Trong bối cảnh dịch Covid-19, bộ phận lãnh sự Đại sứ quán Việt Nam tại Brazil tập trung tối đa cho công tác bảo hộ công dân. Trong ảnh: Công dân Việt Nam ở Brazil chuẩn bị lên máy bay về nước. |
Trực tiếp tham gia xử lý các công việc thuộc công tác lãnh sự tại Đại sứ quán Việt Nam tại Brazil, tôi đã học hỏi được rất nhiều điều.
Tôi biết ở đâu "con người" cũng là yếu tố quan trọng nhất, quyết định nhất, vì vậy có thể nói, công tác lãnh sự đòi hỏi nhiều kỹ năng xử lý rất đa dạng, phức tạp và có phần nhạy cảm.
Luôn sẵn sàng hỗ trợ công dân
Một năm rưỡi qua, bộ phận lãnh sự Đại sứ quán tập trung công sức và thời gian nhiều nhất cho hoạt động hỗ trợ công dân tham gia các chuyến bay hồi hương do Chính phủ Việt Nam tổ chức.
Mỗi công dân đều có hoàn cảnh khác nhau, lý do khác nhau, nhưng tất cả đều đau đáu một nguyện vọng được trở về quê mẹ, nhất là thời điểm tình hình dịch bệnh căng thẳng nhất ở Brazil khi một ngày có trên 86.000 người nhiễm và trên 4.000 ca tử vong do virus SARS-CoV-2.
Trường hợp đầu tiên chúng tôi hỗ trợ là một bạn tự tìm mua vé trên chuyến bay thương mại về nước, nhưng đã bị mắc kẹt ở sân bay và cầu cứu Đại sứ quán hỗ trợ.
Quá hoảng loạn khi không được lên máy bay, không có đồ ăn, nước uống do các quầy phục vụ đều đóng cửa, phải lang thang vạ vật ở khu vực quá cảnh trong sân bay mấy đêm, bạn đã mất kiểm soát đến mức quát ầm ĩ nhân viên sân bay, rồi khóc lóc, đập tay xuống bàn sưng vù.
Bạn đã gửi cho chúng tôi ảnh chụp bạn tiều tụy đến mức nào.
Tôi đã cùng thức trắng đêm với bạn để trấn an tinh thần và tư vấn, hỗ trợ tất cả các thủ tục, giấy tờ mà bạn cần, cuối cùng bạn đã về nước an toàn. Bạn cũng viết báo cảm ơn các anh chị cán bộ Đại sứ quán đã nhiệt tình hỗ trợ trong lúc khó khăn.
Từ sau ngày đó, chúng tôi trở thành bạn bè. Bạn đã kể rất nhiều về kế hoạch trong tương lai, thậm chí còn xin tôi lời khuyên khi bạn có dự định bay sang Canada để kết hôn với một anh Việt kiều.
Đến cuối năm 2020, Chính phủ bắt đầu tổ chức các chuyến bay đón công dân từ địa bàn Nam Mỹ về nước, trong đó có Brazil và các nước do Đại sứ quán kiêm nhiệm như Peru, Bolivia, Surimame, Guyana.
Chúng tôi ngày đêm trao đổi hướng dẫn công dân, tận tình cung cấp đầy đủ thông tin để các bạn chuẩn bị và kịp thời xử lý.
Việt Nam và Brazil chênh lệch nhau 10 tiếng, nên để làm việc với cơ quan trong nước, chúng tôi thường làm việc đến khuya, trao đổi lúc sáng sớm hoặc tranh thủ ngày nghỉ, nửa đêm điện thoại reo là bật dậy giải quyết.
Chỉ đến khi nhận được tin nhắn của công dân về nước an toàn, lúc đó chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm.
Những câu chuyện thắt lòng
Dịch bệnh khiến nhiều người thất nghiệp, thậm chí đói ăn, vừa không có thu nhập, vừa bị tù túng dài ngày trong bốn bức tường, rất dễ dẫn đến trầm cảm.
Với những người làm công tác bảo hộ công dân, chỉ đến khi nhận được tin nhắn của công dân báo về nước an toàn, lúc đó họ mới có thể thở phào nhẹ nhõm. |
Một chị người Việt bị chồng ngược đãi về tinh thần. Chồng chị là người Brazil, do dịch bệnh kéo dài nên anh đã mắc chứng trầm cảm. Sau khi bị mất kiểm soát, anh đã kề dao vào cổ chị và dọa giết.
Chị buộc phải tìm cách bỏ trốn. Chị liên lạc Đại sứ quán để được hướng dẫn thực hiện một số giấy tờ.
Tôi giúp chị hoàn thành các thủ tục cần thiết, nhưng điều đặc biệt là qua nhiều lần trò chuyện, chúng tôi đã trở thành bạn bè.
Tôi cố gắng tìm cách giúp chị về mặt tinh thần để chị bình tĩnh, sáng suốt hơn, để chị đưa ra các quyết định hợp lý và nhất là giữ an toàn cho tính mạng của bản thân.
Đến giờ khi mọi chuyện đã qua, có được cuộc sống mới bình yên, chị vẫn giữ liên lạc với tôi.
Công dân Việt Nam lao động ở Brazil có nhiều người là thủy thủ.
Cuối năm 2020, có một trường hợp thủy thủ không may tử vong trên biển do suy hô hấp nghiêm trọng.
Gia đình ở Việt Nam ngày đêm thúc giục và cầu cứu để đưa thi hài công dân về nước. Vì tình hình dịch bệnh ở Brazil căng thẳng, nên không phải lúc nào chúng tôi cũng có mặt trực tiếp tại hiện trường để giải quyết các thủ tục cần thiết.
Trong các bước cần thực hiện có việc chứng kiến niêm phong quan tài và các mã số kẹp chì thùng kẽm. Công việc này được tiến hành vào ban đêm. Đêm đó, nhiệm vụ của tôi là chứng kiến qua video toàn bộ quá trình, sau đó nhận các ảnh chụp để xác nhận.
Vừa xem video, tôi vừa sợ đứng tim và lạnh toát người khi xác nhận các ảnh chụp, cái cảm giác đó đến giờ nghĩ lại tôi vẫn thấy run.
Chỉ đến khi mọi công việc tiến hành suôn sẻ, gia đình thủy thủ xấu số đó nhận thi hài, tổ chức xong lễ mai táng và cảm ơn các bên liên quan, chúng tôi mới thấy an lòng.
Bản thân tôi cầu mong cho linh hồn thủy thủ ấy được siêu thoát, phù hộ độ trì cho người thân, gia đình vạn sự bình an.
Tôi biết đóng góp của mình vô cùng nhỏ bé trước sự hy sinh thầm lặng và cao cả của biết bao con người đang ngày đêm chung tay chống chọi với dịch bệnh, giành giật lại sự sống cho ngày mai tươi sáng.
Tôi cũng như bao cán bộ ngoại giao khác, chỉ mong dịch bệnh sớm kết thúc để quay lại cuộc sống bình thường, được gặp gỡ, giao lưu với cộng đồng người Việt.
Những cái Tết cổ truyền ấm cúng, sum vầy nơi xa quê và tình đồng hương gắn bó đối với tôi là thiêng liêng nhất.