📞

Áo và làn sóng dân túy châu Âu: Tạm lui để lại tiến

Minh Vương 11:01 | 30/05/2019
TGVN. Ông Sebastian Kurz có thể tạm thời thất thế sau scandal “Ibiza-gate”, nhưng tiền đồ chính trị của ông, làn sóng dân túy tại Áo nói riêng và châu Âu nói chung sẽ không vì thế mà dừng bước. Bình luận của Báo Thế giới & Việt Nam.
Ông Sebastian Kurz trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm ngày 27/5. (Nguồn: AP)

Bước sảy chân

Tất cả bắt đầu sau khi hãng truyền thông có tiếng Der Spiegel (Đức) công bố một đoạn video được bí mật quay hồi tháng 7/2017 tại Ibiza, trong đó ông Heinz-Christian Strache, chính trị gia hàng đầu của đảng Tự do Áo (FPO) và sau đó trở thành Phó Thủ tướng, cùng Phó Chủ tịch đảng FPO Johann Gudenus đã trò chuyện trong nhiều giờ đồng hồ với một người phụ nữ được cho là cháu gái một nhà tài phiệt Nga. Hai lãnh đạo của FPO đã đề nghị dành ưu tiên đấu thầu các dự án công lớn của chính phủ để đổi lại những điều kiện có lợi từ phía nhân vật này.

Sau khi vụ việc bị phanh phui, ông Gudenus đã phải rời khỏi đảng còn ông Strache buộc phải từ chức Phó Thủ tướng, khơi mào cho làn sóng từ chức hàng loạt của các thành viên đảng FPO. Cái tên "Ibiza-gate" là cách ví von mức độ nghiêm trọng cũng như ảnh hưởng của sự kiện này với vụ Watergate năm nào khiến Tổng thống Mỹ Richard Nixon từ chức.

Sự so sánh này không hề khập khiễng. FPO đóng vai trò quan trọng trong liên minh cầm quyền với đảng Nhân dân (OVP) do đương kim Thủ tướng Sebastian Kurz dẫn dắt. Trước áp lực buộc phải thay thế các bộ trưởng FPO, nhà lãnh đạo này đã chọn phương án tổ chức bầu cử sớm vào tháng Chín. Tuy nhiên, nỗ lực kiểm soát khủng hoảng của ông Kurz đã không thành công và vụ Ibiza-gate đã giáng đòn chí mạng vào uy tín Chính phủ Áo.

Tận dụng cơ hội, đảng Dân chủ Xã hội (SPO) đã kêu gọi bỏ phiếu bất tín nhiệm, chỉ trích Thủ tướng liên minh với đảng cực hữu, không hợp tác với Quốc hội và thoái thác trách nhiệm cho sự tan rã của chính phủ. Tranh thủ sự tức giận của các nghị sỹ FPO sau khi bị “ra rìa” trong liên minh cầm quyền, SPO đã thành công khi buộc ông Kurz trở thành Thủ tướng có nhiệm kỳ ngắn nhất của Áo sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Phó Thủ tướng Hartwig Loger của OVP sẽ tạm thời lãnh đạo Chính phủ cho đến khi bầu cử tháng Chín được tổ chức.

Phát biểu trước những người ủng hộ sau khi bị đánh bại, ông Kurz khẳng định: “Tôi vẫn đang ở đây. Họ không thể thay đổi những gì chúng ta đã bắt đầu.” Thú vị thay, những gì ông Kurz phản ánh nhiều khả năng sẽ trở thành sự thật: Khi làn sóng dân túy tại Áo và châu Âu chưa có dấu hiệu dừng lại, chính trị gia này sẽ sớm trở lại vòng chiến, sớm nhất là trong cuộc bầu cử tháng Chín tới.

Làn sóng dân túy mới

Kết quả bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) ngày 26/5 vừa qua là một trong những minh chứng rõ nhất cho tuyên bố hùng hồn của nhà lãnh đạo này. Theo đó, OVP và FPO tiếp tục nhận được nhiều sự ủng hộ: OVP dẫn đầu (34,9%), FPO đứng thứ ba (17,2%) và chỉ chịu xếp sau đảng Dân chủ Xã hội SPO (23,4%). Đảng do ông Sebastian Kurz lãnh đạo nhận được sự tin tưởng của tầng lớp người dân từ 60 tuổi đổ lên, những người tiếp tục duy trì quan điểm siết chặt đường biên giới và bác bỏ các chính sách phân bổ người nhập cư của Liên minh châu Âu (EU).

Trong bối cảnh đó, giới phân tích cho rằng ông Kurz, bất chấp thất bại trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vừa qua, sẽ không từ bỏ vị trí Chủ tịch đảng. Điều này đồng nghĩa với việc ông gần như chắc chắn sẽ tham gia cuộc bầu cử vào tháng Chín. Dựa trên tỷ lệ ủng hộ dành cho đảng OVP, cũng như điểm mặt các ứng cử viên tiềm năng đến từ các chính đảng khác, phần thắng giành cho ông Kurz trong cuộc bầu cử tháng Chín là tương đối nhiều.

Thêm vào đó, bầu cử EP vừa qua cho thấy làn sóng dân túy đang ngày một trở nên mạnh mẽ ở ngay tại những quốc gia chủ chốt trong EU như Đức, Pháp và chính biến tại Áo chỉ là “tai nạn”.

Khi mà ảnh hưởng của Thủ tướng Đức Angela Merkel không còn như trước, Berlin đã chứng kiến sự tuột dốc không phanh của đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) cầm quyền khi chỉ đạt được 29% số phiếu, thấp hơn 7% so với năm năm trước. Đáng chú ý, CDU đã không còn là lựa chọn của các cử tri trẻ tuổi, khi chỉ 13% người Đức dưới tuổi 30 bỏ phiếu cho chính đảng này.

Thay vì giải thích cho màn thể hiện yếu kém này, Tổng Thư ký CDU Annegret Kramp-Karrenbauer lại lên tiếng chỉ trích một Youtuber trẻ tuổi, cho rằng video do thanh niên này đăng tải nhằm chỉ trích CDU đã ảnh hưởng tiêu cực tới cử tri và đề nghị kiểm soát chặt chẽ hơn việc bình luận trên mạng xã hội. Động thái của nhân vật được cho là sẽ kế nhiệm bà Merkel đã làm dấy lên làn sóng phản đối dữ dội và khiến nhiều người quan ngại về tương lai của CDU.

Tại Paris, đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (RN) của bà Marine Le Pen giành được 23,4% phiếu, vượt qua liên minh đảng cầm quyền Nền Cộng hòa Tiến bước (LREM) của đương kim Tổng thống Emmanuel Macron. Theo đó, đảng RN sẽ có 24 ghế trong EP, còn LREM là 22 ghế. Chênh lệch này tuy không nhiều, song lại cho thấy người dân đang mất dần kiên nhẫn với Chính phủ Pháp và đòi hỏi những thay đổi căn bản hơn, mang tính đột phá hơn ở Tổng thống Macron.

Trong bối cảnh đó, chính trường Vienna thời gian tới sẽ tiếp tục là sân chơi của đảng trung hữu OVP và ông Sebastian Kurz, ngay cả trong trường hợp chính trị gia này không tham gia ứng cử trong cuộc bầu cử sắp tới. Bước sảy chân của cựu Thủ tướng Áo vì thế chỉ đơn thuần là một bài học kinh nghiệm về xử lý khủng hoảng và chẳng thể ngăn cản được ông hay những nhân vật hàng đầu khác của phong trào dân túy tại châu Âu tiếp tục giơ cao khẩu hiệu chống EU, chống người nhập cư ngay giữa lòng lục địa già.