Ngày 14/6, Thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã khép lại. Trước đó, ngày 13/6 tại Vịnh Carbis, hạt Cornwall (Anh), Thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) cũng kết thúc sau 3 ngày làm việc.
Có gì sau hai sự kiện lớn này?
Các nhà lãnh đạo G7 trên đường tới dự buổi tiệc có sự góp mặt của Nữ hoàng Anh Elizabeth II chiều ngày 11/6. (Nguồn: New York Times) |
Trở lại để dẫn đầu
Trước tiên, cả hai đều cho thấy nỗ lực đưa nước Mỹ “trở lại” rõ nét của Tổng thống Joe Biden.
Một thông điệp chủ đạo của Thượng đỉnh G7 tại Cornwall là “xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn”. Không khó để nhận ra rằng khẩu ngữ này được truyền cảm hứng từ chủ đề chiến dịch tranh cử Tổng thống của ông Joe Biden - “xây dựng lại nước Mỹ tốt đẹp hơn”.
Song không dừng lại ở việc truyền cảm hứng, Washington còn đóng vai trò tiên phong, trong đề xuất và triển khai các sáng kiến tại Thượng đỉnh G7. Đó là cam kết đóng góp 500 triệu liều vaccine Covid-19 Pfizer/bioNTech mà không đi kèm với bất kỳ ràng buộc nào, hứa hẹn về tạm hoãn bản quyền sáng chế với vaccine Covid-19 để dẫn dắt thế giới vượt qua đại dịch.
Ngoài ra, việc G7 chỉ trích Trung Quốc “vi phạm nhân quyền” tại Tân Cương là đề xuất của Tổng thống Joe Biden trong phiên thảo luận thứ hai ngày 12/6.
Nhận định Bắc Kinh là “đối thủ” hay “thách thức mang tính hệ thống” nhiều lần xuất hiện trong tài liệu về đối ngoại của Washington thời gian qua. Cáo buộc về gian lận thương mại và vai trò của Trung Quốc trong đại dịch Covid-19 cũng thường xuyên được đề cập dưới thời chính quyền Tổng thốngJoe Biden.
Tương tự là câu chuyện với Nga. Xây dựng một mối quan hệ “ổn định và dễ đoán” hơn với Nga là điều ông Joe Biden nhắc đến trong bài viết trên The Washington Post ngày 5/6, trước thềm chuyến công du châu Âu.
Việc G7 hối Nga xác minh, ngăn chặn và xử lý các cá nhân, tổ chức tiến hành tấn công mạng có thể được coi như lời kêu gọi của Mỹ nhằm tìm kiếm thủ phạm đằng sau vụ tấn công mạng đường ống dẫn dầu Colonial Pipeline của nước này đầu tháng 5 vừa qua.
Các nội dung về nỗ lực chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy bình đẳng giới và quyền con người cũng phản ánh quan tâm toàn diện hơn của Mỹ dưới thời ông Joe Biden so với người tiền nhiệm.
Do đó, có thể coi sự xuất hiện của các nội dung này trong tuyên bố chung của G7 và NATO là minh chứng rõ nét về sự trở lại của Mỹ trên trường quốc tế.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tại họp báo sau Thượng đỉnh G7 tại Cornwall, Anh ngày 13/6. (Nguồn: AP) |
Quan trọng hơn, Washington nhận thức rõ về tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương nhằm hiện thực hóa tầm nhìn trong thế giới ngày càng biến động.
Cách tiếp cận của ông Joe Biden có sự khác biệt rõ ràng với người tiền nhiệm Donald Trump khi chủ động xây dựng quan hệ với các đồng minh đối tác từ châu Á tới châu Âu, tận dụng mạng lưới quan hệ để triển khai chính sách.
Chẳng vậy mà lãnh đạo các nước này lại hết lời ca ngợi ông chủ Nhà Trắng.
Thủ tướng nước chủ nhà Boris Johnson gọi ông Biden là “làn gió mới”, Thủ tướng Đức Angela Merkel coi ông chủ Nhà Trắng là hiện thân của chủ nghĩa đa phương, còn Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã hàn huyên trên bờ biển Vịnh Carbis với người đồng cấp Mỹ bằng tiếng Anh, liên tục nhấn mạnh “nước Mỹ đã trở lại!”.
Bên lề Thượng đỉnh NATO, bất chấp lập trường khác biệt về việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống tên lửa S-400 và Mỹ công nhận cái gọi là “diệt chủng Armenia”, Tổng thống Tayyip Erdogan vẫn đánh giá cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ Joe Biden là “chân thành và hiệu quả”.
Ông nhấn mạnh: “Chẳng vấn đề nào là không thể giải quyết trong quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Mỹ”.
Nga-Trung phủ bóng
Điểm nhấn khác của Thượng đỉnh G7 và NATO năm nay nằm ở sự xuất hiện dày dặc của Nga và Trung Quốc trong thảo luận và tuyên bố chung, dù hai quốc gia này không có đại diện tham dự.
Truyền thông quốc tế nói nhiều về chuyện Trung Quốc được NATO coi là “thách thức mang tính hệ thống”. Lãnh đạo G7 cũng bày tỏ quan ngại về các chính sách thương mại của Bắc Kinh, tình hình Biển Đông, Biển Hoa Đông, Eo biển Đài Loan, thậm chí là kế hoạch cơ sở hạ tầng “Mạng lưới Xanh” trị giá 40.000 tỷ USD nhằm đối trọng với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
Tuy nhiên, cả NATO và G7 đều lạc quan về triển vọng hợp tác với Trung Quốc trong các lĩnh vực cùng quan tâm như chống biến đổi khí hậu và cải thiện đa dạng sinh học. Các từ ngữ nói về hành vi của Bắc Kinh cũng được sử dụng thận trọng, tránh kích động quá mức.
Quan trọng hơn, Nga, chứ không phải Trung Quốc, mới là quốc gia được đề cập nhiều nhất trong văn bản cuối cùng. “Trung Quốc” lần lượt xuất hiện 4 và 10 lần trong hai bản tuyên bố chung của G7 và NATO, trong khi con số này của “Nga” lần lượt là 7 và 61 lần.
Từ ngữ sử dụng để nói tới Nga cũng gay gắt hơn nhiều so với Trung Quốc. G7 yêu cầu Moscow chấm dứt hành vi “phá hoại và gây bất ổn… can thiệp vào tiến trình dân chủ” hay tấn công mạng, đồng thời thúc đẩy tiến trình hòa bình tại Đông Ukraine với tư cách một bên trong xung đột.
Trong khi đó, tuyên bố chung của NATO ngày 14/6 còn đi xa hơn khi cáo buộc Nga có các hành vi “phá hoại và bất hợp pháp” trong lãnh thổ các quốc gia thành viên, đưa ra những tuyên bố về vũ khí hạt nhân “một cách hung hăng và vô trách” hay “đổ dầu vào lửa” ở xung đột Đông Ukraine.
Điểm nhấn của Thượng đỉnh NATO còn nằm ở sự xuất hiện dày dặc của Nga và Trung Quốc trong thảo luận và tuyên bố chung. (Nguồn: Wikipedia) |
Những sự chia rẽ
Điểm nhấn cuối cùng là sự chia rẽ ngày một sâu sắc giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU).
Trong phiên thảo luận của G7 ngày 12/6, khác biệt giữa Anh và châu Âu về cách tiếp cận với Trung Quốc đã ít nhiều được hé lộ.
Theo đó, Tổng thống Joe Biden đã kêu gọi khối chỉ trích và đáp trả chính sách của Trung Quốc tại Tân Cương. Trong khi Thủ tướng Anh Boris Johnson, Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hưởng ứng đề xuất này, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Italy Mario Draghi và lãnh đạo EU lại nhấn mạnh về triển vọng hợp tác trong một số lĩnh vực với Trung Quốc.
Bất đồng giữa các bên đã nhạy cảm đến mức kết nối Internet tới phòng họp bị ngắt để bảo đảm thông tin.
Khác biệt về lợi ích giữa Anh và châu Âu một lần nữa “bùng nổ” trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Boris Johnson với người đồng cấp Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Ông chủ điện Elysee đã khiến lãnh đạo chủ nhà nổi giận khi tuyên bố Bắc Ireland không phải là một phần của Anh và quan hệ Pháp-Anh chỉ “khởi động lại” nếu người Anh chấp thuận yêu cầu EU. Thủ tướng Angela Merkel thậm chí còn không tỏ thái độ trước cử chỉ chào khuỷu tay của ông Johnson.
Nga, chứ không phải Trung Quốc, mới là quốc gia được đề cập nhiều nhất trong văn bản cuối cùng. “Trung Quốc” xuất hiện lần lượt 4 và 10 lần trong hai bản tuyên bố chung của G& và NATO, trong khi con số này của “Nga” lần lượt là 7 và 61 lần. |
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhấn mạnh EU đã “thống nhất tuyệt đối” về Brexit và các bên cần tuân thủ những gì đã nhất trí.
Ở thời điểm hiện tại, chưa có dấu hiệu gì cho thấy chia rẽ Anh-EU sẽ sớm hóa giải.
Cuối cùng, có thể thấy Thượng đỉnh G7 và Thượng đỉnh NATO đã thể hiện quan điểm rõ ràng trong một số vấn đề nóng như quan hệ với Nga, Trung Quốc, tìm kiếm giải pháp cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu và các thách thức an ninh phi truyền thống với nhiều cam kết đầy tham vọng.
Tuy nhiên, triển khai những cam kết này ra sao, hiện thực hóa tầm nhìn “xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn” như thế nào, sẽ là nhiệm vụ không hề đơn giản đối với các thành viên G7 và NATO.