Hoạt động cải tạo của Trung Quốc tại Bãi Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa. (Nguồn: Reuters) |
Đó là nhận định của một số nhà phân tích và các quan chức nước ngoài trước việc Trung Quốc điều máy bay ra một trong các đường băng phi pháp tại quần đảo Trường Sa ngày 2/1.
Đúng lộ trình
Theo các nhà phân tích, hoạt động nói trên của Trung Quốc cho thấy, các cơ sở mà Bắc Kinh xây dựng trong khu vực tranh chấp đang được hoàn thiện theo đúng lộ trình. Do đó, Trung Quốc chắc chắn sẽ thực hiện các chuyến bay quân sự trên các đảo nhân tạo.
Sự hiện diện quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp có thể dẫn tới khả năng Bắc Kinh thiết lập và kiểm soát một vùng bảo vệ phòng không, gây gia tăng căng thẳng với các bên khác cũng có tuyên bố chủ quyền và với Mỹ, tại một trong những khu vực được đánh giá là tiềm ẩn nguy cơ bất ổn nhất thế giới.
Trong một năm qua, Trung Quốc đã xây dựng các đường băng phi pháp trên các đảo nhân tạo. Vì vậy, việc Bắc Kinh đưa máy bay tới đây không có gì đáng ngạc nhiên, mặc dù hành động này chắc chắn sẽ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Đường băng trên Bãi Chữ Thập dài 3.000m, và là một trong số ba đường băng mà Trung Quốc xây dựng phi pháp trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Các đường băng này đủ dài để các máy bay ném bom tầm xa, máy bay vận tải và các máy bay chiến đấu của Trung Quốc có thể hạ cánh.
Giới chức Mỹ và khu vực còn cho biết, Bắc Kinh đang trong quá trình hoàn thiện một loạt cảng, nhà kho, cơ cở ăn, ở trên các đảo nhân tạo. Trung Quốc dự kiến sẽ triển khai trái phép các radar cảnh báo sớm và các đơn vị thông tin trên Bãi Chữ Thập.
Từ những đánh giá đó, ông Leszek Buszynski, chuyên gia tại Trung tâm nghiên cứu quốc phòng và chiến lược, thuộc Đại học Quốc gia Australia, tin rằng, việc hạ cánh của các máy bay quân sự xuống các đảo nhân tạo cho tới thời điểm này là không thể tránh khỏi.
Theo ông Leszek Buszynski, khả năng mà Trung Quốc tuyên bố ngay một ADIZ là khó có thể. Tuy nhiên, điều này có thể xảy ra trong tương lai khi sức mạnh trên không của Trung Quốc đủ mạnh. “Sau khi thử vài chuyến bay, bước tiếp theo là Bắc Kinh sẽ đưa một số máy bay chiến đấu Su-27 và Su-33 tới các đảo nhân tạo và đồn trú ở đó lâu dài”, ông Buszynski nhận định.
ADIZ trên thực tế
Ông Ian Storey, một chuyên gia về Biển Đông tại Viện ISEAS Yusof Ishak (Singapore), dự đoán, căng thẳng sẽ ngày càng trở nên tồi tệ, khi Trung Quốc sử dụng các cơ sở mới xây dựng để tăng cường sức mạnh ở Biển Đông. Dù rằng Trung Quốc không chính thức tuyên bố ADIZ ở Biển Đông, nhưng Bắc Kinh vẫn có thể áp đặt vùng bay, nhằm bảo vệ các đường băng mới và các cơ sở khác.
“Khi các cơ sở mới đi vào hoạt động, Trung Quốc sẽ thường xuyên đưa ra cảnh báo tới các máy bay cả dân sự lẫn quân sự”, ông Storey nói. “Những diễn biến này là tiền đề cho một ADIZ hoặc một ADIZ chưa được công bố chính thức, mới chỉ dừng lại ở hình thức công nhận quốc tế ‘de facto’ (trên thực tế) – tức công nhận chưa đầy đủ”. Những diễn biến này sẽ khiến căng thẳng leo thang tại khu vực.
Tuy nhiên, về phía Trung Quốc, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh ngày 4/1 đã khẳng định, hiện nước này chưa có một kế hoạch nào về một ADIZ tại Biển Đông.
Cuối năm 2013, Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố ADIZ ở Hoa Đông, bao trùm quần đảo Senkaku mà Nhật Bản kiểm soát nhưng Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư. Hành động của Trung Quốc đã vấp phải sự chỉ trích của Mỹ và Nhật Bản.
TIN LIÊN QUAN | |
Báo Đức quan tâm việc Trung Quốc “khiêu khích” ở biển Đông | |
Các nước phản đối Trung Quốc bay thử nghiệm trên biển Đông | |
Phản đối Trung Quốc đưa máy bay ra đá Chữ Thập |