Trung Quốc và Canada đã bàn thảo về tính khả thi của một FTA song phương từ tháng 9/2016. He Weiwen, một cựu quan chức thương mại của Trung Quốc, lạc quan rằng “sẽ không có rào cản lớn” giữa Trung Quốc và Canada để đạt được một thỏa thuận toàn diện. Nhưng không phải ai cũng chia sẻ quan điểm này của ông He Weiwen. Chuyên gia nghiên cứu Chen Fengying cho rằng hiện nay dường như hai bên khó có thể đạt được FTA trong tương lai gần.
Song, giới chuyên gia Canada cho rằng có nhiều lý do để Ottawa cần dè dặt về mong muốn đạt được một hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc.
Rào cản mang tên Mỹ
Một trong những lý do đó xuất phát từ Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada (USMCA), phiên bản 2.0 của Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), có điều khoản quy định nếu một trong các đối tác tham gia một thỏa thuận thương mại tự do với một nước “phi thị trường” (ám chỉ Trung Quốc), các nước còn lại có thể rút khỏi thỏa thuận trong vòng 6 tháng sau đó và tự thiết lập một thỏa thuận thương mại tự do song phương. Mỹ có thể “tận dụng” điều khoản này trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới chưa có dấu hiệu sẽ sớm kết thúc.
USMCA và sự phản đối của Mỹ có thể là rào cản lớn cho FTA giữa Canada và Trung Quốc.(Nguồn: AP) |
Thiết lập luật chơi công bằng
Một lý do nữa đó là Canada gần như đạt được thương mại tự do với hầu hết các nước trên thế giới. Đáng chú ý, dòng chữ “Made in China” xuất hiện trên nhiều đồ gia dụng tại Canada. Hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sang Canada được hưởng mức thuế nhập khẩu thấp, hoặc 0% đối với một số mặt hàng. Canada cho rằng một trong những lợi ích chủ chốt của thương mại đó là người Canada được mua các sản phẩm của nước ngoài với giá rẻ hơn chi phí sản xuất trong nước.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại hàng hóa lớn thứ hai của Canada. Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong giai đoạn từ tháng 1 - 10/2018, giá trị trao đổi thương mại giữa hai nước tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 345,2 tỷ NDT (49,65 tỷ USD).
Tuy nhiên, khi mà các nhà xuất khẩu Trung Quốc nhìn chung được hưởng mức thuế quan thấp (hoặc 0%) khi vào thị trường Canada, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Canada lại phải đối mặt với bức tường thuế quan khổng lồ khi thâm nhập Trung Quốc. Đó là một phần lý do tại sao Canada lại trong tình trạng thâm hụt thương mại cực lớn với Trung Quốc. Và chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau muốn thay đổi điều này.
Trong khi đó, một trong những mong muốn của Trung Quốc đó là các doanh nghiệp quốc doanh của nước này được tự do đầu tư vào Canada. Một hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc không chỉ đơn thuần là một FTA, mà còn là một hiệp định đầu tư. Với trường hợp nhà đầu tư là một doanh nghiệp nhà nước, như quỹ đầu tư quốc gia Na Uy chẳng hạn, đây sẽ không phải là một vấn đề đáng quan ngại. Nhưng Bắc Kinh không phải là Oslo.
Các nhà đầu tư Trung Quốc tiếp tục đổ nhiều tiền vào Canada - Ảnh minh họa. (Nguồn: Real Estate Magazine) |
Trói chân người khổng lồ
Cuối cùng, Trung Quốc không giống như các đối tác thương mại lớn của Canada. Canada trao đổi thương mại với nhiều thể chế chính trị, từ phi dân chủ, đến chuyên chế. Nhưng Canada chưa từng có một đối tác hàng đầu là một chính phủ với một hệ thống những giá trị có nhiều điểm bất đồng với Ottawa.
Đây không phải là một mối quan ngại về lý thuyết. Khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cường quốc này được kỳ vọng sẽ tuân thủ các quy tắc. Nhưng thực tế chưa hẳn vậy và đó là một phần lý do tại sao Mỹ lại triển khai một loạt đòn thương mại nhằm vào Trung Quốc. Giới quan sát đặt câu hỏi liệu Canada có thể đàm phán về một hệ thống quy tắc sẽ ràng buộc Trung Quốc?
Và nếu như mục tiêu của Ottawa là mở cửa thị trường Trung Quốc, nên chăng Canada thay vì “đơn thương độc mã” cần hợp lực với châu Âu và Mỹ để gây sức ép với Bắc Kinh, buộc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải tuân thủ các quy tắc thương mại quốc tế? Điều này rõ ràng là không hề dễ dàng. Tiến thoái ra sao trong quan hệ thương mại với Trung Quốc tiếp tục là một bài toán khó cho chính quyền của Thủ tướng Justin Trudeau.