Ngày 14/4 vừa qua, ứng cử viên tổng thống Pháp thuộc đảng cực hữu Tập hợp quốc gia (RN), bà Marine Le Pen, đã có buổi gặp gỡ cử tri tại thành phố Avignon, nơi đa số cử tri lại bỏ phiếu cho đảng đối lập cực tả trong vòng đầu tiên.
Theo Washington Post, mục tiêu của buổi gặp gỡ này, bà Le Pen muốn thể hiện mình là một chính trị gia ôn hòa hơn và có sức hấp dẫn hơn trước các cử tri.
Ứng cử viên Tổng thống Pháp Marine Le Pen trong buổi gặp gỡ cử tri tại thành phố Avignon. (Nguồn: AP) |
Bà Marine Le Pen, 53 tuổi, hiện là đại biểu Quốc hội Pháp đại diện cho Calais, thành phố nằm trên bờ biển gần Vương quốc Anh, nơi phải vật lộn để đối phó với tình trạng người di cư đến Anh.
Bà được biết đến nhiều nhất với tư cách là một thành viên trong gia đình cánh hữu đầu tiên ở Pháp. Cha bà là ông Jean-Marie Le Pen, người đã thành lập đảng Mặt trận quốc gia (FN) vào năm 1972, một đảng chính trị mang nặng tư tưởng dân túy cánh hữu và chủ nghĩa dân tộc.
Vào năm 2011, bà Marine Le Pen lên thay thế cha mình làm lãnh đạo đảng, cùng với đó tiến hành điều chỉnh nội bộ để hình ảnh của đảng FN trở nên chính thống và bớt cực đoan hơn, trong đó có việc đổi tên đảng Mặt trận quốc gia (FN) thành đảng Tập hợp quốc gia (RN) vào năm 2018.
Thay đổi về chính sách
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống Pháp năm 2017, bà Le Pen cố gắng định vị mình như một Donald Trump của Pháp. Bà tuyên bố đại diện cho các tầng lớp lao động Pháp bị lãng quên, những người đã phải gánh chịu hậu quả của toàn cầu hóa và tiến bộ công nghệ.
Bà cũng có những lập trường theo lối chủ nghĩa dân tộc về kinh tế, cùng chủ nghĩa hoài nghi châu Âu, quan điểm riêng về người nhập cư và người Hồi giáo ở Pháp... đã làm mất lòng các cử tri nước này. Kết quả là, bà Le Pen đã thua trong cuộc đua trước Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron.
Trái ngược lần bầu cử trước, năm nay, bà Marine Le Pen đã bước qua giới hạn của bản thân và thể hiện mình là một chính trị gia ôn hòa hơn, nhấn mạnh các vấn đề kinh tế và gợi ý rằng, bà muốn thay đổi hệ thống chính trị Pháp từ bên trong và không mong muốn thổi bùng những bất ổn.
Thay vì kêu gọi giảm mạnh lượng người nhập cư vào Pháp như 5 năm trước, giờ đây bà muốn tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề này. Điều này giúp đề xuất của bà ít bị công kích hơn, trước làn sóng thách thức pháp lý.
Bà Le Pen cũng ngừng nói về việc từ bỏ đồng Euro hoặc đưa Pháp rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Nhưng vị ứng cử viên cánh hữu vẫn muốn chấm dứt sự ưu việt của EU. Chẳng hạn như luật ưu tiên về việc làm đối với các công dân Pháp, mặc cho yêu cầu của liên minh rằng, tất cả công dân EU phải được đối xử bình đẳng.
Tại cuộc gặp gỡ cử tri ở thành phố Avignon, ngày 14/4, bà Le Pen đã hứa với các cử tri rằng, Pháp sẽ trở thành một “cường quốc hòa bình” toàn cầu. Đồng thời, nếu trở thành Tổng thống Pháp, ứng viên cực hữu này sẽ kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mở rộng số lượng thành viên thường trực, bao gồm Ấn Độ và một nước châu Phi.
Đây khó có thể là bài phát biểu mà người ta mong đợi từ một trong những nhà lãnh đạo cực hữu nổi tiếng nhất ở châu Âu. Tuy nhiên, về mặt chiến lược, động thái của bà Le Pen được coi là cần thiết để thu hút đáng kể lượng người ủng hộ.
Trong những tuần trước khi diễn ra vòng đầu tiên của cuộc bầu cử, bà Marine Le Pen đã tập trung vận động và đưa ra những chính sách để đối phó với lạm phát và giá nhiên liệu tăng. Đây đều những vấn đề quan tâm hàng đầu của công chúng Pháp lúc này.
Bà Marine Le Pen nhận được nhiều ủng hộ của những người có thu nhập thấp. (Nguồn: AP) |
Những tín hiệu tích cực
Theo đài CNN, tỷ lệ phiếu bầu dành cho bà Marine Le Pen trong vòng 1 vừa qua tốt hơn 5 năm trước. Số người Pháp nói rằng, họ sẽ không bao giờ bỏ phiếu cho bà Le Pen đã giảm 10% so với hồi năm 2017.
Ông Bruno Décoret, một cử tri 74 tuổi, không ủng hộ ông Macron mà cho rằng: “Hiện tại, bà Marine Le Pen là phương thuốc duy nhất của chúng tôi.”
Phát biểu trên tờ Le Parisien hôm 11/4, ông Jean-Marie Le Pen tin con gái ông sẽ là "tổng thống tương lai của nước Cộng hòa", mặc dù các cuộc thăm dò đều cho thấy, kết quả nghiêng về ông Macron - tái cử với tỷ lệ ủng hộ ở vòng 2 là 54% so với 46% của bà Le Pen.
Phía bà Le Pen thì muốn tranh thủ phiếu bầu của những người có thu nhập thấp. Khi tranh cử, bà Le Pen tuyên bố muốn ngăn chặn việc tăng giá bằng cách bãi bỏ thuế VAT đối với thực phẩm và xăng dầu, hạ tuổi nghỉ hưu xuống 60 tuổi. Các vấn đề kinh tế-xã hội tồn tại dai dẳng đã khiến nhiều cử tri bỏ phiếu cho bà Le Pen dù không tán thành đường lối cực hữu.
Tuy nhiên, bà Le Pen rất có thể gặp phải một số rào cản liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine. Từ lâu, nữ lãnh đạo cực hữu của đảng RN được biết là có mối quan hệ thân thiết với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Bà cũng đã đến Nga thăm ông Putin trong chiến dịch tranh cử năm 2017 và mối quan hệ này có thể bị chiến dịch của Tổng thống Macron khai thác.
Một số chuyên gia lại cho rằng, nếu bà Marine Le Pen đắc cử, đây có thể là mối lo ngại với Mỹ và châu Âu, phá vỡ thế trận liên minh phương Tây trong tình hình căng thẳng Nga-Ukraine, bởi bà có tư tưởng bài châu Âu và cũng không có hảo cảm với NATO.
Theo các cuộc thăm dò, ông Macron vẫn là người dẫn đầu và có khả năng cao sẽ tiếp tục nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai. Nhưng lợi thế của ông đã giảm xuống chỉ còn khoảng 6 điểm.
Theo Reuters, trong vòng 2, ông Macron có khả năng nhận được phiếu của 22% cử tri đã bầu cho ông Jean-Luc Melenchon, ứng cử viên cánh tả cực đoan, do ông này đã kêu gọi họ không bỏ phiếu cho bà Le Pen. Trong khi đó, bà Le Pen có thể hy vọng vào số cử tri đã ủng hộ các ứng cử viên cánh hữu hay trung dung ở vòng 1 và tranh thủ thêm ở 26% cử tri đã không đi bỏ phiếu trong vòng 1.
Câu hỏi quan trọng khi các cử tri đi bỏ phiếu vào ngày 24/4 tới, đó là liệu có bao nhiêu người thấy những thay đổi trong quan điểm của bà Le Pen là tích cực và thực sự thấy ứng viên này đã thay đổi so với cuộc bầu cử năm 2017.