Trong vòng 2 cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa Pháp hôm 27/11 vừa qua, với 67% số phiếu ủng hộ, cựu Thủ tướng Francois Fillon đã giành chiến thắng áp đảo trước ông Alain Juppé.
Cách đây chưa lâu, không ai ngờ là kết quả nói trên có thể xảy ra. Bởi lẽ, nhiều người kỳ vọng ông Juppé, đương kim Thị trưởng Bordeux và nguyên là Thủ tướng Pháp thời Tổng thống Jacques Chirac, sẽ là người về đầu trong cuộc bầu cử sơ bộ. Tuy nhiên, ông Fillon đã bất ngờ nổi lên là một ứng viên sáng giá khi giành tới 44% số phiếu bầu trong vòng 1 và tiếp tục giành chiến thắng thuyết phục ở vòng 2.
Cựu Thủ tướng Pháp Francois Fillon. (Nguồn: Assemblée Martinique) |
Các ứng viên tiềm năng
Đối với nhiều nhà quan sát, kết quả bỏ phiếu sơ bộ ở Pháp có phần nào giống với việc Anh trưng cầu ý dân rời Liên minh châu Âu (EU) hay chiến thắng của tỷ phú Donald Trump ở Mỹ. Các cuộc điều tra dư luận về ông Fillon đã không chính xác, khi nhiều cử tri dường như chỉ đưa ra quyết định ngay trước ngày bỏ phiếu. Bên cạnh đó, các phương tiện truyền thông xã hội cũng đóng vai trò quan trọng. Thông qua các cuộc tranh luận trực tiếp ngay trước thềm bầu cử, ông Fillon mới được dư luận đánh giá là một nhân vật có thể thay thế ông Juppé.
Hiện nay, câu hỏi đặt ra là liệu ông Fillon có thể đánh bại bà Marine Le Pen, lãnh đạo đảng cánh hữu Mặt trận Dân tộc, trong kỳ bầu cử toàn quốc vào mùa Xuân năm nay hay không? Ông Juppé được xem là một nhà lãnh đạo mềm mỏng và theo cánh tả. Trong khi đó, ông Fillon lại là một người có xu hướng theo cánh hữu, đồng nghĩa với việc các cử tri thiên tả sẽ không thấy nhiều khác biệt giữa ông này và bà Le Pen. Trong trường hợp đó, có thể cử tri Pháp sẽ ủng hộ một nhân vật theo đường lối trung dung.
Một nhân vật trung dung đang được nói đến nhiều là ông Emmanuel Macron, người tuyên bố sẽ ra tranh cử nhưng từ chối tham gia vòng bầu cử sơ bộ của đảng Xã hội vào tháng 1/2017. Tuy nhiên, nếu không có sự ủng hộ của một đảng phái chính trị, ông Macron sẽ khó lòng tập hợp sự ủng hộ của cử tri để giành chiến thắng. Bên cạnh đó, trên cương vị là Bộ trưởng Kinh tế dưới thời Tổng thống Hollande, ông Macron có thể sẽ gặp phải sự phản đối của những người dân có quan điểm chống tầng lớp tinh hoa, chống EU.
Bên cạnh ông Macron, phe cánh tả đang cố gắng để chọn ra các ứng cử viên tiềm năng khác. Tổng thống đương nhiệm Hollande vừa tuyên bố sẽ không tái tranh cử, trong khi Thủ tướng Manuel Valls cũng tuyên bố sẽ bước vào cuộc đua nhưng tỷ lệ ủng hộ của ông chỉ ở mức 9%. Thực tế này khiến phe cánh tả có lẽ chỉ còn trông chờ vào cựu Bộ trưởng Giáo dục Jean-Luc Melenchon và cựu Bộ trưởng Cải cách công nghiệp Arnauld Montebourg.
Trong trường hợp không ứng cử viên nào của phe cánh tả lọt vào vòng bầu cử quốc gia, các cử tri cánh tả có thể sẽ bỏ phiếu cho “liên minh Cộng hòa” như họ đã làm hồi năm 2002, khi ông Jacques Chirac giành chiến thắng trước ông Jean-Marie Le Pen, cha của bà Marine Le Pen. Các cử tri cánh tả ủng hộ ông Juppé hơn, song có lẽ họ cũng sẽ bầu cho ông Fillon. Tuy nhiên, số cử tri này chỉ chiếm 15% tổng số cử tri trên toàn nước Pháp nên ảnh hưởng của họ trong cuộc bầu cử năm 2017 sẽ khác so với năm 2002.
Đợi kết quả cuối cùng
Nền tảng chính trị của ông Fillon dựa trên sự ủng hộ của những người Công giáo ở các tỉnh lẻ - những người đóng vai trò quan trọng trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa vừa qua. Những người ủng hộ ông Fillon tỏ ra rất kiên quyết trong việc phản đối hôn nhân đồng tính, và ông Fillon - một người Công giáo thuần thành và có tư tưởng bảo thủ - trở thành một ứng viên được yêu thích. Về phần mình, mặc dù Fillon không muốn hủy bỏ quyền kết hôn của những người đồng tính nhưng ông phản đối quyền được nhận con nuôi của những người này.
Ông Francois Fillon gặp những người ủng hộ ở Mortagne Au Perche. (Nguồn: Getty Images) |
Về mặt địa lý, ông Fillon giành chiến thắng tại hầu hết tất cả các khu vực - bao gồm cả vùng Provence-Alpes-Côte d’Azur (PACA) ở miền Nam, ngoại trừ “thành trì” Bordeaux của ông Juppé. Tuy nhiên, PACA cũng là một “cứ điểm” của đảng Mặt trận Dân tộc, đồng nghĩa với việc ông Fillon phải cạnh tranh với bà Le Pen tại đây.
Trên thực tế, ông Fillon cũng có nhiều điểm khác biệt so với bà Le Pen. Trong khi Fillon là một người chủ trương tự do hóa kinh tế và có quan điểm được ví là “Margaret Thatcher của nước Pháp”, bà Le Pen lại đi theo chủ nghĩa bảo hộ. Và trong khi ông Fillon muốn cắt giảm số lượng công chức xuống còn 500.000 người, Le Pen lại không muốn điều này.
Về phần mình, ông Fillon được dự báo sẽ giành số phiếu ủng hộ tương đương bà Le Pen. Dù vậy, ông có thêm lợi thế là những quan điểm Thiên chúa giáo truyền thống vẫn được nhiều cử tri ủng hộ. Trên thực tế, Giáo hội cũng muốn kéo giáo dân ra khỏi ảnh hưởng của đảng Mặt trận Dân tộc và hướng về những khuôn khổ truyền thống. Ngoài ra, ông Fillon cũng có thể nhận được sự ủng hộ của các tổ chức cực hữu bởi trong vòng bầu cử sơ bộ vừa qua, vị cựu Thủ tướng đã tuyên bố sẽ cấm “burkini” - loại áo tắm che kín toàn bộ cơ thể dành cho người Hồi giáo.
Các cuộc điều tra dư luận cho thấy lợi thế đang nghiêng về ông Fillon. Tuy nhiên, những cử tri cánh tả, những người không ủng hộ chính sách kinh tế tự do và sự bảo thủ xã hội của ông Fillon, có thể sẽ chọn cách ngồi ở nhà hơn là đi bầu cho ông này. Thời gian qua, khi các cuộc điều tra dư luận ở Anh, Mỹ liên tục bộc lộ sự thiếu chính xác, dường như không còn mấy ai tin vào những kết quả điều tra cho đến khi kết quả cuối cùng được công bố.