📞

Bầu cử Thổ Nhĩ Kỳ: Ông Erdogan đi vào lịch sử

15:00 | 30/06/2018
Nhà lãnh đạo 64 tuổi đã trở thành vị Tổng thống quyền lực nhất trong lịch sử quốc gia.

Ngày 24/6, ông Tayyip Erdogan đã chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống với số phiếu áp đảo (52,4%) so với ứng cử viên thứ hai Muharrem Ince (30,6%). Ở một “mặt trận” khác, đảng cầm quyền Công lý và Phát triển (AKP) của ông cũng giành tới 42% phiếu bầu, đồng minh MHP có 11%. Đảng đối lập CHP có 23% phiếu bầu trong khi đảng ủng hộ người Kurd HDP có 11% số phiếu, vừa đủ để có mặt tại quốc hội.

Trong bài phát biểu ăn mừng trước những người ủng hộ ngày 25/6, ông khẳng định: “Quốc gia đã đặt niềm tin vào tôi trên cương vị Tổng thống và đặt niềm tin rất lớn cho chúng ta với tư cách là những người lập pháp”. Ngay sau khi kết quả được công bố, đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng 1% so với đồng USD trong phiên giao dịch sớm ngày 25/6.

Nhà lãnh đạo 64 tuổi đã nắm quyền trong 15 năm, với 11 năm Thủ tướng và 4 năm Tổng thống. Trong khoảng thời gian này, thông qua những vận động thay đổi Hiến pháp thành công ông đã xóa bỏ chức Thủ tướng và đưa Tổng thống thành vị trí lãnh đạo tối cao của Thổ Nhĩ Kỳ, với quyền lực tập trung như trực tiếp bổ nhiệm các quan chức cấp cao hay can thiệp vào hệ thống luật pháp.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan phát biểu sau kết quả không chính thức của cuộc bầu cử ngày 24/6 (Nguồn: Getty Images)

Dường như ông Erdogan đã tính toán rất kĩ khi tổ chức bầu cử sớm nhằm tận dụng tỷ lệ ủng hộ, tái đắc cử trên cương vị Tổng thống mới để tận dụng những quyền hạn vừa được sửa đổi trong Hiến pháp. Cũng theo văn bản này, nếu hoàn thành nhiệm kỳ 2018 - 2023 sắp tới, ông Erdogan có thể ra tranh cử và tiếp tục nắm quyền tới năm 2028.

Với quyền lực tuyệt đối như vậy, chẳng có gì lạ khi nhiều người ủng hộ gọi ông là “Superdogan”, ăn theo bộ trò chơi điện tử Super Mario đình đám của Nintendo. Nếu chàng thợ sửa ống nước Mario luôn cố gắng giải cứu công chúa Peach, thì Superdogan cũng “cứu” Ankarra theo những cách riêng của mình.

Đầu tiên, ông đưa việc dạy và học sách Hồi giáo vào chương trình giáo dục bắt buộc tại các trường công. Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia theo chủ nghĩa thế tục, song phần lớn cư dân của quốc gia này theo đạo Hồi. Do đó, chính sách giáo dục của ông đã nhận được nhiều ủng hộ từ những người trung hữu theo đạo Hồi trong đảng AKP.

Thứ hai, ông cũng tiến hành nhiều cải cách kinh tế mạnh mẽ. Trong giai đoạn 2002 - 2006, kể từ khi AKP lên nắm quyền, nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng trưởng vượt bậc, đạt mức 7.2%/năm. Điều kỳ diệu này đã không được duy trì trong thời gian qua, song theo ông Kemal Kirisci, Giám đốc Viện Nghiên cứu Brookings phụ trách Dự án Thổ Nhĩ Kỳ, thành công năm ấy vẫn khiến ông Erdogan được người dân đánh giá cao khi nhắc về cải tổ kinh tế.

Cuối cùng, Tổng thống Erdogan có lập trường rất cứng rắn về vấn đề chống khủng bố, đồng thời tin rằng cần có một Chính phủ Trung ương mạnh mẽ để bảo vệ đất nước khỏi âm mưu của thế lực khủng bố. Theo ông, khó khăn đang bủa vây Ankarra và đất nước cần một người nhà lãnh đạo có tâm, đủ tầm để vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển. Kết quả bầu cử ngày 24/6 vừa qua đã cho thấy quyết định của người dân Thổ và họ sẽ có ít nhất là bốn năm để kiểm chứng cho sự lựa chọn của mình.