📞

Ấn Độ - Pakistan không thể bùng nổ chiến tranh toàn diện

15:48 | 04/03/2019
Tờ Minh báo của Hong Kong cho rằng, trong trong bối cảnh Ấn Độ đang chuẩn bị bầu cử Quốc hội vào tháng 5 tới, Pakistan nỗ lực cải tổ nền kinh tế và Mỹ đang nỗ lực thiết lập hòa bình tại Nam Á, hai bên sẽ tìm mọi cách để kiềm chế, không để xảy ra chiến tranh toàn diện. 

Giữa tháng 2 vừa qua, Lực lượng Dân binh Hồi giáo Jaish-e-Mohammed (JeM) lấy Pakistan làm căn cứ tấn công lực lượng Quân cảnh Ấn Độ, làm hơn 40 người thiệt mạng, sự kiện này đã khiến xung đột Ấn Độ - Pakistan gần đây liên tục leo thang. Đây là dấu hiệu JeM, tổ chức khủng bố trong mắt phương Tây, một lần nữa nổi lên, trở thành chất xúc tác kích thích thù hận giữa hai nước Ấn Độ và Pakistan trong nhiều năm qua.

Giới phân tích quốc tế cho rằng, chính sách của Ấn Độ và Pakistan sẽ tiếp tục làm gia tăng căng thẳng tại khu vực Kashmir, tất yếu sẽ thử thách chính sách và biện pháp ngoại giao tại khu vực Nam Á của Mỹ. 

Trong những ngày vừa qua, Quân đội Pakistan đã bắn hạ 2 máy bay quân sự của Ấn Độ bay trong không phận của Pakistan tại khu vực tranh chấp Kashmir. (Nguồn: CBC)

Mới đây, trong một bài viết đăng trên tạp chí “Chính sách ngoại giao”, Michael Kugelman - chuyên gia về vấn đề Nam Á thuộc Trung tâm học giả quốc tế Wilson của Mỹ - nêu rõ tình trạng hỗn loạn tại khu vực Kashmir chủ yếu có liên quan đến một vài yếu tố sau.

Thứ nhất là JeM, từ năm 2003, sau nhiều năm im lặng, năm 2014 JeM bắt đầu hoạt động trở lại, liên tiếp thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào Ấn Độ. Chuyên gia Michael Kugelman cho rằng, điều này có liên quan đến năm 2014, thời điểm Mỹ nghiên cứu rút lực lượng vốn thực hiện nhiệm vụ tấn công Taliban tại Afghanistan, khiến cho các tổ chức vũ trang như JeM một lần nữa chuyển phạm vi hoạt động từ Afghanistan sang Ấn Độ. Một lý do khác cũng có thể đến từ sự nổi lên của các tổ chức cực đoan như Al-Qaeda, Nhà nước Hồi giáo (IS), khiến JeM tự nhận thấy cần phải củng cố thế lực và hành động.

Thứ hai, Pakistan được cho là đã lợi dụng các tổ chức vũ trang làm cái cớ, tiến hành hoạt động mang tính khiêu khích, dẫn đến tình trạng hỗn loạn và mưu đồ giành quyền kiểm soát thực tế đối với khu vực Kashmir. Thế nhưng, những năm gần đây, Ấn Độ dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Modi đã dùng “bàn tay thép” tiêu diệt thế lực đối lập tại khu vực Kashmir, khiến cho các cuộc tấn công của các tổ chức vũ trang nhằm vào Ấn Độ đã dần diễn biến từ chỗ Chính phủ Pakistan ngầm cho phép, biến thành các cuộc tấn công tự phát trong dân chúng. 

Theo ông Kugelman, trong bối cảnh Chính phủ Ấn Độ đối mặt với sức ép bị tấn công trả thù, còn Pakistan tiếp tục dựa vào các phần tử vũ trang làm suy yếu sức mạnh của quân đội Ấn Độ, xu thế bùng nổ xung đột giữa hai nước Ấn Độ và Pakistan đang ngày càng bộc lộ rõ hơn, thậm chí có thể bùng nổ thành chiến tranh hạt nhân.

Một khi tình hình diễn biến đến mức mất kiểm soát, Mỹ - nhân tố thứ ba, sẽ buộc phải ra tay làm trung gian hòa giải, không để bùng nổ một cuộc chiến tranh hạt nhân. Theo đó, Washington một mặt ủng hộ đồng minh New Delhi, mặt khác cần tranh thủ sự hỗ trợ của Islamabad để thúc đẩy đàm phán hòa bình với Taliban, nhằm đạt được mục tiêu hòa bình tại khu vực Nam Á. Do vậy, biện pháp và chính sách ngoại giao của Mỹ tại khu vực đang được xem xét một cách kỹ lưỡng.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu tại Hội nghị Shangri-La tại Singapore. (Nguồn: CFR.org)

Thế nhưng, giới quan sát Ấn Độ lại cho rằng, ngay cả khi không có Mỹ, quan hệ căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan cũng khó có thể dẫn đến chiến tranh toàn diện. Đầu tiên, trước sức ép bầu cử Quốc hội Ấn Độ vào tháng 5 tới, Thủ tướng Narendra Modi có hai lựa chọn.

Thứ nhất, ông cần tìm cách thể hiện đủ năng lực bảo vệ đất nước trước các cử tri, sẵn sàng đáp trả các hành động khiêu khích quân sự của Pakistan, nhưng sẽ kiểm soát không để bùng nổ chiến tranh. Thứ hai, Thủ tướng Modi sẽ chỉ dồn sức cho bầu cử Quốc hội, do vậy không phát động chiến tranh toàn diện với Pakistan.

Ở phía bên kia, Pakistan trong tình trạng kinh tế yếu kém, sẽ không đủ sức chủ động phát động chiến tranh với Ấn Độ. Giới quan sát tin rằng hai bên cuối cùng sẽ tìm mọi cách kiềm chế, không để xảy ra chiến tranh toàn diện, cùng lắm là chỉ xảy ra các vụ xung đột quy mô nhỏ tại khu vực biên giới.

(theo TTXVN)