Việc chính phủ Ấn Độ huỷ bỏ mọi đặc quyền tự trị sâu rộng dành cho khu vực Kashmir và cơ cấu lại khu vực này thành hai bang do chính quyền trung ương cai quản trực tiếp là một trong những điều chỉnh chính sách có ý nghĩa, hậu quả và hệ luỵ sâu rộng nhất ở đất nước này kể từ khi lập quốc cách đây hơn 70 năm đến nay.
Nó giúp chính phủ Ấn Độ giải quyết vấn đề quy chế pháp lý của khu vực Kashmir trong thực thể nhà nước và luật pháp Ấn Độ nhưng làm nảy sinh không ít vấn đề khó khăn phức tạp mới về chính trị đối nội, xã hội và tôn giáo ở Ấn Độ cũng như về đối ngoại mà cụ thể và trước hết với Pakistan. Việc này tạo ra tình huống pháp lý mới cho cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa hai nước láng giềng này đối với khu vực Kashmir bởi trên thực tế Ấn Độ đã biến đường phân định hiện tại giữa hai bên ở khu vực Kashmir thành đường biên giới quốc gia giữa hai nước này. Mối quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan vì thế sẽ trở nên khúc mắc và căng thẳng hơn trước.
Xưa nay, đảng BJP hiện cầm quyền với Thủ tướng Narendra Modi vốn vẫn chủ trương xoá bỏ những đặc quyền tự trị cho vùng Kashmir nhưng đến giờ mới thực hiện. Mục đích của ông Modi và đảng BJP với quyết sách có ý nghĩa lịch sử này xem ra trước hết là tranh thủ những lực lượng Hindu dân tộc chủ nghĩa ở Ấn Độ không muốn khu vực Kashmir tiếp tục như một kiểu nhà nước Hồi giáo trong thực thể quốc gia Ấn Độ hiện tại.
Ngoài ra, với quyết định mới này, chính phủ Ấn Độ cho rằng có thể liên kết và hoà nhập khu vực Kashmir vào đất nước và xã hội Ấn Độ nói chung, đồng thời còn có thể ngăn chặn mọi tác động, ảnh hưởng và can thiệp từ phía Pakistan về chính trị, an ninh và tôn giáo.
Hệ luỵ hiện chưa thể lường hết được đối với Ấn Độ và đất nước này sẽ cần không ít thời gian để khắc phục nó..