Chủ tịch Nhóm Công tác Năng lượng APEC Phyllis Genther Yoshida trong một buổi họp báo. (Nguồn: apec.com) |
Theo đó, các quan chức trong ngành năng lượng và tài chính của 21 nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đang có những chuẩn bị cần thiết để tận dụng việc giá dầu thế giới ở mức thấp để cải tổ cơ chế trợ cấp nhiên liệu hóa thạch - điều cần thiết để cắt giảm lượng khí thải carbon và chống biến đổi khí hậu.
Dựa trên các cuộc thảo luận tại Honolulu (Hawaii) tháng 12/2015, giới chức các nước APEC đang tiến hành xác định những thách thức và triển vọng thực tế nhất để hậu thuẫn cho việc tiến hành cải cách. Các quan chức đang thúc đẩy thống nhất một hệ thống thẩm định để đảm bảo những cải cách này sẽ giúp giải quyết hiệu quả vấn đề giảm phát thải vốn đang dấy lên nhiều quan ngại trong khu vực.
"Các trợ cấp thiếu hiệu quả đang làm tổn thất ngân sách quốc gia, khuyến khích sự tiêu thụ lãng phí nhiên liệu hóa thạch với những tác động đến khí hậu cũng như gây trở ngại đối với đầu tư phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo", Chủ tịch Nhóm Công tác Năng lượng APEC Phyllis Genther Yoshida giải thích. "Nhiều khoản trợ cấp nhiên liệu hóa thạch đã phải thoái lui và thường không đến được với những đối tượng cần được hỗ trợ".
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), khoảng 500 tỷ USD được đổ vào các khoản trợ cấp nhiên liệu hóa thạch trên toàn thế giới mỗi năm - gấp 4 lần nguồn tài chính dành cho năng lượng tái tạo. IEA ước tính rằng, chỉ có khoảng 8% trong số các khoản trợ cấp này đến được những người nghèo nhất thế giới - chiếm khoảng 20% dân số toàn cầu.
Tiến sĩ Yoshida lưu ý: "Trợ giá nhiên liệu hóa thạch là một thách thức phức tạp liên quan tới cấu trúc. Thách thức này đã tạo động lực để các nền kinh tế APEC hợp tác cùng nhau nhằm tăng cường năng lực để có thể chấp nhận những biện pháp cải cách bền vững và có hiệu quả". Bà cho biết, APEC hiện đã hoàn thành việc đánh giá hoạt động trợ cấp nhiên liệu hóa thạch ở ba nền kinh tế thành viên để giúp họ xác định các lựa chọn cải cách và đưa ra các khuyến nghị mang tính khách quan cho các nền kinh tế khác để họ thực hiện cải cách.
Các nền kinh tế APEC sẽ dựa trên sự thẩm định có tính hệ thống và các trao đổi chuyên môn kỹ thuật có liên quan để hợp lý hóa các cải cách cũng như xóa bỏ những trợ cấp nhiên liệu hóa thạch không hiệu quả. Hiện nhóm G20, trong đó có 9 thành viên APEC, đang đi theo theo cách tiếp cận này.
Các quan chức APEC cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của tính minh bạch cũng như các công tác truyền thông sâu rộng để có thể tiến hành cải tổ chương trình trợ cấp nhiên liệu hóa thạch thành công. Theo đó, các Chính phủ sẽ lý giải những tác động và hạn chế của các khoản trợ cấp cũ cũng như lợi ích tiềm năng của cải cách cho các thành phần Nhà nước và tư nhân có liên quan.