📞

Ba câu hỏi tân Chủ tịch LDP Suga Yoshihide cần giải đáp

Lưu Huỳnh 09:00 | 16/09/2020
TGVN. Đáp án của cựu Chánh Văn phòng Nội các, Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) Suga Yoshihide sẽ quyết định tương lai của chính phủ Nhật Bản một năm tới. Bình luận của Thế giới & Việt Nam.

Ngày 14/9, sau chiến thắng áp đảo trong cuộc bỏ phiếu nội bộ, ông Suga Yoshihide đã trở thành Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản (LDP). Như vậy, ngày 16/9, ông gần như chắc chắn sẽ trở thành Thủ tướng mới trong cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội, do LDP chiếm đa số ghế tại lưỡng viện và Chủ tịch đảng có đa số phiếu thường được lựa chọn làm đại diện để lãnh đạo đất nước.

Theo đó, ông Suga sẽ hoàn thành nốt nhiệm kỳ của Thủ tướng Abe Shinzo, kết thúc vào tháng 9/2021, trước khi LDP bầu Chủ tịch mới.

Một năm tới sẽ là thời gian vàng để ông Suga chứng tỏ năng lực, chuẩn bị cho cuộc đua khốc liệt hơn năm sau, khi ông từng khẳng định không muốn lãnh đạo một chính phủ “tạm thời”. Đó là ước vọng chính đáng nhưng không dễ thành, khi ông Suga phải tìm kiếm lời giải cho ba câu hỏi sau.

Ông Suga Yoshihide trong vòng vây những người ủng hộ sau chiến thắng ngày 14/9. (Nguồn: AP)

Thứ nhất, đó là bổ nhiệm nội các. Theo Kyodo, ông Suga có thể giữ ít nhất 4 vị trí trong nội các tiền nhiệm. Tuy nhiên, phóng viên Tetsuo Suzuki, người đã có hơn một thập kỷ nghiên cứu và nhiều lần phỏng vấn trực tiếp ông Suga, cho rằng cựu Chánh Văn phòng sẽ gặp khó khi xây dựng nội các mới.

Ông Suga từng tự hào vì vị thế trung lập trong LDP, song điều này đang là rào cản bởi ông không có nhiều quan chức thân cận, phù hợp cất nhắc cho nội các mới. Vì thế, tìm kiếm người chung hoài bão, năng lực và phối hợp hiệu quả sẽ quyết định thành bại nhiệm kỳ của ông.

Thứ hai, đó là khả năng lãnh đạo. Người ta không nghi ngờ về vai trò của ông Suga Yoshihide trên cương vị Chánh Văn phòng Nhật Bản hay với tư cách nhà lập pháp, đàm phán hay điều phối, thúc đẩy chính sách hậu trường. Tuy nhiên, khả năng lãnh đạo, dẫn dắt của ông vẫn là dấu hỏi lớn.

Gần 30 năm qua, các Chủ tịch LDP luôn xuất thân từ gia đình làm chính trị, nơi vun đắp kỹ năng lãnh đạo và giúp họ dễ dàng tìm kiếm sự ủng hộ trong đảng. Chiến thắng của ông Suga tạo ra một tiền lệ, song sẽ buộc ông phải nỗ lực hơn so với những người tiền nhiệm để chứng tỏ năng lực bản thân.

Thứ ba, đó là thoát khỏi cái bóng của ông Abe và xây dựng tầm nhìn của riêng mình. Tưởng chừng đây là chuyện ngược đời, khi phần đông LDP chọn ông Suga bởi ông là người kế thừa tinh thần và là cánh tay phải đắc lực của Thủ tướng Abe Shinzo trong hai nhiệm kỳ vừa qua.

Tuy nhiên, câu chuyện giờ đã khác. Đơn cử như câu chuyện kinh tế: Nền kinh tế Nhật Bản đã ra khỏi thời kỳ tăng trưởng liên tục và đang giảm tốc trước đại dịch Covid-19. Chính sách Abenomics vì thế sẽ cần có điều chỉnh để tiếp tục là động lực tăng trưởng.

Như vậy, ông Suga cần có thay đổi tiệm tiến về mặt chính sách theo hướng “mới mà cũ”, đưa Nhật Bản tiến về phía trước, xây dựng hình ảnh cá nhân độc lập so với người tiền nhiệm để chiến thắng trong cuộc đua vào tháng 10/2021.

Quan trọng hơn, ông Suga cần xây dựng và thúc đẩy tầm nhìn của riêng mình. Tác giả Isao Mori, người viết tiểu sử về ông Suga nhận định tân Chủ tịch LDP đôi lúc “sa đà” vào các chính sách thỏa mãn nhu cầu trước mắt của người dân, mà không thực sự có tầm nhìn lớn và dài hạn.

Đây là điều mà chính ông từng thừa nhận. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2014, ông hoài niệm rằng khi mới “chân ướt chân ráo” vào chính trường, ông đã ngưỡng mộ tầm nhìn của ông Abe Shinzo về tương lai của nước Nhật: “Thú thật rằng, vào thời điểm ấy, tôi không có một tầm nhìn như vậy”.

Tuy nhiên, 6 năm đã trôi qua và giờ đây, trước ngưỡng cửa trở thành Thủ tướng Nhật Bản, câu trả lời của ông liệu sẽ khác? Đó là đáp án mà chỉ mình Chủ tịch LDP Suga Yoshihide biết.