📞

Ám ảnh mới trùm lên châu Âu

08:00 | 26/08/2017
Vụ tấn công mới nhất ở Barcelona và Cambrils là chỉ dấu đáng lo ngại về phong trào khủng bố bằng ô tô đang hoành hành tại châu Âu.

Ngày 17/8, một chiếc ô tô màu trắng bất thình lình đâm vào dòng người đi bộ trên khu phố Las Ramblas tấp nập tại thành phố Barcelona, Tây Ban Nha, khiến 15 người chết và 130 người bị thương. Chỉ vài giờ sau, cách đó 120 km, một chiếc khác cũng thực hiện hành động tương tự tại thị trấn Cambrils, vùng Catalonia, khiến sáu dân thường và một cảnh sát bị thương.

Chiếc xe được kẻ khủng bố sử dụng trong vụ tấn công ngày 17/8 tại thị trấn Cambrils. (Nguồn: GettyImages)

Chỉ trong vòng một năm, đã có tới năm vụ tấn công khủng bố dưới hình thức tương tự, bốn trong số đó xảy ra tại những thành phố lớn như Nice (Pháp), Berlin (Đức), London (Anh) và Stockholm (Thụy Điển). Có thể nói, hình ảnh những chiếc ô tô “tử vì đạo” bỗng xé gió lao vào đám đông đang trở thành nỗi ám ảnh mới của người dân châu Âu.

Gieo rắc kinh hoàng

Tháng 9/2014, trong lời kêu gọi những chiến binh Hồi giáo cực đoan, Người Phát ngôn của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng Abu Mohammad al-Adnani từng tuyên bố: “Nếu không thể tìm thấy bom hay đạn, hãy đập đầu chúng bằng đá, cán chúng bằng xe, ném chúng từ trên cao xuống, bóp cổ chúng đến chết hoặc đầu độc chúng”.

Tuy nhiên, đây không chỉ đơn thuần là lời kích động thông thường. Nhà phân tích của Trung tâm Nghiên cứu RAND (tổ chức phi lợi nhuận ở Mỹ chuyên nghiên cứu về các vấn đề an ninh, quân sự...) chuyên gia về chống khủng bố Colin Clarke nhận định rằng với việc sử dụng ô tô, những kẻ khủng bố có thể dễ dàng lên kế hoạch và chuẩn bị cho vụ tấn công mà không gặp phải sự nghi ngờ của lực lượng an ninh. Phương thức khủng bố bằng ô tô cũng được cho là “hiệu quả” hơn nhiều so với đánh bom tự sát, vốn đòi hỏi kiến thức về chế tạo bom mìn, nhưng không phải lúc nào cũng mang lại hiệu quả mong muốn.

Ví dụ điển hình là vụ tấn công bằng xe tải diễn ra tại Nice, Pháp hồi tháng 7/2016. Nghi phạm Mohamed Lahouaiej Bouhlel đã dễ dàng thuê một chiếc xe lớn có tải trọng 20 tấn mà không gặp quá nhiều sự chú ý. Kẻ thủ ác đã chọn ngày Quốc khánh Pháp 14/7, thời điểm có nhiều người ra đường, để thực hiện kế hoạch đẫm máu của mình. Còn hai vụ khủng bố dồn dập và liên tiếp tại Barcelona và Cambrils vừa qua đã đẩy lực lượng chống khủng bố thiện chiến của Tây Ban Nha vào thế bị động.

Ngoài ra, theo ông Colin Clarke, việc tìm ra đối sách cho những vụ tấn công khủng bố bằng ô tô cũng là “cơn ác mộng của những nhà hoạch định chính sách”. Ra lệnh cấm buôn bán vũ khí và những hóa chất dùng trong chế tạo bom mìn dễ dàng hơn nhiều so với kiểm soát phương tiện vận tải trong các thành phố lớn. Trong trường hợp được áp dụng, các lệnh này sẽ tác động mạnh mẽ đến đời sống sinh hoạt của người dân và ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển kinh tế trong khu vực.

Nhổ cỏ tận gốc

Dẫu vậy, điều đó không có nghĩa Chính phủ các quốc gia châu Âu sẽ khoanh tay đứng nhìn những cuộc tấn công khủng bố bằng xe tiếp diễn. Tờ Telegraph ngày 20/8 cho biết ngay sau cuộc tấn công khủng bố tại Barcelona và Cambrils diễn ra, chính quyền Anh sẽ tăng cườ̀ng kiể̉m tra việc cho thuê xe, rà soát hồ sơ của người thuê và buộc họ cung cấ́p nhiề̀u thông tin cá́ nhân hơn.

Trước đó, London đã trang bị nhiều rào cản tại các cây cầu để ngăn các xe leo lên phần đường dành cho người đi bộ, để những thảm kịch tương tự như vụ lao xe vào điện Westminster ngày 22/3 vừa qua sẽ không tái diễn. Tại Pháp, Đức và Thụy Điển, các khối bê tông và hàng rào cũng được dựng lên xung quanh những khu chợ Noel và các địa điểm tụ tập đông người.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia nhận định, đây chỉ là các biện pháp mang tính tạm thời và không thể triệt tiêu được nguy cơ khủng bố vẫn đang len lỏi khắp châu Âu. Ngày 21/8, cảnh sát Tây Ban Nha đã tìm và tiêu diệt được Younes Abouyaaqoub, nghi phạm chính trong vụ tấn công khủng bố bằng xe tại Barcelona ngày 17/8 vừa qua, tiêu diệt tám tên khủng bố và bắt giữ bốn nghi can. Lực lượng này cảnh báo đây cũng chỉ là một mắt xích nhỏ trong mạng lưới khủng bố rộng khắp lục địa.

Đáng chú ý, đặc điểm chung của thủ phạm thực hiện những vụ tấn công tại Barcelona, Cambrils hay Phần Lan vừa qua đều là những người trẻ tuổi. Điều này làm dấy lên hồi chuông báo động về tình trạng bị cực đoan hóa quá nhanh của những người trẻ tại châu Âu, đặc biệt là những thanh niên theo Hồi giáo.

Theo The Independent, số lượng người trẻ gia nhập IS ở châu Âu ngày càng tăng. IS thuyết phục họ, bằng cách  tuyên truyền, rằng nếu trở thành một phần của tổ chức, họ sẽ là “một phần trong sự kiện quan trọng của lịch sử loài người”. Thực trạng đáng lo ngại này đòi hỏi các nước cần cùng chung tay vạch trần luận điệu sai trái của IS. Quan trọng hơn, các chính phủ cần chú trọng hơn tới công tác giáo dục và đầu tư cho thanh thiếu niên theo đạo Hồi, giúp họ có công ăn việc làm ổn định để tránh xa cám dỗ từ chủ nghĩa khủng bố cực đoan.