Một cử tri Nga đang nghiên cứu các ứng viên cho cuộc bầu cử Tổng thống Nga sắp tới. |
Yevgeniya Chirikova, lãnh đạo phong trào chống đối, cho rằng đây rõ ràng là một động thái tranh cử nhằm gây “thêm sự chú ý vào ông Putin và phổ biến ý tưởng là có sự nguy hiểm tồn tại khắp mọi nơi”. Thực tế, nguy cơ bất ổn liên quan đến Chechnya đã từng tạo cơ sở cho ông Putin chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2000, khi ông xây dựng hình ảnh của mình như một nhà lãnh đạo thời chiến.
Tuy nhiên, dựa trên kết quả thăm dò dư luận mới nhất về bầu cử Nga, có thể nói rằng ông Putin không cần thiết phải “tạo ra” những kẻ âm mưu giết người như vậy. Trong năm 2011, chỉ số tín nhiệm của ông Putin liên tục giảm, và mức thấp nhất là vào giữa tháng 11/2011 với 42% người ủng hộ, thế nhưng, vào đầu năm 2012, chỉ số tín nhiệm của ông Putin bắt đầu tăng trở lại. Ngày 4/2, số người ủng hộ ông là 47%, ngày 9/2 tăng lên 54%. Trong khi đó, chỉ số tín nhiệm của các ứng viên khác ít biến động và thấp hơn rất nhiều so với ông Putin, chỉ ở mức 10% trở xuống. Dù hiện tại phe đối lập đã thành công trong việc lôi kéo hàng chục nghìn người nhiều lần tổ chức xuống đường phản đối Thủ tướng Vladimir Putin, nhưng hiện tại ông vẫn là ứng cử viên sáng giá nhất.
Trong bối cảnh thế giới đầy bất ổn – khủng hoảng tài chính Mỹ, nợ công châu Âu, bất ổn chính trị Trung Đông – Bắc Phi, người Nga càng khó quên vai trò của “người hùng Putin” đã kéo nước Nga ra khỏi bờ vực của sụp đổ thời hậu Xô viết và giúp nước này phần nào lấy lại được vị thế của mình trên trường quốc tế. Mấy năm gần đây, Nga đã tương đối thành công trong việc giành lại ảnh hưởng ở nhiều quốc gia thuộc Liên Xô cũ. Điều này mang lại sức mạnh cho Nga trên nhiều mặt trận rộng lớn hơn, đặc biệt là ở Trung Âu, nơi Mỹ đã thiết lập được địa vị thống trị. Mỹ và các nước lớn không thể không tính đến Nga nếu muốn giải quyết các vấn đề điểm nóng trên thế giới, như Iran, Syria, Triều Tiên…
Trong khi đó, bất chấp việc các thủ lĩnh đối lập hô hào ủng hộ dân chủ, tự do và tiến bộ, nhưng trên thực tế, mỗi người trong số họ lại là một ví dụ trái ngược nhau. Họ cũng sẽ không bao giờ thỏa thuận được với nhau, bởi đã 20 năm nay họ không có khả năng đó. Thực tế, ông Putin là người duy nhất trong cuộc bầu cử này có chương trình tranh cử cụ thể và chỉ ông Putin mới có thể thực hiện chương trình đó. Ngay cả phe đối lập cũng phải thừa nhận điều này.
Gần ngày bầu cử, ông Putin đã tuyên bố chương trình củng cố sức mạnh quân sự Nga “chưa từng có” với khoản đầu tư hơn 770 tỷ USD trong thập kỷ tới. Tuy nhiên, liệu khả năng tài chính hạn chế có giúp Nga hiện thực hóa kế hoạch này và cạnh tranh được với sức mạnh quân sự của Mỹ hay không. Đấy là chưa kể mối quan hệ căng thẳng với Mỹ cũng như các xung đột tiềm tàng với phương Tây và những nước láng giềng không thân thiện với Nga như Gruzia và Estonia.
Nước Nga ngày nay khác với 4 năm trước đây, với nhiều thay đổi về chính trị và xã hội khi nước này bước sang một giai đoạn mới, hiện những cuộc biểu tình phản đối ông Putin lên đến cả trăm ngàn người… Song việc ông Putin tự so sánh mình với Kaa, con trăn khổng lồ có thuật thôi miên từ Truyện Rừng xanh của R.Kipling và ví phe đối lập là những chú khỉ, đã cho thấy sự tự tin cũng như bản lĩnh, tâm thế của một nhà lãnh đạo lớn sẵn sàng đương đầu với phong ba bão táp. Còn nhớ ông Putin từng bị từ chối vào KGB vì cơ quan này chỉ nhận những người học luật, nên ông đã theo học luật quốc tế tại Đại học Quốc gia Leningrad để rồi sau khi tốt nghiệp đã được nhận vào KGB. Hiến pháp Nga không cho phép Tổng thống nắm quyền 3 nhiệm kỳ liên tiếp thì ông “đổi ngôi” với ông Medvedev để làm Thủ tướng rồi sắp tới rất có thể sẽ đàng hoàng quay trở lại vị trí này và thậm chí còn được đự đoán sẽ nắm quyền thêm 2 nhiệm kỳ kéo dài trong 12 năm tiếp theo.
Lâm An