Các biện pháp trừng phạt kinh tế trở thành biện pháp hiệu quả để hạn chế hoạt động của các chủ thể ở Syria, nhưng điều này không khiến nhiều người rời khỏi thị trường. Các nhà kinh doanh đã tìm ra phương pháp né tránh các lệnh trừng phạt. Chẳng hạn, các doanh nghiệp sẽ tìm cách cung cấp cho chính phủ các dịch vụ tài chính để đổi lấy quyền tiếp cận các dự án sinh lời trong nước.

Tuy nhiên điều này cũng gây ra trở ngại cho việc khôi phục Syria. Thực tế là các doanh nhân càng độc lập với chính phủ bao nhiêu, mức độ tham gia khôi phục đất nước càng phụ thuộc vào nguồn tài chính của họ bấy nhiêu. Cho dù có hợp tác với chính phủ Assad cũng chưa chắc họ nhận được nguồn vốn nước ngoài cần thiết cho tái thiết. Hơn nữa, do đặc thù của quá trình chính trị và kinh tế ở Syria, các công ty nước ngoài sẽ cần hợp tác với các nhân vật có mối liên hệ chặt chẽ với chính phủ để có thể đầu tư và tham gia vào các dự án tái thiết đất nước.

Các doanh nhân Syria thành công và năng động nhất hiện nay có thể chia thành 2 nhóm. Thứ nhất là nhóm "lão làng" gồm những doanh nhân có thể chịu được cả áp lực trong và ngoài nước, hiện vẫn tiếp tục công việc của mình do có quan hệ gần gũi hoặc là "tay trong" ở chính phủ. Nhóm thứ hai là "tân binh" có khả năng tiếp cận các lĩnh vực tài chính béo bở nhờ nhận thức thức thời. Tận dụng những khoảng trống của những kẻ bỏ cuộc vì thời thế, những doanh nhân mới đã kịp làm thân với chính phủ Assad.

Dự án Marota City ở ngoại ô Damascus là một trong những nỗ lực tái thiết Syria. (Nguồn: AP)

Các đồng minh gặp khó

Rõ ràng, sự phục hồi Syria sẽ được kiểm soát chủ yếu bởi các đại diện thân cận chính phủ. Những người này có quyền tiếp cận các khoản đầu tư và dự án trong tương lai gần. Một vài doanh nhân không thể tự xây dựng lại đất nước. Các hoạt động của những người giàu có nhất trong số họ cũng vấp phải các gói trừng phạt kinh tế.

Các đồng minh của Syria, những người sẵn lòng giúp đỡ và đang tích cực phát triển mối quan hệ với các chính khách địa phương để tiếp cận thị trường nội địa, cũng phải đối mặt với các lệnh trừng phạt nhất định. Các lệnh trừng phạt đã được áp dụng đối với Nga và Iran, trong khi Trung Quốc và Ấn Độ cũng từ chối tham gia đầu tư nếu không nhận được sự đảm bảo an toàn cho nguồn vốn họ bỏ ra.

Tóm lại, nhiều chủ thể trong và ngoài nước muốn đầu tư vào các lĩnh vực sinh lời liên quan đến việc khôi phục Syria nhưng đều gặp phải trở ngại từ các lệnh trừng phạt kinh tế. Trong khi những nhân vật khác có khả năng cấp kinh phí cho tái thiết Syria lại không thể đặt chân vào đất nước này.

(theo Russian Council)