Liên minh nào sẽ thành lập chính phủ sau khi Thủ tướng Đức Angela Merkel mãn nhiệm?. (Nguồn: Getty Images) |
Vài nét khác biệt
Bầu cử Đức có một số điểm đặc biệt so với nhiều nước khác.
Về lý thuyết, bầu cử được tổ chức để bầu Nghị viện mới. Tuy nhiên, thực tế cho thấy quan tâm của người dân không phải về bản thân Nghị viện, mà về chính đảng nào có đủ số phiếu cao nhất để đứng ra thành lập chính phủ mới.
Ngoài ra, khác với Mỹ hay một số nước, vận động tranh cử ở Đức thường bị coi là “tẻ nhạt”. Tranh luận giữa các ứng viên Thủ tướng từ chính đảng trên truyền hình chỉ diễn ra vài lần trước ngày bầu cử và không thu hút sự quan tâm của người dân.
Thậm chí, không phải đảng nào cũng giới thiệu ứng viên ra tranh cử Thủ tướng vì còn căn cứ vào tỷ lệ tín nhiệm từ thăm dò dư luận. Những lần trước, chỉ liên minh Dân chủ/Xã hội Thiên chúa giáo (CDU/CSU) và đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) giới thiệu ứng viên. Năm nay, đảng Xanh đã mạnh dạn đề cử thêm bà Annalena Baerbock do kết quả khá cao trong các cuộc thăm dò dư luận hồi đầu năm.
Còn các ứng viên hàng đầu của các đảng cũng chỉ đến vài địa điểm nhất định, gặp một số người, phát vài cái bút in hình đảng và vài tờ rơi. “Đối thoại” hay tranh luận với cử tri cũng diễn ra hời hợt. Một bộ phận người dân Đức chủ yếu biết về bầu cử qua những tấm biển treo cột đèn là nhiều.
Tại Đức, Thủ tướng không do người dân bầu trực tiếp, mà được Nghị viện bỏ phiếu và được Tổng thống trao quyết định bổ nhiệm. Sau khi được bầu, người đứng đầu chính phủ sẽ trình Nghị viện thông qua danh sách thành viên nội các, vốn đã được những đảng thắng cử thỏa thuận trước đó.
Thông thường, đảng nào có số phiếu bầu cao nhất và theo đó, số ghế trong Nghị viện nhiều nhất, thì mặc định được cử người làm Thủ tướng. Nhưng đáng nói là từ năm 1961, không có đảng nào đạt số phiếu tuyệt đối để có thể lập chính phủ, mà đều phải liên minh với những đảng khác để có đủ số phiếu ủng hộ trong Nghị viện Liên bang.
Theo Hiến pháp, Thủ tướng Đức có thẩm quyền “quyết định và chịu trách nhiệm về đường hướng cơ bản của chính sách” (điều 65) và toàn quyền quyết định về nhân sự chính phủ (điều 64). Tuy nhiên, giống như quyền giới thiệu thành viên chính phủ, thẩm quyền này bị hạn chế khá nhiều trong “Thỏa thuận liên minh” giữa các đảng.
Vì lẽ đó, đàm phán về một chính phủ liên minh sau khi công bố kết quả kiểm phiếu mới là công việc thực sự khó khăn và thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước.
Một bộ phận người dân Đức chỉ biết đến cuộc bầu cử thông qua các tấm áp phích như thế này. (Nguồn: DW) |
Nhìn vào lịch sử
Từ khi nước Đức thống nhất (03/10/1990), các liên minh sau đây đã lên cầm quyền:
Đầu tiên, liên minh đen/vàng giữa CDU/CSU và đảng Dân chủ Tự do Đức (FDP) của ông Helmut Kohl đã khởi đầu với hai nhiệm kỳ (tháng 10/1990-10/1998), theo sau là liên minh đỏ/xanh giữa SPD và đảng Xanh của ông Gerhard Schröder (tháng 10/1998-11/2005).
Trong 4 nhiệm kỳ của Thủ tướng Angela Merkel có liên minh đen/đỏ (Đại liên minh giữa CDU/CSU và SPD) từ 2005-2009, liên minh đen/vàng giữa CDU/CSU và FDP từ 2009-2013 và liên tục từ 2013 đến nay là Đại liên minh.
Ngược về thời gian CHLB Đức (cũ) có các liên minh khác, như liên minh đỏ/vàng giữa SPD và FDP dưới thời Thủ tướng Willy Brandt từ 1969-1974 và Thủ tướng Helmut Schmidt từ 1974-1982.
Về cơ bản CDU/CSU và SPD đã thay nhau cầm quyền dưới những liên minh linh hoạt - khi thì bắt tay với nhau trong Đại liên minh, lúc lại phối hợp với đảng nhỏ hơn như FDP và đảng Xanh. Sau bầu cử năm 2017, với 12,6% số phiếu, đảng Giải pháp cho nước Đức (AfD) đã xuất hiện và trở thành đảng đối lập lớn nhất trong Nghị viện.
Liên minh cho tương lai
Theo kết quả thăm dò dư luận ngày 19/9 của Bundestagwahl 2021, tỷ lệ ủng hộ của các đảng lần lượt là: SPD 25,6%, CDU/CSU 21%, đảng Xanh 15,6%, AfD 11,2%, FDP 11% và đảng Cánh tả 6,4%. Nếu kết quả bỏ phiếu ngày 26/9 tới phản ánh đúng dự báo này, chính trường Đức có thể sẽ chứng kiến hai kịch bản sau.
Thứ nhất, đảng SPD có thể đứng ra đàm phán lập chính phủ mới sau 16 năm cầm quyền liên tục của CDU/CSU và bà Merkel. Điều này cũng phù hợp với xu hướng muốn thay đổi của cử tri vì CDU/CSU đã cầm quyền liên tục 4 nhiệm kỳ.
Vấn đề là SPD sẽ liên minh với đảng nào để đủ số phiếu ủng hộ? Sau bầu cử năm 2017, SPD từng tuyên bố sẽ rời Đại liên minh và chuyển sang đối lập, vì không muốn bị “lép vế” lần nữa trong một chính phủ do CDU lãnh đạo nhưng đến phút chót, đảng này vẫn ở lại. Tuy nhiên, CDU/CSU sẽ không muốn là “chiếu dưới” trong Đại liên minh do SPD cầm đầu và lịch sử cũng chưa từng có tiền lệ như vậy.
Trong khi đó, dù bà Annalena Baerbock của đảng Xanh được tín nhiệm cao qua đợt thăm dò dư luận, song đến nay đảng này vẫn chưa đủ “chín” để lãnh đạo chính phủ. Từ khi thành lập (1980), đảng Xanh từng có hai nhiệm kỳ liên minh tương đối thành công với SPD trong chính phủ của ông Gerhard Schröder. Do đó, đảng này có thể sẽ liên minh với SPD một khi SPD thắng cử và giành đủ số phiếu cần thiết.
Theo dữ liệu ở trên, hai đảng này chỉ mới đạt 41,2% số phiếu, tương đương 272/598 ghế trong Nghị viện, không đủ để lập chính phủ và buộc phải liên minh với một đảng nhỏ khác.
Khi ấy, cái tên được nhiều người nhắc tới là đảng Cánh tả. Ứng viên SPD, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Olaf Scholz đã bỏ ngỏ khả năng này. Đảng Cánh tả cũng đã “bắn tin” muốn liên minh với SPD và Đảng Xanh. Tuy nhiên, khả năng này khó thành hiện thực vì đảng Cánh tả chưa thật sự có được sự ủng hộ của đa số cử tri, dù đảng này cũng đang liên minh cầm quyền ở bang Thüringen hay Berlin.
Đảng SPD có thể đứng ra đàm phán lập chính phủ mới sau 16 năm cầm quyền liên tục của CDU/CSU và bà Merkel. Điều này cũng phù hợp với xu hướng muốn thay đổi của cử tri vì CDU/CSU đã cầm quyền liên tục 4 nhiệm kỳ. |
FDP cũng có khả năng “buôn vua”, tức là góp thêm số phiếu của mình để ủng hộ bên này hoặc bên kia trở thành Thủ tướng. Nếu góp thêm 11% của FDP thì liên minh đỏ/xanh/vàng (còn gọi là phương án "đèn giao thông") cũng mới chỉ đạt mức quá bán mỏng là 52,2%.
Thứ hai, CDU/CSU, dù chỉ đứng thứ hai nhưng cũng có thể tìm cho mình đối tác lập chính phủ. Từ trước đến nay, thực tế này chưa xảy ra, nhưng không gì là không thể.
Dù muốn tái lập Đại liên minh như 4 nhiệm kỳ trước, số phiếu của CDU/CSU và SPD chỉ đạt 46,6% và vẫn cần thêm đảng khác.
Trong trường hợp bên thứ ba là FDP, tổng số phiếu sẽ là 57,6%, với một chính phủ liên minh chưa có tiền lệ khi có đủ màu cờ nước Đức (đen/đỏ/vàng). Nếu bên thứ ba là đảng Xanh, số phiếu ủng hộ trong liên minh Kenya (đen/đỏ/xanh) sẽ là 62,2%.
Trường hợp SPD không muốn bắt tay với CDU/CSU và trở thành đảng đối lập, liên minh Jamaika (đen/xanh/vàng) mới đạt 47,6% số phiếu, chưa đủ lập chính phủ.
Với những bức tranh nhiều màu sắc như trên, chắc chắn rằng đàm phán thành lập chính phủ sau bầu cử Đức, dù kín hay mở, sẽ căng thẳng và mất nhiều thời gian. Cho đến khi đó, tương lai Berlin sau thời bà Angela Merkel vẫn là câu hỏi khó có lời giải sớm ngay sau ngày 26/9 tới.