📞

Bầu cử ở Thái Lan: Một mốc chính trị lịch sử phơi bày thực trạng

08:55 | 30/03/2019
Chính quyền quân sự trong 5 năm qua đã vãn hồi được cơ bản ổn định chính trị và an ninh xã hội ở Thái Lan, tăng trưởng kinh tế chưa phục hồi nhưng đất nước không còn hỗn loạn.  

Đại sứ Trần Đức Mậu

Nếu coi tổng tuyển cử để chấm dứt trên danh nghĩa thời kỳ giới quân sự cầm quyền và coi việc cử tri đi bầu cử quốc hội là bằng chứng cho tính hợp pháp hợp hiến của chính phủ rồi được thành lập trên cơ sở kết quả cuộc bầu cử quốc hội ấy là một dấu mốc lịch sử đối với Thái Lan thì cuộc bầu cử quốc hội ngày 24.3 vừa qua là một dấu mốc lịch sử mới ở xứ này.

Năm ngày sau ngày bầu cử, kết quả bầu cử sơ bộ mới được công bố và phải sau nhiều ngày hơn thế nữa thì thiên hạ mới biết kết quả bầu cử chính thức cuối cùng. Chỉ như thế thôi cũng đã đủ để thấy là nếu có nảy sinh về không bình thường gì đấy ở việc kiểm phiếu thì cũng không khó hiểu và không lạ.

Dễ vẫn như cũ, khó có thể mới

Lần đầu tiên kể từ năm 2011 và 5 năm từ sau khi giới quân sự tiến hành đảo chính - như rất nhiều lần trước đấy trong lịch sử đất nước này - lật đổ chính phủ dân sự dân cử để trực tiếp nhiếp chính cũng như sau tận 6 lần trì hoãn mới lại có tổng tuyển cử ở Thái Lan.

Cuộc bầu cử này lại còn được tiến hành trên nền tảng hiến pháp mới do chính quyền quân sự soạn thảo và cho thông qua.

Chỉ như thế thôi cũng đủ để cho thấy chính quyền hiện tại đã chuẩn bị chu đáo và kín kẽ để không chỉ không bị mất đi vị thế cầm quyền nắm giữ từ 5 năm nay mà còn có được sự hợp pháp hoá quyền lực ấy bằng lá phiếu bầu của cử tri theo kiểu "khi xưa lên cầm quyền bằng đảo chính quân sự nhưng từ giờ tiếp tục cầm quyền bằng sự tín nhiệm thể hiện qua phiếu bầu của cử tri".

Chính quyền của Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha trong 5 năm qua đã vãn hồi được cơ bản ổn định chính trị và an ninh xã hội ở Thái Lan, tăng trưởng kinh tế chưa phục hồi nhưng đất nước không còn hỗn loạn.

Không phải như thế hay sao khi theo hiến pháp mới thì người đứng đầu chính phủ mới không cứ nhất thiết thuộc về phe cánh chính trị chiếm đa số trong hạ viện bao gồm 500 ghế dân biểu mà được bầu từ 500 vị dân biểu này và 250 thành viên của thượng viện, tức là phải giành về được ít nhất 376 phiếu bầu.

Cuộc tổng tuyển cử này chỉ bầu 500 dân biểu của hạ viên trong khi tất cả 250 vị ở thượng viện đều do giới quân sự cử ra.

Phe chính phủ hiện tại chỉ cần giành được 126 ghế trong hạ viện là có thể tiếp tục cầm quyền trong khi muốn hạ bệ chính phủ của phe giới quân sự thì phe đối lập phải có được ít nhất 376 ghế trong hạ viện.

Không phải như thế hay sao khi trước cuộc bầu cử quốc hội không phải ai khác ngoài tư lệnh quân đội Thái Lan công khai tuyên bố quân đội lại thể hiện vai trò như đã từng rất nhiều lần thể hiện trong lịch sử đất nước này.

Cho nên ở Thái Lan giờ chỉ có 3 kịch bản có thể xảy ra tới đây. Thứ nhất là đảng Palang Pracharath thân giới quân sự giành được ít nhất 126 ghế và chính phủ mới vẫn là chính phủ cũ trong thực chất.

Thứ hai là đảng này không giành về được 126 ghế nhưng lôi kéo được đảng nhỏ nào đấy thành lập chính phủ liên hiệp và chính phủ mới không khác chính phủ cũ đáng kể gì trong thực chất.

Thứ ba là đảng này không thành lập được chính phủ liên hiệp mà phe đối lập không gom đủ ít nhất 376 ghế trong hạ viện để chắc chắn thành lập chính phủ mới.

Ở trường hợp này, chính phủ cũ tiếp tục cầm quyền với thiểu số trong lưỡng viện lập pháp. Cái mới và khác duy nhất xem ra chỉ có thể là phe cánh của giới quân sự không có được đa số đủ để kiểm soát hạ viện. Vì thế, chính phủ mới mà cũ của phe cánh giới quân sự sẽ gặp khó khăn chứ không dễ dàng như trước trong cầm quyền.

Chính quyền của giới quân sự trong 5 năm qua đã vãn hồi được cơ bản ổn định chính trị và an ninh xã hội ở Thái Lan, tăng trưởng kinh tế chưa phục hồi nhưng đất nước không còn hỗn loạn.

Nhưng chính quyền này chưa thành công với việc khắc phục sự phân rẽ sâu sắc và trầm trọng trên chính trường cũng như trong nội bộ xã hội ở Thái Lan, sự phân hoá giữa các giai tầng dân trong xã hội và giữa các vùng miền của đất nước mà chính sự phân rẽ và phân hoá này mới là nguyên nhân cốt lõi sâu xa của những cuộc khủng hoảng chính trị, quyền lực, an ninh, ổn định và phát triển kể từ nhiều thập kỷ nay ở Thái Lan.

Cuộc bầu cử này đã phơi bày rất rõ thực trạng đấy. Cho nên cuộc bầu cử quốc hội này đúng là dấu mốc chính trị lịch sử mới đối với Thái Lan nhưng ở phía bên kia của dấu mốc ấy có thật sự là giai đoạn lịch sử mới không cho xứ này lại là chuyện hoàn toàn khác và câu hỏi hiện chưa thể được trả lời.

(Theo Trí Thức Trẻ)