Dự án SEA1000 sẽ thay thế tàu ngầm lớp Collins. (Nguồn: Wiki) |
Việc lựa chọn thay thế cho tàu ngầm lớp Collins của Australia, hay còn được biết đến với cái tên chương trình SEA1000, đang bước vào giai đoạn cuối cùng. Chính phủ Australia sắp hoàn tất quá trình đánh giá các nhà thầu. Vừa qua, nhóm chuyên gia tư vấn Australia đã kết thúc việc xem xét hồ sơ dự thầu của Pháp, Đức và Nhật Bản.
Dự án quan trọng với cả hai phía
Theo East Asia Forum, đây là chương trình mua sắm quân sự lớn nhất trong lịch sử Australia và có thể gây tác động đáng kể đối với nền kinh tế nước này. Bộ Quốc phòng Australia cũng đã xác định “sự tham gia của ngành công nghiệp Australia và khả năng tương tác với đồng minh Mỹ” là điểm quan trọng trong quá trình xem xét đánh giá. Những yếu tố này đã làm cho dự án mang tính chính trị cao. Adelaide, nơi có Tập đoàn đóng tàu ngầm Australia (ASC), sẽ bị tác động lớn bởi chương trình SEA1000. Nếu ASC không được chia sẻ công việc trong chương trình SEA1000 thì đó sẽ là một đòn nặng nề đối với tập đoàn này cũng như nền kinh tế của Adelaide.
Trong bối cảnh chính trị của Australia, khả năng tác động kinh tế to lớn của chương trình SEA1000 đã gây ra rất nhiều áp lực lên Chính phủ Australia trong việc xem xét phần công việc và công nghệ chuyển giao cho Australia. Áp lực này lớn đến nỗi sau đó Thủ tướng Tony Abbott đã phải thay đổi quan điểm ban đầu của chính phủ vốn chú trọng tàu ngầm lớp Soryu của Nhật Bản mà không tính đến phần công việc hay chuyển giao công nghệ cho Australia.
Trong khi đó, về phía nhà dự thầu Nhật Bản, dự án SEA1000 cũng rất quan trọng vì hai lý do. Thứ nhất, việc đấu thầu có thể là một phép thử đánh giá khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp quốc phòng Nhật Bản ở thị trường nước ngoài. Nhật Bản đã phải nỗ lực trong suốt quá trình đấu thầu, bao gồm đánh giá đúng bản chất chính trị của dự án này, cũng như đáp ứng mong muốn tham gia của ngành công nghiệp bản địa Australia và chuyển giao công nghệ.
Thứ hai, việc đấu thầu dự án SEA1000 là rất quan trọng đối với Nhật Bản trong bối cảnh tổng thể quan hệ an ninh ngày càng sâu sắc với Australia. Mục tiêu theo đuổi mối quan hệ an ninh mạnh mẽ hơn với Australia nhận được sự ủng hộ của cả hai chính đảng ở Nhật Bản và chính Thủ tướng Shinzo Abe đã đưa mối quan hệ Nhật Bản - Australia lên tầm cao mới.
Trong chiến lược an ninh quốc gia 2013, Tokyo đã xác định Canberra như một đối tác an ninh chủ chốt, không chỉ là đồng minh của Mỹ, mà còn là đối tác khu vực có chung lợi ích chiến lược quan trọng với Nhật Bản trong việc gìn giữ trật tự quốc tế dựa trên các chuẩn mực cơ bản vốn đã được củng cố sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Chuẩn mực này bao gồm việc tuân thủ luật pháp quốc tế, tự do hàng hải và không sử dụng các biện pháp ép buộc để khẳng định quan điểm ngoại giao.
Tác động từ kết quả
Khi quá trình đánh giá cạnh tranh đối với chương trình SEA1000 đến hồi kết thúc, một số người bắt đầu tự hỏi về tác động tiêu cực tiềm ẩn trong mối quan hệ an ninh giữa Tokyo và Canberra trong trường hợp Nhật Bản không được lựa chọn.
Theo quan điểm của ngành công nghiệp quốc phòng Nhật Bản, chắc chắn đây sẽ là một sự thất vọng lớn. Mong muốn thắng thầu mạnh tới mức Tokyo đồng ý chế tạo tàu ngầm mới tại Australia, chia sẻ phần mềm và công nghệ kỹ thuật tiên tiến với ngành công nghiệp địa phương. Kể từ khi thiết lập Ba Nguyên tắc mới cho việc Chuyển giao Công nghệ và Thiết bị Quốc phòng hồi tháng 4/2014, Chính phủ Nhật Bản đã sẵn sàng tạo ra tiền lệ theo những hướng dẫn mới này.
Nhật Bản cũng hy vọng rằng việc đấu giá thành công tại Australia sẽ giúp trấn an những người trong ngành công nghiệp quốc phòng Nhật Bản còn mâu thuẫn về những cải cách bằng cách chứng minh lợi ích chính trị và kinh tế hữu hình mà hướng dẫn mới có thể mang lại. Nếu thất bại thì đây sẽ là bài học để ngành công nghiệp quốc phòng Nhật Bản nhìn lại mình và quay trở lại với mô hình cũ, chỉ tìm kiếm khách hàng là Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.
Việc Nhật Bản đấu thầu không thành công sẽ không thay đổi thực tế rằng quan hệ đối tác an ninh sâu sắc hơn với Australia nằm trong lợi ích của Nhật Bản. Khi Tokyo tiếp tục thực hiện “những đóng góp tiên phong cho hòa bình”, hợp tác với Australia - một đối tác tham gia tích cực vào các nỗ lực quốc tế vì hòa bình và ổn định, bao gồm các hoạt động của quân đồng minh và nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (LHQ) - vẫn còn quan trọng.
Với các hiệp định và thỏa thuận hợp tác quốc phòng song phương quan trọng như Hiệp định Thu nhận và Dịch vụ Tương hỗ (ACSA), Hiệp định Bảo mật Thông tin Quân sự chung (GSOMIA) và Thỏa thuận Hợp tác Công nghệ và Thiết bị Quốc phòng (DETCA) hiện đang được triển khai hiệu quả, quan hệ an ninh giữa Australia và Nhật Bản có nhiều khả năng phục hồi sau những thất vọng. Mối quan hệ tốt đẹp này là nhờ nỗ lực của Thủ tướng Abe và cựu Thủ tướng Abbott.
Vì vậy, Nhật Bản sẽ thất vọng nếu không thắng thầu. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến nhận thức của Nhật Bản đối với Australia và rất có thể Tokyo sẽ đánh giá lại mối quan hệ an ninh với Canberra. Song với đà phát triển quan hệ Australia - Nhật Bản tốt đẹp trong nhiều năm qua cũng như vai trò quan trọng của hai nước đối với hòa bình và ổn định của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, quan hệ an ninh song phương giữa Australia và Nhật Bản sẽ còn tiến triển xa hơn, cho dù kết quả đấu thầu tàu ngầm của Australia có như thế nào đi chăng nữa.