Quyết định bất ngờ
Người tiền nhiệm của Thủ tướng Theresa May, ông David Cameron - vừa từ chức sau cuộc trưng cầu ý dân về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng 6 vừa qua - đã tích cực xây dựng mối bang giao với Bắc Kinh và coi đây là một trọng tâm chính sách kinh tế của mình.
Trong chuyến thăm cấp Nhà nước đến Anh hồi năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhận được sự đón tiếp nồng hậu, với mục đích được cho là nhằm thu hút nguồn đầu tư dồi dào từ quốc gia châu Á này đối với nền kinh tế Anh, vốn chịu ảnh hưởng của nhiều biện pháp thắt lưng buộc bụng.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình uống bia cùng Thủ tướng Anh David Cameron trong chuyến công du đến Anh hồi tháng 10/2015. (Nguồn: CNN) |
Cựu Thủ tướng Cameron đã gọi Trung Quốc là “đối tác tốt nhất của Anh”, khi hai bên ký kết nhiều thỏa thuận với tổng giá trị lên tới 40 tỷ Bảng, trong đó có khoản đầu tư 6 tỷ Bảng của Trung Quốc vào Hinkley Point, dự án điện hạt nhân đầu tiên của Anh trong nhiều năm qua.
Lễ ký kết dự án Hinkley Point ban đầu dự kiến diễn ra vào ngày 29/7. Trước đó một ngày, sau thời gian dài tranh cãi ngay trong nội bộ ban lãnh đạo, Tập đoàn năng lượng EDF của Pháp đã quyết định thông qua dự án.
Chính phủ Pháp, nắm giữ 85% cổ phần của EDF, cương quyết thúc đẩy quá trình đàm phán dự án này, với lý do dự án sẽ đóng vai trò quyết định đối với khả năng trong dài hạn của ngành hạt nhân Pháp. Tuy nhiên, quyết định của Chính phủ Anh đã khiến các đối tác Pháp sững sờ.
Tân Thủ tướng Anh Theresa May, người chính thức lên nắm quyền vào ngày 13/7, đã quyết định tạm hoãn việc ký kết dự án này với lý do cần xem xét lại dự án. Bộ trưởng Thương mại và Năng lượng Anh Greg Clark ngày 28/7 cho biết London sẽ chưa đưa ra quyết định cuối cùng vào tháng 9 tới.
“Thời đại hoàng kim” phai nhạt?
Nhiều người lo ngại rằng sự trì hoãn dự án Hinkley Point có thể ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ Anh - Trung, nhất là trong bối cảnh Anh đang rất cần xây dựng các mối quan hệ thương mại mạnh mẽ trong giai đoạn hậu Brexit. Giáo sư Kerry Brown thuộc King’s College London, trao đổi với AFP: “Họ (Chính phủ Anh) đã tự tạo ra rắc rối. Nhiều người cho rằng ở thời điểm hiện tại, việc mở cửa thương mại mới là điều cần làm”.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã phản ứng trước cái lắc đầu của London bằng tuyên bố cho rằng việc làm này đang làm phai nhạt “Thời đại hoàng kim” của mối quan hệ Trung Quốc - Anh. Hãng thông tấn Tân Hoa Xã nhấn mạnh, Bắc Kinh sẽ “không tha thứ” cho những cáo buộc rằng khoản đầu tư của nước này sẽ làm tổn hại an ninh quốc gia của Anh.
Dự án điện hạt nhân Hinkley Point. (Nguồn: BBC) |
Trong khi vẫn chưa rõ liệu bà May sẽ hủy bỏ hay chấp nhận dự án này, cố vấn của bà và hiện là Chánh Văn phòng Thủ tướng Nick Timothy đã có những bình luận cho thấy việc Anh hoài nghi về nguồn đầu tư của Trung Quốc là hoàn toàn có thật.
Ông Timothy cho rằng “thật khó hiểu” khi Anh lại có thể hoan nghênh khoản đầu tư từ các doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc. Ông viết trên trang Conservativehome: “Không một khoản đầu tư hay thương mại nào có thể bào chữa cho việc chấp nhận để một quốc gia có nhiều nguy cơ được dễ dàng tiếp cận hệ thống cơ sở hạ tầng quan trọng của Anh”.
Nhiều người cũng đặt dấu hỏi về tính khả tín của khoản tiền đầu tư từ Trung Quốc cũng như khía cạnh môi trường liên quan đến dự án nếu có sự tham gia của người Trung Quốc này.
Báo giới Anh đã nhanh chóng hoan nghênh quyết định của Chính quyền Theresa May. Tờ Observer cho rằng mặc dù động thái này có thể ảnh hưởng tới quan hệ ngoại giao song nó lại là “một quyết định đúng đắn”, khi xét đến các nguy cơ về tài chính và an ninh. Trong khi đó, tờ The Independent nhận định mối quan hệ giữa Anh và Trung Quốc sẽ vẫn rất tích cực, song “chúng ta cần sáng suốt và không nên dựa dẫm vào bất kỳ ai để duy trì nguồn điện của mình”.
Mọi khả năng đều để ngỏ
Ông Howard Wheeldon, một nhà phân tích quốc phòng và chiến lược, dự đoán việc Chính phủ Anh quyết định tạm hoãn dự án “chỉ là bước đầu cho việc đặt dấu chấm hết đối với dự án này”. Ông nói: “Chúng ta không thể triển khai một dự án quá lớn và quá tốn kém, nhất là khi nó chỉ có thể đáp ứng 7% nhu cầu tiêu thụ điện năng của Anh. Đây là một rủi ro không đáng đánh đổi”.
Hiện vẫn chưa rõ Thủ tướng Anh Theresa May sẽ chấp nhận hay hủy bỏ dự án nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point. (Nguồn: The Telegraph) |
Ông Brown cho rằng Bắc Kinh có thể hoàn toàn hiểu và thông cảm được sự thận trọng của chính quyền Anh, song mọi việc có thể sẽ thay đổi nếu bà May hủy bỏ dự án này. “Họ sẽ coi tất cả là dấu hiệu cho thấy quan hệ Anh - Trung Quốc bước vào một giai đoạn cảnh giác hơn, khiến hai bên phải ngầm lo lắng về đối phương”, theo ông Brown.
Người Phát ngôn chính thức của Thủ tướng May khẳng định Chính phủ Anh vẫn “tiếp tục hướng tới một mối quan hệ bền chặt với Trung Quốc” và cần “một nguồn cung cấp điện ổn định và an toàn”.
Tuy nhiên với việc chính quyền mới của bà May xem xét lại hầu hết các di sản kinh tế của ông Cameron, có vẻ như Anh trong thời gian tới sẽ thận trọng hơn trước khi áp dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng và sẽ đề ra một chiến lược công nghiệp mới. Rõ ràng mọi khả năng đều đang để ngỏ.