📞

Bầu cử Tổng thống Indonesia: Trong cuộc đua song mã vào vị trí Tổng thống, lịch sử có lặp lại với ông Joko Widodo?

Minh Quân 10:34 | 18/04/2019
Bầu cử Tổng thống Indonesia - Cuộc đua song mã tới vị trí người đứng đầu Indonesia giữa Tổng thống Joko Widodo và Tướng Prabowo Subianto đã tái hiện, song liệu đương kim Tổng thống có thể một lần nữa hiên ngang trong tư thế người chiến thắng? Bình luận của Báo Thế giới và Việt Nam.

Trong bầu cử Tổng thống Indonesia vào năm 2014, sau khi ông Joko Widodo giành chiến thắng, hình ảnh của ông đã ngay lập tức xuất hiện trên bìa Tạp chí Time nổi tiếng với tựa đề: “Một Hy vọng mới”. Từ chủ doanh nghiệp nội thất, thị trưởng một thị trấn nhỏ, lãnh đạo Thủ đô Indonesia vươn tới vị trí người đứng đầu quốc gia có số người Hồi giáo đông nhất thế giới, hành trình của “Obama của Indonesia” đã truyền cảm hứng cho không ít người. Niềm cảm hứng đó đã ít nhiều được duy trì và lan tỏa trong chính sách đối nội của nhà lãnh đạo này.

Khoảng trống khó lấp

Theo Cơ quan Thống kê Trung ương Indonesia, tính riêng trong quý IV/2018, nền kinh tế nước này đã đạt mức tăng trưởng 5,18%, đưa tốc độ tăng trưởng cả năm đạt 5,17%, cao nhất trong vòng 5 năm qua. Mức thâm hụt ngân sách năm vừa qua chỉ ở mức 1,72% GDP, thấp nhất kể từ năm 2012, với thặng dư ngân sách đạt 283,25 triệu USD.

Tổng thống Joko Widodo (trái) và cựu Tướng quân đội Prabowo Subianto (phải) trong chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống năm 2019. (Nguồn: AP)

Thêm vào đó, kể từ năm 2014, ông Widodo đã thúc đẩy việc xây dựng và kết nối cơ sở hạ tầng giữa các hòn đảo với hàng nghìn km đường, hàng chục sân bay và nhiều cầu, cảng biển. Chính sách bảo hiểm xã hội và phổ cập giáo dục cho người nghèo được chú trọng.

Tuy nhiên, thành tựu phát triển kinh tế - xã hội ấn tượng đó chưa thể san lấp những khoảng trống còn tồn tại trong nền chính trị và xã hội Indonesia. Việc đảm nhiệm vai trò Tổng thống trong một Chính phủ thiểu số buộc ông Widodo phải nhượng bộ và “kết nạp” một số thành viên của phe quân đội, vốn ít được lòng dân chúng. Hồi tháng Ba, một giáo sư xã hội học đã bị bắt giữ vì lên tiếng phản đối kế hoạch đưa các tướng lĩnh tham gia các thể chế dân sự của Chính phủ.

Ngoài ra, Hồi giáo tiếp tục đóng một vai trò quan trọng, chi phối các chính sách lớn của Jakarta. Điều này ít nhiều thể hiện qua phát ngôn gây tranh cãi của Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu khi cho rằng cộng đồng LGBT là mối đe dọa “nguy hiểm hơn chiến tranh hạt nhân”. Những khoảng trống này rất có thể là cơ hội để ông Prabowo “lật ngược thế cờ”.

Phương trình Trung Quốc

Song điều thực sự làm nên sự khác biệt giữa ông Widodo và ông Prabowo lại nằm ở lập trường của họ đối với hiện diện của Trung Quốc tại Indonesia.

Các cử tri Indonesia xếp hàng bỏ phiếu tại Bali. (Nguồn: AP)

Trong thời gian cầm quyền, Tổng thống Joko Widodo lại luôn dang rộng vòng tay chào đón các khoản đầu tư lớn từ Trung Quốc, nhằm thúc đẩy những dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, vốn là trọng tâm trong chính sách của nhà lãnh đạo này. Trong số đó có không ít dự án gây tranh cãi như đường sắt tốc độ cao, tiêu tốn nhiều tỷ USD kết nối Jakarta và thành phố Bandung ở đảo Java, hay các nhà máy điện địa phương. Tại cuộc tranh luận trên truyền hình ngày 13/4, ông Widodo cho rằng Indonesia sẽ “không thể xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh mà không có cơ sở hạ tầng cần thiết”.

Ngược lại, theo chuyên gia về Đông Nam Á thuộc Tập đoàn quản lý rủi ro Eurasia Peter Mumford, trong chiến dịch tranh cử, đối thủ của ông Widodo, vị cựu tướng lĩnh từng phục vụ dưới thời cố Tổng thống Suharto đã nhiều lần chỉ trích và cáo buộc đầu tư của Trung Quốc là nguyên nhân dẫn đến những vấn đề mà Indonesia đang phải đối mặt hiện nay.

Ông cho rằng các thỏa thuận giữa Jakarta và các doanh nghiệp của Trung Quốc là không công bằng, nhượng bộ quá nhiều lợi ích quốc gia để đổi lấy các khoản đầu tư, để lại những khoản nợ khổng lồ nhưng lại không mang đến nhiều việc làm cho người dân. Theo cựu Tướng Prabowo, Indonesia dưới thời ông Widodo “không sản xuất bất cứ một thứ gì, mà chỉ tiếp nhận sản phẩm từ các quốc gia khác” và cam kết sẽ thay đổi điều này, tương tự như cách mà Thủ tướng láng giềng Malaysia Mohammad Mahathir đã làm. Trong 4 năm qua, tỷ lệ ủng hộ Trung Quốc của người dân Indonesia đã sụt giảm, từ mức 66% xuống chỉ còn 53%. Đây lại là khoảng trống nữa mà ông Prabowo có thể tận dụng nhằm giành thêm lá phiếu.

Lịch sử và hiện tại đang ủng hộ ông Widodo. 5 năm trước, ông Joko Widodo, khi đó là Thị trưởng Jakarta, đã giành chiến thắng sát nút với tỷ lệ ủng hộ là 53,15%, so với cựu Tướng Prabowo Subianto (46,85%). 5 năm sau, đương kim Tổng thống cũng đang có lợi thế lớn khi dẫn trước đối thủ cũ của mình tới 20 điểm theo điều tra dư luận trước thềm bầu cử. Tuy nhiên, trên chính trường, điều gì cũng có thể xảy ra và cơ hội vẫn còn đó với cựu Tướng Prabowo Subianto, khi sự ủng hộ dành cho ông Joko Widodo đã không còn là tuyệt đối.

Cuộc đua song mã giữa hai chính trị gia hàng đầu tại Indonesia, bởi vậy, sẽ một lần nữa gay cấn cho đến khi kết quả bầu cử được công bố.

Đôi nét về cuộc bầu cử Indonesia năm 2019

Cuộc bầu cử Tổng thống, Phó Tổng thống và Hội nghị Hiệp thương Nhân dân (MPR) diễn ra trong cùng ngày 17/4.

Ước tính có xấp xỉ 192 triệu người dân Indonesia đi bỏ phiếu. Mỗi cử tri sẽ phải đưa ra 5 lá phiếu để bầu Tổng thống, Phó Tổng thống, đại diện tại cơ quan lập pháp khu vực và quốc gia.

350.000 cảnh sát, binh sĩ cùng 1,6 triệu dân quân sẽ được điều động để bảo đảm an toàn cho người dân thực hiện quyền công dân của mình.

Kết quả kiểm phiếu không chính thức sẽ được công bố vào cuối ngày 17/4, song kết quả cuối cùng sẽ chỉ được công bố trong tháng 5.

Nếu có bất kỳ tranh cãi nào về kết quả bầu cử, Tòa án Hiến pháp sẽ có 14 ngày để ra phán quyết.