Thủ tướng Justin Trudeau sẽ cần một liên minh với thủ lĩnh đảng NDP Jagmeet Singh (ngoài cùng, trái) nếu ông muốn đảm bảo thành lập chính phủ đa số sau bầu cử sắp tới. (Nguồn: The Canadian Press) |
Năm 2015, đảng Tự do đã chiến thắng vang dội bầu cử Hạ viện và người được lựa chọn là ông Justin Trudeau. Với phong cách thân thiện với cử tri, con trai cựu Thủ tướng Pierre Trudeau, được kỳ vọng trở thành làn gió mới cho Ottawa, vốn thường dành cho các chính trị gia lão làng.
Niềm tin ấy đã ít nhiều có hồi đáp sau 4 năm. Trong nhiệm kỳ của ông Trudeau, Canada đã đạt một số thành tựu đáng kể trong lĩnh vực kinh tế: Tỷ lệ người thất nghiệp giảm xuống mức kỷ lục; tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và tỷ lệ đói nghèo sụt giảm. Thời gian đầu, hình ảnh Thủ tướng trẻ tuổi, năng nổ, gần dân khiến nhiều người ấn tượng. Vai trò chủ động, tích cực của ông trong các vấn đề quốc tế như biến đổi khí hậu, chống bảo hộ thương mại cũng được đánh giá cao.
Sảy một ly, đi một dặm
Tuy nhiên, là con người, ai cũng có lúc mắc sai lầm và Thủ tướng Canada không phải ngoại lệ.
Đầu tiên, ngày 18/9, tờ Time đã nhận được tấm ảnh chụp ông Trudeau tham dự đêm gala “Đêm Arab” năm 2001 tại một trường tư thục ở Vancouver, nơi ông làm giáo viên kịch. Khi đó, ông đã “bôi đen mặt” và quấn khăn turban trên đầu. Đáng chú ý hơn, hành động này được ông Trudeau, khi đó là giáo viên dạy kịch, thực hiện không dưới 3 lần. Tại xã hội đa văn hóa như Canada, đây là hành vi xúc phạm người khác và khó có thể chấp nhận. Đồng thời, nó cũng để lại hậu quả khó lường.
Về mặt hình ảnh, trong suốt nhiệm kỳ, ông Trudeau thường xuyên đề cao khẩu hiệu chống phân biệt chủng tộc và hành động trên đi ngược lại với tôn chỉ mà ông thường tuyên bố. Về mặt chính trị, đảng Tự do đang dần mất ưu thế và nếu muốn có đủ số phiếu để thành lập chính phủ, ông Trudeau sẽ phải bắt tay với Chủ tịch đảng Tân Dân chủ (NDP) Jagmeet Singh, chính trị gia gốc Ấn với nước da sẫm màu và quấn khăn Turban như nhân vật mà ông Trudeau từng hóa trang.
Ông Trudeau nhận thức rõ được sự tai hại ấy. Ngay sau khi biết tin, ông đã tổ chức họp báo khẩn trên máy bay di chuyển tới địa điểm vận động tranh cử, thừa nhận đã “sai lầm khi còn trẻ”. Song chừng đó có lẽ là chưa đủ để xoa dịu đồng minh tương lai hay những cử tri mất niềm tin.
Thứ hai, tháng 3/2019, Thủ tướng Canada cũng từng đau đầu khi bị phát hiện đã gây sức ép với Bộ Tư pháp để tập đoàn xây dựng SNC – Lavalin, đối mặt với cáo buộc tham nhũng và hối lộ, chỉ nộp phạt thay vì ra hầu tòa. Giải thích cho hành động này, ông Trudeau nhận toàn bộ trách nhiệm, song không xin lỗi, khẳng định việc can thiệp là cần thiết để bảo vệ công ăn việc làm của 9.000 người Canada tại SNC – Lavalin cùng 50.000 nhân viên khác của tập đoàn này. Tuy nhiên, lời phân bua này chưa thỏa mãn được nhiều người, trong đó có Bộ trưởng Bộ Tư pháp Wilson Rayboult và Bộ trưởng Bộ Ngân sách Jean Pilpott, hai quan chức đã đệ đơn từ chức vì mất niềm tin vào Chính phủ. Scandal này đã khiến ông Trudeau cùng đảng Tự do một phen hỗn loạn.
Thứ ba, các cử tri trẻ tuổi từng bỏ phiếu cho đảng Tự do và ông Justin Trudeau đang dần mất niềm tin vào nhà lãnh đạo này. Theo họ, Ottawa chưa mang đến sự thay đổi mà họ mong muốn. Nhiều người cho rằng ông Trudeau đã “nói một đằng, làm một nẻo” khi khẳng định theo đuổi chính sách bảo vệ môi trường, song lại phê chuẩn mua và lắp đặt Hệ thống Đường ống Xuyên Núi dài 1.150 km chuyển dầu thô từ Alberta sang khu vực British Columbia. Chiến thắng của ông Trudeau năm 2015 có một phần không nhỏ đến từ sự ủng hộ của các cử tri trẻ tuổi và thiếu những lá phiếu này, hành trình tái cử của Thủ tướng Canada sẽ khó khăn hơn nhiều.
Dự án dầu khí Đường ống Xuyên Núi (TMP) do chính quyền của Thủ tướng Trudeau phê chuẩn đã đối mặt với sự phản đối của nhiều cử tri. (Nguồn: Canada National Observer) |
Bản lĩnh người cầm lái
Liệu những sai lầm này có thể khiến ông Trudeau và đảng Tự do thất bại trong cuộc bầu cử sắp tới? Câu trả lời là có và không.
Đảng Tự do nhiều khả năng sẽ tiếp tục là thế lực lớn nhất trên chính trường Ottawa sau ngày 21/10 tới. Trong bối cảnh đó, nếu mọi chuyện thuận lợi, ông Trudeau có thể tái đắc cử Thủ tướng nhiệm kỳ thứ hai.
Song cái giá phải trả là không hề rẻ - đảng Tự do gần như chắc chắn sẽ mất đa số tại Hạ viện. Kết quả thăm dò của công ty nghiên cứu Nanos Research ngày 14/10 cho thấy đảng này sẽ giành được 32% số phiếu bầu, ngang ngửa với đảng Bảo thủ đối lập, dưới sự lãnh đạo của ông Andrew Scheer. NDP do ông Jagmeet Singh lãnh đạo giành được 19%, là đối tượng mà cả đảng Tự do và Bảo thủ có thể tranh thủ để thành lập chính phủ đa số.
Tuy nhiên, đảng Tự do hiện đang có quan hệ tương đối trắc trở với NDP: Vụ scandal “bôi đen mặt” của ông Trudeau đã xúc phạm ông Jagmeet Singh. Bản thân Thủ tướng Canada cũng tránh đề cập đến khả năng liên minh với NDP và thay vào đó kêu gọi người dân bỏ phiếu cho “một chính phủ tiến bộ”, vững mạnh nhằm ngăn chặn chính sách cắt giảm từ phe Bảo thủ và tiếp tục “đối đầu” với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ngay cả khi liên minh, khác biệt quan điểm chính trị cùng những vấn đề nóng như quan hệ với Mỹ và Trung Quốc, giải quyết ổn thỏa vụ bắt con gái Chủ tịch Huawei Mạnh Vãn Chu và triển khai mạng 5G sẽ khiến Ottawa chao đảo.
Trong trường hợp xấu nhất, ông Trudeau sẽ phải gồng mình dẫn dắt chính phủ thiểu số. Khi ấy, giữ ghế Thủ tướng đã khó khăn, nói gì tới triển khai chính sách nhằm phát triển kinh tế, cải thiện quan hệ chính trị và vị thế quốc gia. Đây rõ ràng là kịch bản mà đảng Tự do không mong muốn.
Hiện còn chưa đầy một tuần là tới bầu cử và đảng Tự do đang cố gắng củng cố sự hiện diện tại Hạ viện. Về phần mình, ông Trudeau cần chứng minh rằng nhiệm kỳ Thủ tướng của mình không chỉ là cơn gió thoáng qua trên chính trường Ottawa và ông có đủ bản lĩnh lèo lái con thuyền Canada giữa biển cả đầy biến động. Dù vậy, câu trả lời của người dân đối với mong mỏi, ước vọng của đảng Tự do và ông Trudeau sẽ chỉ được tiết lộ sau ngày 21/10 tới.