Ngày 6/11 vừa qua, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề Jerusalem của Israel Zeev Elkin tuyên bố nước này sẵn sàng tấn công hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 mà Nga mới chuyển cho Syria, nếu hệ thống này được sử dụng để bắn hạ các máy bay của Tel Aviv. Việc Moscow cung cấp tổ hợp tên lửa phòng không S-300 cho Syria được cho là bước đi đầu tiên nhằm “dằn mặt” việc Israel đã tạo tình huống để Syria bắn nhầm chiếc máy bay trinh sát điện tử IL-20 của Nga hôm 17/9. Bộ Quốc phòng Nga đã đổ lỗi cho Israel cố tình sử dụng máy bay Nga như “mồi nhử” khiến 15 quân nhân thiệt mạng. Về phần mình, Israel kiên quyết phủ nhận tuyên bố đó.
Tên lửa phòng không S-300 được Nga trang bị cho Syria. (Nguồn: EPA) |
Được mệnh danh là “con cưng” của quân đội Nga, S-300 là một trong những tên lửa phòng không mạnh nhất thế giới và được nhiều nước khao khát. Sự hiện diện của tổ hợp S-300 trong biên chế quốc phòng Syria được coi là mối đe dọa lớn đối với tiêm kích Israel hoạt động ở quốc gia này. Nga hy vọng những hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân S-300 của họ ở Syria sẽ ngăn chặn những cuộc tấn công của Israel nhằm vào đồng minh của họ.
Thế nhưng trái lại, Israel tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công và công khai thách thức hệ thống phòng không Syria, bất chấp mối đe dọa từ hệ thống tên lửa S-300 mà Nga trang bị cho Damascus. Trong thời gian qua, Israel đã tiến hành hơn 200 cuộc không kích nhắm vào các căn cứ quân sự được cho là có sự dính líu của Iran và Hezbollah. Tuy nhiên, Bộ trưởng Zeev Elkin của Israel khẳng định nước này luôn cố gắng tránh gây thương vong cho các cố vấn quân sự của Nga tại Syria.
Tuy nhiên, bom đạn không có mắt - trong trường hợp máy bay Israel tấn công trận địa S-300 và khiến các sĩ quan Nga thiệt mạng, căng thẳng sẽ lập tức leo thang. Khi đó, đòn phản công của Nga có thể đối mặt với các hệ thống phòng không cũng phức tạp và hiện đại không kém của Israel. Mỹ nhiều khả năng cũng sẽ can thiệp để bảo vệ đồng minh Israel, khiến tình hình xung đột vượt tầm kiểm soát. Cuộc đối đầu giữa không quân Israel và phòng không Syria được trang bị S-300 sẽ khốc liệt hơn rất nhiều, khi cả hai bên đều “tất tay” để tiêu diệt đối phương.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng đây là kịch bản gần như khó thành, bởi Nga và Israel đều luôn hiểu rõ hậu quả thảm họa của một cuộc xung đột quân sự trực diện. Bởi vậy, Tel Aviv sẽ hết sức thận trọng khi tiến hành các chiến dịch quân sự trên lãnh thổ Syria trong tương lai, còn Nga cũng sẽ khai thác tối đa cơ chế phối hợp hai bên để tránh các sự cố bất ngờ trên chiến trường Syria.
Lò lửa Syria trong hơn một tháng qua đã có dấu hiệu giảm nhiệt do sự kiềm chế tối đa từ các bên liên quan. Những sự kiện cụ thể có tính bước ngoặt, ảnh hưởng trực tiếp đến cục diện chiến trường Trung Đông là thoả thuận hoà bình Idlib do Nga và Thổ Nhĩ Kỳ chủ trì cùng với việc Nga cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa S-300 cho Syria.
Cả Nga và Israel sẽ tiếp tục theo dõi động thái của đối phương. Với những bước đi của Nga nhằm ngăn chặn một sự cố IL-20 xảy ra trong tương lai, Israel sẽ cần phải dè chừng với việc thực hiện các kế hoạch không kích mới trên lãnh thổ Syria.