Đối với ứng cử viên Tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton, việc trở thành nữ Tổng thống đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ của bà là một sứ mệnh nhiều khó khăn không kém so với việc ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump. Nhà tỷ phú bất động sản này không có chút kinh nghiệm chính trường nào trước đây.
Trong lịch sử các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ gần đây, không có cặp ứng cử viên nào có phong cách tranh cử tương phản như bà Hilary Clinton và ông Donald Trump. Bà Clinton luôn thể hiện sự lịch lãm và có cách hùng biện điêu luyện. Mọi sáng kiến trong chính sách của bà đều được trình bày một cách rất logic, cân nhắc mọi yếu tố. Ngược lại, ông Trump thường có những điệu bộ thô kệch, phát ngôn thực dụng. Các sáng kiến, chính sách của ông đều được quy thành những bài toàn kinh tế.
Tuy nhiên, hai ứng cử viên này đã lấy được lòng tin từ nhóm cử tri ruột. Cử tri ruột của bà Clinton là giới trí thức. Họ muốn có một vị tổng thống lịch lãm là gương mặt đại diện cho nước Mỹ, Cộng đồng người da màu cũng muốn bà Clinton lên làm tổng thống để được bảo vệ quyền.
Cử tri ruột của ông Trump phần lớn là những người da trắng có học vấn không cao. Họ muốn có một vị tổng thống làm cho nước Mỹ trở lại thời hoàng kim bằng những biện pháp thực dụng.
Gió đổi chiều
Mới chỉ vài tháng trước, không ít ý kiến cho rằng nếu như đảng Cộng hòa đề cử ông Trump thì đó sẽ là "món quà" giành cho bà Clinton. Bởi lẽ trong hơn một năm qua, cựu Ngoại trưởng Mỹ luôn dẫn trước nhà tỷ phú địa ốc với cách biệt có lúc lên tới là 16%.
Ứng cử viên Tổng thống Mỹ đảng Cộng hòa Donald Trump cùng vợ (ngoài cùng bên phải) và các con trong một bữa tiệc ăn mừng chiến thắng ngày 3/5. (Nguồn: Reuters) |
Thế nhưng, bức tranh bầu cử Mỹ đã thay đổi 180 độ. Theo kết quả công bố ngày 29/7 của trang mạng "Real Clear Politics" của Mỹ (chuyên tập hợp các cuộc thăm dò dư luận của các hãng tin, kênh truyền hình, báo lớn của Mỹ về các vấn đề chính trị), lợi thế đang nghiêng về phía ông Trump.
Việc "gió đổi chiều" có lẽ bắt nguồn từ việc nước Mỹ nói riêng và thế giới nói chung đang rơi vào trạng thái hỗn loạn cả về an ninh lẫn kinh tế. Tại Mỹ, các cuộc xả súng liên tiếp xảy ra, mà nghiêm trọng nhất là vụ việc ở thành phố Orlando hồi trung tuần tháng 6, cướp đi sinh mạng của 49 người và khiến 53 người khác bị thương. Về kinh tế, các chỉ số về việc làm, chi tiêu tiêu dùng, lạm phát... vẫn chưa thể thuyết phục được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tiếp tục tăng lãi suất theo lộ trình đề ra hồi tháng 12 năm ngoái. Điều này chứng tỏ sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ vẫn mong manh.
Trong khi đó, trên thế giới, các cuộc chiến tại Trung Đông, Bắc Phi vẫn diễn biến phức tạp, dẫn đến cuộc khủng hoảng người tị nạn nghiêm trọng nhất kể từ Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Dòng người di cư đổ vào châu Âu được cho là nguyên nhân chính gây ra hàng loạt vụ khủng bố đẫm máu tại châu lục này trong thời gian qua.
Giữa một thế giới đầy bất an và bất định, nhiều quốc gia có xu hướng quay trở lại chủ nghĩa biệt lập. Ông Donald Trump với chủ trương "chăm lo cho nước Mỹ rồi mới đến thế giới" nổi lên như một người hùng có thể đem lại sự thay đổi thực sự cho nước Mỹ. Trong khi đó, bà Hillary Clinton lại là hiện thân cho những chính sách mà không ít người cho là đã lỗi thời trong bối cảnh nước Mỹ và thế giới đang đứng trước những thách thức chưa từng có.
Chiến thuật cho chặng đua cuối cùng
Theo như nhiều cuộc khảo sát của truyền thông Mỹ cả trước và sau đại hội của hai đảng, hai ứng cử viên này đều có tỷ lệ cử tri không tán thành cao nhất trong lịch sử các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Như vậy có nghĩa là để dành chiến thắng vào tháng 11 tới, cả hai đều phải thay đổi chiến thuật để cải thiện hình ảnh của mình.
Bà Hillary Clinton tự tin trước Đại hội Toàn quốc đảng Dân chủ tối 26/7. (Nguồn: Reuters) |
Tuy nhiên, theo đánh giá một số chuyên gia, bà Clinton khó có thể thay đổi chiến thuật tranh cử. Về cơ bản, bà không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc duy trì những chiến thuật tranh cử đã áp dụng trong vòng sơ bộ: Tiếp tục bảo vệ và củng cố những chính sách của đương kim Tổng thống Obama và cả của chồng bà, cựu Tổng thống Bill Clinton. Là một cựu đệ nhất phu nhân, cựu thượng nghị sĩ và cựu ngoại trưởng, bà Clinton buộc phải chứng minh những chính sách, những thành tựu bấy lâu của các chính quyền Dân chủ là đúng đắn và cần được phát huy.
Trong khi đó, ông Donald Trump khi đã chính thức trở thành ứng cử viên tổng thống và nắm chắc trong tay sự ủng hộ của các cử tri ruột có thể sẽ bớt những tuyên bố gây sốc. Ông sẽ tập trung công kích bà Clinton, tìm cách đẩy bà phải vào thế phòng thủ. Nói cách khác, có thể ông Trump sẽ biến cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11 tới thành cuộc trưng cầu dân ý về 8 năm cầm quyền của đảng Dân chủ để từ đó thể hiện rằng nước Mỹ cần phải thay đổi. Trong đó, ông là người đem lại sự thay đổi cho nước Mỹ.
Thách thức đối với vị tổng thống tương lai
Mạng tin của Tổ chức phân tích thông tin tình báo "Stratfor" đã từng đăng bức thư ngỏ kêu gọi chủ nhân tương lai của Nhà Trắng tập trung xử lý những thách thức sau:
Trước hết, khôi phục những nền tảng tăng trưởng cho nước Mỹ;
Thứ hai, đổi mới quan hệ với một châu Âu đang ngày càng manh mún do suy thoái kinh tế kéo dài khiến các quốc gia đặt lợi ích của dân tộc mình lên trên lợi ích của toàn khối;
Thứ ba, tiếp tục bù đắp cho những thiếu hụt ngân sách của NATO;
Thứ tư, "làm lành" với Nga vừa để ngăn Moscow tiếp tục khoét sâu những mâu thuẫn trong nội bộ châu Âu vừa để thuyết phục Nga can dự vào những khu vực xung đột mà Mỹ cần sự hợp tác của Nga.
Thứ năm là làm quen với những thay đổi địa chính trị tại Trung Đông giữa lúc những khoảng trống quyền lực tại Syria, Iraq, Libya và Yemen sẽ tạo không gian cho các phần tử thánh chiến hoạt động khủng bố;
Thứ sáu, đảm bảo một chiến lược xoay trục sang châu Á đáng tin cậy giữa lúc những nỗ lực của Trung Quốc nhằm phô trương sức mạnh tại các vùng biển Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương sẽ xung đột với quyết tâm của Mỹ muốn duy trì vị thế thống trị về hải quân tại những vùng biển này.
Bài viết của "Stratfor" kết luận Mỹ có hai đại dương khổng lồ làm vùng đệm và được xây dựng trên một mảnh đất giàu tài nguyên và có dân số đa dạng gồm mọi sắc tộc và tôn giáo trên thế giới. Do đó, Mỹ cần một cấu trúc liên minh mạnh hơn nếu như họ muốn gìn giữ những sức mạnh trong nước. Dù có tán thành chính sách "Nước Mỹ là trên hết" hay chiến lược cô lập nhiều hơn thì nước Mỹ vẫn sẽ không thể rũ bỏ những trách nhiệm của mình. Hay nói cách khác, quốc gia n khó có thể "đập đi xây lại" những nền tảng chính sách của mình.