Việc Đức xác nhận kế hoạch đưa tàu chiến hiện diện ở Biển Đông được dự liệu trong hướng dẫn về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, công bố tháng 9/2020. |
Đức - nhân tố mới
Đầu năm 2021, Bộ Quốc phòng Đức xác nhận kế hoạch đưa tàu chiến đến khu vực, đi qua Biển Đông vào tháng 8. Như vậy, Đức là nhân tố mới, lần đầu tiên hiện diện ở Biển Đông, kể từ đầu thế kỷ XXI. Hành động của Đức không phải là đột xuất, mà được dự liệu trong hướng dẫn về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, công bố tháng 9/2020.
Mục đích của Đức khá rõ ràng, phù hợp với xu thế chung là bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật pháp. Có ý kiến cho rằng hành động của Đức mang tính biểu tượng, phản ánh sự độc lập trong chính sách quân sự, ngoại giao, hơn là nỗ lực chung với Mỹ gây áp lực lên Trung Quốc.
Thực chất hành động của Đức thể hiện nhiều vấn đề. Sâu xa là nhằm gia tăng vai trò “một bên”, “một đối tác sáng tạo” của Đức, mở rộng hợp tác với ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Biển Đông, đối phó với các thách thức chung. Đây là bước chuyển quan trọng, thể hiện tầm nhìn chính thức của Đức đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Đáng chú ý, Đức là nước thứ 6 trong 7 nước của Nhóm cường quốc công nghiệp phát triển (G7) tham gia các hoạt động ở châu Á-Thái Bình Dương. Hành động của Đức có ý nghĩa thúc đẩy các nước khác tham gia bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
Nghĩa là “mặt trận” kiềm chế Trung Quốc do Mỹ khởi xướng, lãnh đạo được mở rộng, gồm những nước có vai trò quốc tế lớn và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ngày càng quan trọng.
Khác với Mỹ và một số nước, Đức tuyên bố không đưa tàu chiến qua vùng biển 12 hải lý quanh các thực thể mà Trung Quốc chiếm đóng, xây dựng, cải tạo ở Biển Đông. Cấp độ phản ứng có vẻ nhẹ hơn. Giới nghiên cứu cho rằng nhằm giảm khả năng đối đầu với Trung Quốc, đối tác kinh tế số một và phù hợp với truyền thống thận trọng trong các hoạt động quân sự của Đức.
Dù vậy, đó vẫn là thông điệp mạnh đối với Trung Quốc.
Nhân tố mới thường thu hút sự chú ý, chứa đựng các yếu tố dự báo và ít nhiều cũng tác động lên các nhân tố cũ.
Người cũ, động thái mới
Hải quân Anh có ý định từ năm 2017, 2018, nên cũng không phải là nhân tố mới. Bộ Quốc phòng Anh đã công khai kế hoạch đưa nhóm tàu sân bay đến khu vực Thái Bình Dương, phối hợp hoạt động với Mỹ, Nhật Bản, trong năm 2021.
Anh là đồng minh gắn bó chặt chẽ, thường ủng hộ các quyết định của Mỹ. Anh sẽ thể hiện động thái mạnh nhằm khôi phục vị thế sau ảnh hưởng của Brexit.
Pháp đương nhiên không phải là nhân tố mới. Tàu chiến Pháp đã qua lại khu vực Biển Đông từ năm 2015 và duy trì hoạt động vài lần trong những năm sau đó.
Xa hơn, trong giai đoạn đô hộ Việt Nam, Pháp liên quan đến việc ký kết các hiệp định, hiệp ước phân định biên giới trên biển giữa Việt Nam với Trung Quốc và một số nước khác.
Hiện nay, hành động của Pháp có sắc thái mới.
Trong chuyến thăm Australia, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố: Nhu cầu cần phải bảo vệ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương khỏi “tham vọng bá quyền”, bảo đảm tôn trọng tự do hàng hải, hàng không.
Bộ Quốc phòng Pháp nói đó là bằng chứng nổi bật về năng lực hoạt động dài ngày, phối hợp với đồng minh ở các đại dương của Hải quân Pháp (suy rộng là thể hiện vai trò của nước Pháp), nhằm khẳng định luật pháp quốc tế là quy tắc duy nhất có hiệu lực, bất kể vùng biển nào mà chúng tôi đi qua.
Theo phong cách lịch sự xứ Gaulois, Pháp không chỉ đích danh Trung Quốc, nhưng mục đích thì khá rõ. Hành động càng rõ hơn. Đầu tháng 2/2021, Pháp đưa tàu ngầm và tàu hỗ trợ tuần tra ở Biển Đông. Ngày 18/2, 2 tàu chiến Pháp rời cảng Toulon, thực hiện hải trình 3 tháng đến Thái Bình Dương, đi qua Biển Đông 2 lần, tham gia diễn tập với Mỹ, Nhật Bản.
Sử dụng cả tàu ngầm, hoạt động thời gian dài, hẳn không phải là hành vi mang tính biểu tượng.
Tin liên quan |
Biển Đông nhìn từ các phía (Kỳ cuối) |
Bộ tứ (Quad) gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ là nhân tố cũ, phục hồi mạnh mẽ năm 2017, cùng với chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Mục đích của Mỹ, Bộ tứ liên kết đồng minh, đối tác, đối phó với các thách thức từ Trung Quốc, nhất là hành động cưỡng chế, cưỡng đoạt, làm thay đổi hiện trạng khu vực, được cổ vũ bởi nhân tố mới, động thái mới.
Rõ ràng, áp lực ngày càng gia tăng, từ nhiều hướng đối với Trung Quốc.
Với tuyên bố đường 9 đoạn, Trung Quốc tự cho mình quyền “chủ nhà” ở Biển Đông. Những năm qua, Trung Quốc duy trì nhiều lực lượng hoạt động thường xuyên trên biển, cùng với hệ thống căn cứ lưỡng dụng ngày càng dày, trên các đảo, đá xây dựng, cải tạo ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, nhằm kiểm soát phần lớn Biển Đông. Nhưng với các chuỗi đảo, cảng ở Thái Bình Dương, đội tàu sân bay…mục tiêu của Trung Quốc không dừng ở Biển Đông.
Trung Quốc lấy cớ các nước ngoài khu vực lợi dụng tự do hàng hải phá hoại chủ quyền, an ninh của các nước ven Biển Đông, gây mâu thuẫn, xung đột, để gia tăng hoạt động mạnh hơn, nhằm răn đe trở lại.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói: Pháp cử tàu ngầm đến khu vực là vô giá trị. Pháp không có căn cứ hay hiệp ước ở khu vực... Có nghĩa là “Pháp không có chỗ ở đây”! Biển Đông là chuyện giữa các nước ven Biển Đông.
Tín hiệu của Trung Quốc không chỉ nhằm vào một mình Pháp.
Đầu năm 2021, Trung Quốc dồn dập tổ chức diễn tập quân sự, trong đó có cuộc tập trận “tiến công” đá Tri Tôn, quần đảo Hoàng Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam, bị Trung Quốc đánh chiếm. Trung Quốc tuyên bố đợt diễn tập quân sự kéo dài hết tháng 3 trên Biển Đông.
Mật độ dày, thời gian diễn tập dài với nhiều hoạt động (mà các nhà nghiên cứu quốc tế gọi là “sức mạnh cơ bắp”), cho thấy Bắc Kinh cảm nhận Biển Đông ngày càng “chật chội” trước sự can dự từ bên ngoài và so với mục tiêu của Trung Quốc.
Các nước ASEAN có “hộ khẩu” ở Biển Đông cũng duy trì hoạt động quân sự. Quy mô, tần suất nhằm bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, duy trì sự sẵn sàng đối phó với tranh chấp, các thách thức an ninh đến từ nước khác.
Ủng hộ, hy vọng đan xen với lo ngại
Tin liên quan |
Biển Đông nhìn từ các phía (Kỳ 1) |
Sự hiện diện với mật độ khá dày nhiều loại tàu chiến, có cả tàu ngầm, tàu sân bay, của nhiều nước, với mục đích đối nghịch nhau cho thấy Biển Đông thực sự “tăng nhiệt”.
Phần đông dư luận quốc tế coi FONOPs là hành động bảo vệ tự do hàng hải, hàng không, phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982. Nhiều nước hy vọng hành động của Mỹ và đồng minh mang tính đối trọng với Trung Quốc, ít nhiều buộc Bắc Kinh phải cân nhắc thận trọng hơn.
Các nước ASEAN nhận thức rõ hơn về lợi ích, tầm quan trọng của Biển Đông và vai trò của ASEAN đối với khu vực. ASEAN có thể tranh thủ hợp tác quốc tế để nâng cao năng lực bảo đảm an ninh biển, giải quyết các vấn đề tồn đọng.
Nhưng cũng không ít lo ngại. Đối đầu, căng thẳng Mỹ - Trung, nguy cơ xảy ra va chạm giữa các nước lớn trên biển, tác động tiêu cực đến an ninh, ổn định, hợp tác, phát triển của khu vực. ASEAN có thể bị phân hóa trước tình thế phải chọn bên.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần tuyên bố hoạt động của các nước ở Biển Đông phải đóng góp cho hòa bình, ổn định, trật tự, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không; tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia ven biển phù hợp với UNCLOS 1982. Nếu tuân thủ nguyên tắc đó, Biển Đông luôn có đủ chỗ cho tất cả.
Lập trường của Việt Nam là giải quyết tranh chấp chủ quyền biển, đảo bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, không đi với bên này để chống lại bên kia. Đưa ra đối sách, biện pháp xử lý tùy theo hành động của các bên, dựa trên luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 và lợi ích chung của khu vực. Tranh thủ hợp tác quốc tế để nâng cao năng lực an ninh biển là cần thiết. Quan trọng là cách thức hợp tác để không ảnh hưởng đến độc lập, chủ quyền quốc gia.
Để kiềm chế xung đột, hạn chế các tác động bất lợi, tất cả các bên, nhất là nước lớn cần hành động có trách nhiệm, thiện chí, nói đi đôi với làm, cùng nhau xây dựng lòng tin, hợp tác… Trước hết là xây dựng các cơ chế an ninh, giám sát, cơ chế trọng tài giải quyết các khác biệt, trong đó có COC.
Không phải lời nói, mà sự thật sẽ bộc lộ rõ qua hành động. Giải quyết tranh chấp, khác biệt lợi ích thông qua đối thoại, đàm phán, bằng biện pháp ngoại giao, pháp lý là tiêu chí của thế giới văn minh. Những nước lớn, nước phát triển, lẽ nào không chấp thuận điều hiển nhiên đó.