📞

Ấn Độ - Pakistan: Những bất ngờ hứa hẹn nhiều triển vọng

08:00 | 08/01/2016
Bước sang năm 2016, mối quan hệ vốn thù nghịch giữa Ấn Độ và Pakistan có triển vọng sẽ được cải thiện, căn cứ trên hàng loạt diễn biến bất ngờ từ cuối năm ngoái.
 

Giáng sinh “đầm ấm”

Đúng vào ngày Lễ Noel (25/12/2015), Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trên đường trở về sau chuyến thăm Nga và Afghanistan đã ghé thăm thành phố Lahore của Pakistan, để dự sinh nhật của Thủ tướng Nawaz Sharif. Cuộc gặp giữa hai Thủ tướng diễn ra với những lời cam kết thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình hòa bình giữa hai nước, bằng việc nhất trí tổ chức cuộc Đối thoại toàn diện giữa Bí thư Đối ngoại hai bên, bắt đầu từ giữa tháng 1/2016 tại Islamabad.

Chuyến thăm của ông Modi  được ví như khoảnh khắc "Tổng thống Mỹ Nixon thăm Trung Quốc" của Nam Á. Đây là lần đầu tiên sau 11 năm, một Thủ tướng Ấn Độ đặt chân lên đất Pakistan. Người tiền nhiệm của ông Modi là Manmohan Singh vốn chủ trương hòa giải với Pakistan cũng không làm được điều này trong cả thập kỷ làm Thủ tướng.

Diễn biến này được đón nhận với kỳ vọng lạc quan, bởi nhiều người chưa quên sự kiện năm 2008, khi nhóm khủng bố có căn cứ tại Pakistan tấn công thành phố Mumbai của Ấn Độ khiến hơn 160 người thiệt mạng. Vụ việc đã khiến Chính phủ Ấn Độ đề cập phản ứng quân sự để đáp trả, nguy cơ leo thang căng thẳng giữa các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân lúc đó khiến cả thế giới lo ngại.

Cái bắt tay giữa hai Thủ tướng dường như là "kết thúc đẹp" cho một loạt sự kiện trước đó như cuộc gặp giữa hai Thủ tướng bên lề Hội nghị Biến đổi Khí hậu tại Paris cuối tháng 11/2015, Cố vấn an ninh quốc gia hai nước bí mật gặp nhau tại Thái Lan đầu tháng 12/2015 và Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraf thăm Pakistan, dự Hội nghị về Afghanistan và có những cuộc gặp quan trọng với lãnh đạo Pakistan giữa tháng 12/2015.

Hoài nghi và chỉ trích

Tuy nhiên, trong khi "bất ngờ ở Lahore" được dư luận quốc tế nhìn nhận tích cực thì chính hai Thủ tướng lại bị chỉ trích tại quê nhà. Chỉ vài giờ sau cuộc gặp thân mật nói trên, người biểu tình đổ ra đường phố New Delhi đốt ảnh của ông Modi. Một thủ lĩnh Đảng Quốc đại Ấn Độ gọi chuyến thăm là sự kiện của người "không phải là chính khách", còn người phát ngôn Đảng cánh hữu Shiv Sena cảnh báo "sẽ không có đối thoại với Pakistan chừng nào nước này ngừng tấn công khủng bố Ấn Độ".

Dư luận Ấn Độ cũng hoài nghi, liệu rằng ông Modi đã gặp đúng "ông Sharif" chưa. Vì Tướng Raheel Sharif, thống lĩnh quân đội, mới là người có tiếng nói thực sự tại Pakistan chứ không phải là Thủ tướng Nawaz Sharif.

Trong khi đó, ở Pakistan, thủ lĩnh phe đối lập Imran Khan dù hoan nghênh chuyến thăm của ông Modi nhưng vẫn chỉ trích tính nhất thời và cá nhân của hoạt động ngoại giao này. Người sáng lập nhóm Lashkar e-Taiba, thủ phạm của vụ tấn công ở Mumbai năm 2008 cũng lên tiếng chỉ trích Thủ tướng Sharif và cảnh báo sẽ "không hy sinh Kashmir vì mối quan hệ tốt hơn với ông Modi".

Đến lúc tạo đột phá?

Dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc Ấn Độ và Pakistan cần và có thể giảm căng thẳng, cải thiện quan hệ. Hai nước hiện đang đứng trước mối đe dọa chung và rất lớn của chủ nghĩa khủng bố. Theo một số quan chức Mỹ thân cận với Pakistan, mặc dù vẫn hậu thuẫn Taliban, quân đội nước này hiện không thể không lo ngại trước một Taliban lấy lại ảnh hưởng có thể biến Afghanistan thành thỏi nam châm thu hút Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và các chiến binh khác và đe dọa chính an ninh Pakistan.

Trong khi đó, Thủ tướng Modi dường như cuối cùng cũng nhận ra rằng quan hệ tốt hơn với Pakistan sẽ giúp ông thực hiện tham vọng biến Ấn Độ thành cường quốc kinh tế, trong bối cảnh có nhiều dự báo khá bi quan về các chỉ số phát triển nền kinh tế nước này. Ngoài ra vẫn còn đó mối lo ngại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại Pakistan, nếu không bị ngăn chặn thì sẽ không thể nào kiểm soát nổi trong thời gian tới.

Con đường phía trước với hai nhà lãnh đạo còn nhiều khó khăn. Vụ tấn công căn cứ không quân Pathankot của Ấn Độ gần biên giới với Pakistan ngay ngày đầu Năm Mới là ví dụ điển hình. Nhưng tiếp tục con đường thù địch chỉ dẫn đến bế tắc. Còn nếu có bước đi quyết đoán, cả hai Thủ tướng sẽ đem lại những tin tốt lành cho hai quốc gia và cả thế giới. Mối quan hệ cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo này có dẫn tới sự tin tưởng và hợp tác thực sự giữa hai nước hay không vẫn  cần thời gian mới có câu trả lời.

Trước mắt, hy vọng đang đặt vào cuộc đối thoại sắp tới giữa Bí thư đối ngoại hai nước, mà theo giới thạo tin từ New Delhi, đây sẽ là cuộc Đối thoại toàn diện nhằm giải quyết chín vấn đề lớn trong quan hệ giữa hai nước, bao gồm: Jammu - Kashmir, Siachen Glacier, Sir Greek, Dự án Hoa tiêu Tulbul, vấn đề chống khủng bố, hợp tác kinh tế thương mại, các vấn đề nhân đạo, vấn đề thúc đẩy trao đổi hữu nghị và cuối cùng là vấn đề triển khai các biện pháp xây dựng lòng tin.