📞

Biểu tình ở Kyrgyzstan: Đâu chỉ là can qua phút chốc !

Minh Vương 19:35 | 07/10/2020
TGVN. Biểu tình ở Kyrgyzstan không chỉ là câu chuyện về bất ổn chính trị một sớm một chiều tại quốc gia Trung Á có nhiều đặc thù về địa chính trị - kinh tế này. Bình luận của báo Thế giới & Việt Nam.

Chỉ sau hai ngày đầu tuần với làn sóng biểu tình rầm rộ, Kyrgyzstan đã chìm sâu vào bất ổn.

Tối ngày 5/10, sau khi kết quả bầu cử sơ bộ Quốc hội được công bố, hàng nghìn người đã tràn xuống đường thủ đô Bishkek phản đối, chiếm tòa nhà Quốc hội, phóng hỏa Dinh Tổng thống, trả tự do cho cựu Tổng thống Almazbek Atambayev cùng cựu Thủ tướng Sapar Isakov và giành kiểm soát Bộ Nội vụ.

Đồng thời, lực lượng biểu tình và đại diện các đảng đối lập đã bổ nhiệm ông Jooshbek Koenaliev là “thị trưởng nhân dân của Bishkek” cho đến khi Thị trưởng mới được bầu.

Những người biểu tình đứng ngoài trụ sở chính phủ Kyrgyzstan ngày 6/10 sau cuộc đảo chính chớp nhoáng. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Ngày 6/10, Chủ tịch Quốc hội Dastan Jumabekov và Thủ tướng Kubatbek Boronov đồng loạt từ chức phản đối kết quả bầu cử. Bị đe dọa tấn công, tân Thủ tướng Sadyr Zhaparov đã phải chạy trốn khỏi khách sạn nơi Quốc hội nhóm họp bất thường.

Bất ổn không xa lạ

Tổng thống đương nhiệm Sooronbay Jeenbekov kêu gọi các đối thủ ngăn chặn các cuộc biểu tình, cho biết đã ra lệnh cho lực lượng an ninh không nổ súng và tái khẳng định sẵn sàng hủy bỏ kết quả của cuộc bầu cử Quốc hội gây tranh cãi. Song chừng ấy có lẽ là chưa đủ và quyền kiểm soát đất nước dường như đang tuột dần khỏi tay nhà lãnh đạo này.

Trước tình hình đó, Nga, quốc gia có mối quan hệ gần gũi với Kyrgyzstan và hiện có một căn cứ không quân tại đây, bày tỏ lo ngại và hy vọng các bên sớm tìm ra giải pháp ổn định tình hình. Người phát ngôn Liên hợp quốc (LHQ) Stephane Dujarric cho biết, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres theo dõi sát tình hình ở Kyrgyzstan, kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tránh bạo lực.

Tuy nhiên, bước đầu tiên trong tìm kiếm giải pháp chính trị là hiểu rõ ngọn nguồn vấn đề và với Kyrgyzstan, đó không đơn thuần là câu chuyện kết quả bầu cử, mà là kết quả của nhiều yếu tố địa chính trị-kinh tế đặc thù của quốc gia Trung Á.

Giữa hai ông lớn

Về vị trị địa lý, Kyrgyzstan có đường biên giới giáp Trung Quốc, song từng thuộc Liên Xô, khiến Bishkek thường xuyên trở thành khu vực cạnh tranh ảnh hưởng giữa Moscow, Bắc Kinh và cả Washington.

Hiện Kyrgyzstan duy trì quan hệ chính trị gần gũi với Nga khi có một căn cứ không quân của xứ bạch dương, mở rộng hợp tác kinh tế với Trung Quốc, song lại tỏ ra cứng rắn với thiện chí đến từ phía Mỹ.

Về chính trị, chính trường Bishkek thường xuyên rời vào tình trạng kéo dài. Chỉ trong 15 năm, đã có hai Tổng thống bị lật đổ sau các cuộc nổi dậy và một người ngồi tù do bất đồng quan điểm với giới lãnh đạo cầm quyền.

Quan trọng hơn, hai đảng liên minh cầm quyền của Tổng thống Sooronbai Jeenbekov từ lâu đã trong tình trạng “bằng mặt không bằng lòng” khi có sự rạn nứt rõ nét về quan điểm chính trị khác biệt về sắc tộc, tôn giáo. Đáng ngại hơn, sự áp đảo của hai lực lượng này trong Quốc hội, cùng tình trạng mua phiếu bầu khiến cơ hội chiến thắng của các đảng phái chính trị khác là không nhiều.

Nền kinh tế dễ vỡ

Về kinh tế, tăng trưởng GDP của Kyrgyzstan phụ thuộc nhiều vào kiều hối và khai thác vàng. Dữ liệu của Chính phủ Nga năm 2017 cho thấy có tới 623.000 người Kyrgyzstan sinh sống và làm việc tại Nga.

Theo các thống kê không chính thức, con số này có thể lên tới 1 triệu người, tương đương với 1/6 dân số đất nước. Kiều hối của Kyrgyzstan ước tính chiếm từ 1/4 đến 1/3 GDP toàn quốc. Bên cạnh đó, mỏ vàng Kumtor với trữ lượng lớn, hiện do chính quyền Bishkek sở hữu và khai thác, đóng góp tới 10% GDP quốc gia những năm gần đây.

Tuy nhiên, cả hai thành tố chính này đang đều bị gián đoạn bởi đại dịch Covid-19. Ngân hàng châu Âu về Tái thiết và Phát triển ước tính GDP của Kyrgyzstan giảm 9,5% và dự kiến sẽ mất nhiều năm để phục hồi.

Cần giải pháp toàn diện

Có thể thấy, vị trí địa chính trị phức tạp, lịch sử bất ổn chính trị kéo dài, với nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào tài nguyên và kiều hối khiến Kyrgyzstan dễ chịu tác động và bị tổn thương trước biến động của khu vực và thế giới, gần nhất là đại dịch Covid-19.

Do đó, giải pháp cho tình hình hiện nay tại Kyrgyzstan cần đảm bảo hai yếu tố sau:

Thứ nhất là đưa các bên, gồm đại diện Chính phủ, người biểu tình và phe đối lập ngồi lại với nhau, tìm kiếm đồng thuận để trước mắt hạ nhiệt căng thẳng hiện nay, cho dù đó có là tiến hành bầu cử lại với ủy ban giám sát độc lập có sự hiện diện của các bên và cộng đồng quốc tế, hay chuyển giao quyền lực trong hòa bình.

Thứ hai là tìm cách phát huy lợi thế và khắc phục hạn chế từ những yếu tố địa chính trị-kinh tế đã nói ở trên, nhằm từng bước vun đắp, thiết lập ổn định chính trị để phát triển kinh tế, duy trì an ninh-trật tự xã hội.

Nước này cũng cần tìm kiếm một chính sách đối ngoại độc lập, hàn gắn các rạn nứt chính trị giữa đảng phái, minh bạch trong quá trình vận động, bầu cử hay đa dạng cơ cấu nền kinh tế…

Đây sẽ là bài toán không hề đơn giản mà Kyrgyzstan, dù là chính phủ của Tổng thống Sooronbay Jeenbekov, đoàn người biểu tình hay lực lượng chính trị đối lập, cần giải đáp.