📞

Bầu cử Mỹ 2020: Liệu ông Trump có lặp lại 'kịch bản Jimmy Carter'?

Lê Linh 14:00 | 29/10/2020
TGVN. Tổng thống Mỹ gần đây nhất phải đối mặt với những rắc rối trong cuộc đua tái tranh cử nhiệm kỳ 2 giống như Donald Trump hiện nay là Jimmy Carter, vào năm 1980. Bị tác động bởi cuộc suy thoái kinh tế và bất lực trong việc giải quyết một cuộc khủng hoảng quốc gia, ông Carter đã thất cử.
Liệu một 'kịch bản Jimmy Carter' sẽ xảy ra với ông Trump tới đây? (Nguồn: CNN)

Để miêu tả tình trạng khó khăn hiện nay của đương kim tổng thống Mỹ, người ta đã so sánh phản ứng một cách vụng về của ông Trump trước đại dịch Covid-19 với sự bất lực của cựu Tổng thống Carter trong việc giải phóng con tin người Mỹ bị Iran bắt cóc.

Sau đó, người ta nhìn vào các con số. Hiện tại, các cuộc thăm dò trên quy mô toàn quốc cho thấy tỷ lệ ủng hộ Trump thấp hơn khoảng 10 điểm phần trăm so với đối thủ (Joe Biden), tương tự cách biệt về số phiếu phổ thông của Carter trước đối thủ Ronald Reagan - người đã giành chiến thắng vang dội tại 44 bang trong khi đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Thượng viện.

Tuy nhiên, trong bối cảnh chỉ còn hơn 1 tuần nữa là đến Ngày Bầu cử, hầu như không nhà phân tích nào dám khẳng định rằng tỷ lệ cách biệt nói trên (giữa ông Trump và ông Biden) sẽ mang lại thất bại nặng nề cho đương kim Tổng thống cũng như đảng của ông, vì 3 lý do sau:

Lực lượng cử tri trung thành

Lý do đầu tiên, nền tảng chính trị của ông Trump "tuy hẹp nhưng chắc", tập trung vào các cử tri ở nông thôn và da trắng. Đắc cử tổng thống năm 2016 chỉ với 46,1% phiếu bầu, Trump vẫn không được nhiều người ưa thích trong suốt nhiệm kỳ.

Tuy nhiên, bất chấp đại dịch Covid-19, kinh tế giảm sút, bất ổn sắc tộc, lối hành xử mang tính khiêu khích và bất nhất của Trump, những người ủng hộ trung thành của ông đã giúp ông "ngăn" tỷ lệ tín nhiệm bị giảm xuống dưới mức sàn 42,5%. Đây là kết quả thăm dò trên trang fivethirteight.com hồi cuối tuần trước.

Larry Sabato - Giám đốc Trung tâm Chính trị của trường Đại học Virginia (Mỹ) nhận định: “Ông Trump là tổng thống tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ từ trước đến nay. Chắc chắn các nhà sử học sẽ không phải mất quá 10 phút để tranh luận về điều này. Tuy nhiên, ông ấy thực sự đã phát triển được một nền tảng chính trị vững chắc”.

Theo chuyên gia này, điều này phần lớn là nhờ thực tế rằng đảng Cộng hòa ngày nay đang đồng nhất về ý thức hệ hơn nhiều so với đảng Dân chủ thời ông Carter. Các mối quan hệ còn lại của đảng Dân chủ tại khu vực bảo thủ nhất nước Mỹ đã giúp cựu Thống đốc bang Georgia (Carter) giành chiến thắng vang dội tại các bang miền Nam trong cuộc bầu cử năm 1976.

Tuy nhiên, với một nhiệm kỳ đầy khó khăn, ông đã để mất sự ủng hộ đó, khiến tỷ lệ ủng hộ ông sụt giảm từ 75% trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ xuống còn khoảng một nửa vào mùa Thu năm 1980. Rút cục, trong cuộc bầu cử năm 1980, Carter cũng chỉ "đẩy" tỷ lệ tín nhiệm của ông lên được một chút, thu về 41% phiếu phổ thông.

Sự phân cực và nhân khẩu học

Tình trạng phân cực và thay đổi nhân khẩu học đã khiến một số bang riêng lẻ có sự khác biệt rõ ràng về chính trị so các bang khác. Năm 2000, ông George W. Bush đã giành chiến thắng với cách biệt thấp nhất về số phiếu đại cử tri, trong khi thua về số phiếu phổ thông trước ông Al Gore với 0,5 điểm phần trăm.

Năm 2016, Tổng thống Trump đã giành được nhiều hơn đáng kể về số phiếu đại cử tri, trong khi thua bà Hillary Clinton hơn 2 điểm phần trăm số phiếu phổ thông. Năm nay, diễn biến gay cấn ở các bang chiến địa đồng nghĩa với việc ông Trump sẽ vẫn có cơ hội tái đắc cử cho dù ông thua đối thủ về số phiếu phổ thông.

Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2018, thời điểm ác cảm đối với ông Trump và những chính sách của ông đã mang lại cho đảng Dân chủ một lợi thế tổng thể rõ ràng, đã chứng minh quan điểm này. Đảng Dân chủ đã trỗi dậy trên cả nước để giành lại quyền kiểm soát Hạ viện, nhưng họ đã thất bại trong cuộc đua giành các ghế thống đốc và các ghế ở Thượng viện tại một số bang chiến địa then chốt.

Amy Walter, Biên tập viên mảng nội chính của tờ Báo cáo Chính trị Cook nhận định: “Cho dù dẫn trước với cách biệt 8 điểm trong các cuộc thăm dò trên toàn quốc thì đảng Dân chủ vẫn không đủ khả năng để giành chiến thắng tại bang Ohio hoặc Iowa, và cả Florida”.

Hiện tại, ông Trump đang chiếm ưu thế tại các bang mang tính quyết định đối với cuộc bầu cử, chứ không phải trên quy mô toàn quốc. Hơn nữa, những chiến thắng sít sao của ông Trump tại nhiều bang chiến địa thiên về bảo thủ như Georgia, Iowa và Bắc Carolina có thể giúp hạn chế việc đảng Cộng hòa bị “mất ghế” trong cuộc đua vào Thượng viện.

Hiệu ứng 2016

Lý do thứ ba khiến các nhà phân tích lưỡng lự đưa ra dự đoán về một sự "bùng nổ" của ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden chính là tính chất khó lường của cuộc bầu cử. Việc họ không dự đoán được chiến thắng của ông Trump năm 2016 đã khiến họ không dám tin vào bản năng của mình và kết quả các cuộc thăm dò hiện nay.

Ông Sabato nói: “Mọi người đang bị hội chứng sang chấn tâm lý (PTSD) cách đây 4 năm. Các cuộc thăm dò trên toàn quốc năm 2016 thực sự không có nhiều khác biệt so với kết quả cuối cùng. Thế nhưng, một số cuộc khảo sát tại các bang chiến địa quan trọng đã đánh giá thấp quy mô của khối đại cử tri tầng lớp lao động. Những sai lầm đó, cùng với sự 'bứt tốc' của Trump nhờ những cử tri ra quyết định vào phút chót đã tạo nên chiến thắng 'gây sốc' cho Trump trong Ngày Bầu cử".

Các cuộc thăm dò dư luận năm nay có thể tái diễn kịch bản này. Tất nhiên, chẳng có gì đảm bảo sẽ không xảy ra những sai sót trong việc đánh giá thấp sự ủng hộ hiện tại đối với ông Trump. Trong chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Barack Obama năm 2012, các cuộc thăm dò dư luận đã đánh giá thấp chiến thắng của ông Obama tại các bang trọng yếu.

Bất chấp 3 lý do nêu trên, đại dịch Covid-19 vẫn là nhân tố quan trọng trong năm nay. Biến số khó lường duy nhất là ảnh hưởng của đại dịch đối với các hình thức bỏ phiếu. Một lượng lớn phiếu bầu đã được gửi qua thư và nhiều người đã đích thân đi bỏ phiếu sớm do lo ngại bị lây nhiễm Covid-19 trong Ngày Bầu cử đông đúc.

Kết quả cuộc thăm dò dư luận mới đây cho thấy ông Trump rút cục có thể phải đối mặt với "kịch bản của Jimmy Carter". Dave Wasserman, chuyên gia hàng đầu về các cuộc chạy đua vào Hạ viện, cho rằng các cuộc khảo sát tại các quận có sức cạnh tranh cho thấy ông Trump có thể mất khoảng 8-10 phần trăm điểm.

Ông Wasserman cũng tính toán sự ủng hộ trên quy mô toàn quốc đối với ông Biden và ông Trump trong số các nhóm nhân khẩu học quan trọng, nếu diễn ra ở hầu hết các bang chiến địa, để dự đoán kết quả. Theo đó, ông Biden - giống như ông Reagan cách đây 40 năm - sẽ giành chiến thắng với hơn 400 phiếu đại cử tri.

(theo CNN)