📞

Bắc Cực: “Điểm nóng” tranh chấp mới

20:47 | 12/01/2015
Dưới tác động của biến đổi khí hậu và ấm lên toàn cầu, những khối băng tại Bắc Cực đang tan chảy, đồng nghĩa với việc mở đường cho các quốc gia thuận lợi khai phá, tìm kiếm tài nguyên. Đặc biệt, nhiều quốc gia đang muốn xác định chủ quyền của mình tại khu vực này.
Bắc Cực (Ảnh minh họa)

Vùng biển Bắc Băng Dương là nơi quy tụ nhiều quốc gia phát triển của thế giới. Đó là các nước phương Tây thuộc NATO như Mỹ, Canada, Na Uy, Đan Mạch, bên cạnh đó còn có Liên bang Nga. Từ trước đến nay, Nga và Mỹ là hai quốc gia tham dự cuộc phân tranh này một cách quyết liệt và dữ dội nhất. Song gần đây, trong tuyên bố ngày 15/12/2014, Đan Mạch cũng khẳng định chủ quyền của mình tại Bắc Cực. Ngoài ra, Trung Quốc cũng thể hiện quan điểm của mình về vấn đề Bắc Cực một cách đầy ẩn ý với luận thuyết “terra nullius” – lãnh thổ vô chủ không nằm dưới sự kiểm soát của quốc gia nào.

Tại sao nhiều cường quốc lại muốn khẳng định chủ quyền của mình đối với vùng lãnh thổ băng giá rộng lớn này? Trước hết, có thể thấy, nguồn tài nguyên khoáng sản tại Bắc Cực có thể đem lại lợi ích to lớn và ưu thế vượt trội cho nền kinh tế các nước. Theo một báo cáo gần đây của Mỹ, tại Bắc Cực tồn tại 1/8 trữ lượng dầu thô và 1/4 trữ lượng khí gas của thế giới.

Bên cạnh đó, tuy ấm lên toàn cầu là một hiện tượng nguy hiểm khiến cho toàn thế giới lo ngại, nhưng đồng thời cũng mở ra cơ hội di chuyển, vận tải của các quốc gia giáp vùng cực Bắc Trái đất. Nhiệt độ tăng khiến những tảng băng tan chảy, mở ra con đường giao thương hàng hóa giữa Á – Âu băng qua nơi vòm đỉnh thế giới.

Về phần mình, Đan Mạch dựa trên Công ước Luật biển 1982 để tuyên bố rằng 900.000 km2 của Bắc Băng Dương, phía Bắc vùng tự trị Greenland, thuộc về quốc gia này. Thế nhưng, tuyên bố này tỏ ra mâu thuẫn với những lập luận từ phía Nga và Canada – những nước cũng đang đầy tham vọng khẳng định chủ quyền tại khu vực Bắc Cực.

Đối với Mỹ, theo Đô đốc Hải quân David Titley, chiến lược Bắc Cực là một phần cấu thành nên lợi ích quốc gia Mỹ. Do vậy, việc đóng tàu phá băng, thi công cơ sở hạ tầng để hải quân tuần tra vùng tuyên bố chủ quyền trên Bắc Băng Dương và củng cố lực lượng bảo vệ bờ biển là các dấu hiệu rõ ràng cho thấy quan điểm cương quyết của Washington đối với vùng cực Bắc. Đặc biệt, Mỹ đang có lợi thế khi có thể tận dụng chiếc ghế Chủ tịch của Hội đồng Bắc Cực sắp tới để đưa ra chương trình nghị sự có lợi cho mình.

Đối với các nước nói trên, sự hiện diện của Nga tại Bắc Cực là một điều khiến họ phải thận trọng. Từ năm 2007, nhà thám hiểm Artur Chilingarov đã từng tuyên bố: “Bắc Cực luôn thuộc về người Nga”. Trong năm 2014, Nga đã tiến hành một số cuộc tập trận tại Bắc Băng Dương, lần đầu tiên kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Nước này cũng tiến hành gia cố lại các căn cứ quân sự cũ thời Liên Xô tại đây và thử nghiệm tên lửa thế hệ mới Angara. Những ngày cuối tháng 12/2014, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã công bố học thuyết quân sự mới của quốc gia này. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên học thuyết quân sự Nga đề cập đến việc bảo vệ lợi ích quốc gia tại Bắc Cực là một trong những ưu tiên của nước này, qua đó cho thế giới thấy quan điểm cứng rắn và quyết tâm của người Nga về vấn đề chủ quyền Bắc Cực.

Cho dù cạnh tranh khá quyết liệt song cho đến nay vẫn chưa có xung đột vũ trang xảy ra giữa các quốc gia có lợi ích tại Bắc Cực. Việc tranh chấp giữa Na Uy và Nga đã được giải quyết hòa bình là một tín hiệu lạc quan. Đặc biệt, sự tồn tại của Hội đồng Bắc Cực đang có sức ảnh hưởng ngày một to lớn cũng góp phần hạn chế việc sử dụng vũ lực tại đây.

Mi Nguyễn (tổng hợp)