Ngày 25/9 vừa qua, tại kỳ họp thường niên của Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) tại New York, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có bài phát biểu kéo dài 35 phút, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận toàn thế giới.
Đây là lần thứ hai Tổng thống Donald Trump đăng đàn tại kỳ họp Đại hội đồng LHQ, tập trung vào một số chủ đề nóng hiện nay như chương trình hạt nhân Iran, nỗ lực phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, các định chế quốc tế như Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) hay Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC),…
Tổng thống Donald Trump phát biểu tại Đại hội đồng LHQ, ngày 25/9. (Nguồn: Getty) |
Mở rộng áp lực toàn cầu
Ông Trump khẳng định ngay từ đầu rằng, bài phát biểu của ông là để chia sẻ những bước tiến phi thường mà nước Mỹ đã đạt được. “Trong vòng chưa đầy 2 năm, chính quyền của tôi đã đạt được nhiều thành tích hơn bất cứ chính quyền nào trong lịch sử”, ông nói.
Theo ông Trump, nền kinh tế Mỹ đang “thăng hoa” hơn bao giờ hết, thị trường chứng khoán đang ở đỉnh cao của mọi thời đại và tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong 10 năm qua. Đặc biệt, ông cho biết Washington đang tăng cường an ninh biên giới một cách hiệu quả, đồng thời đảm bảo mức chi tiêu kỷ lục cho quân đội ở mức 700 tỷ USD trong năm nay. “Quân đội Mỹ sẽ sớm trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết”, ông Trump nhấn mạnh.
Có thể nói, với tiềm lực kể trên, việc “gây áp lực tối đa”, từng là một chính sách mà chính quyền Trump vận dụng chủ yếu nhằm kiềm chế mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên, đang được mở rộng trên phạm vi toàn cầu.
Đến nay, chiến thắng đối ngoại lớn nhất của ông Trump được cho là cú “bắt tay” lịch sử với Triều Tiên. Phát biểu tại LHQ, ông nhấn mạnh hai bên đã đạt được nhiều tiến triển, thậm chí vài ngày trước còn tuyên bố sẽ tiến hành một cuộc gặp cấp cao thứ hai với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, song ông khẳng định các đòn trừng phạt vẫn được giữ nguyên trừ phi Bình Nhưỡng hoàn tất tiến trình phi hạt nhân hóa. Harry Kazianis, Giám đốc Nghiên cứu của Trung tâm Lợi ích quốc gia Mỹ, nhận định dường như ông Trump hiểu rằng, hiện ông đang có sức ảnh hưởng lớn ở cả trong nội bộ Mỹ cũng như trên sân khấu chính trị quốc tế, nên rất tích cực thúc đẩy một thỏa thuận với nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Iran cũng được nhắc đến trong bài phát biểu của Trump như một “thủ phạm” gây mọi bất ổn ở Trung Đông cũng như một quốc gia có tham vọng phát triển năng lực hạt nhân. “Lãnh đạo Iran đang gieo rắc hỗn loạn và hủy diệt. Họ không tôn trọng các nước láng giềng hay quyền chủ quyền của các quốc gia”, theo ông Trump. Đáp lại, cũng tại kỳ họp năm nay, Tổng thống Iran Hassan Rouhani lên án mạnh mẽ việc Tổng thống Trump quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân JCPOA năm 2015. “Đối đầu với chủ nghĩa đa phương không phải là dấu hiệu của sức mạnh, mà đó là biểu hiện của sự hạn chế về nhận thức”, nhà lãnh đạo Iran nói. Hai ông Trump – Rouhani đã chỉ trích lẫn nhau kịch liệt, tới mức giới quan sát gọi đây là cuộc “đấu khẩu” giữa hai nhà lãnh đạo.
Ngoài ra, ông Trump cũng có những phát biểu cứng rắn về Syria, rằng “Mỹ sẽ đáp trả nếu chính quyền Tổng thống Assad sử dụng vũ khí hóa học”. Bên cạnh đó, ông chủ Nhà Trắng cũng không né tránh khi nói về cuộc thương chiến đang diễn ra với Trung Quốc, với quan điểm “sự méo mó của thị trường Trung Quốc và cách họ xử lý là không thể tha thứ”.
Định hình chính sách rõ ràng hơn
Nếu như bài phát biểu của ông Trump năm 2017 dùng những từ ngữ hết sức gay gắt khiến cả thế giới lo ngại, như đe dọa “hủy diệt hoàn toàn Triều Tiên” và chế nhạo nhà lãnh đạo Kim Jong-un là “thằng nhóc tên lửa”, đảo lộn nhiều quan điểm đối ngoại truyền thống của Mỹ; nội dung bài phát biểu năm nay của ông nhìn chung kiềm chế, mềm dẻo và khéo léo hơn.
Thay vì đề cập đến nguy cơ nổ ra chiến tranh hạt nhân, bài phát biểu hôm 25/9 hé lộ những nội dung chính sách có thể ảnh hưởng đến quan hệ quốc tế, thậm chí là trật tự thế giới, trong tương lai gần. Nhà phân tích Kazianis bình luận trên tờ The Hill: “Có vẻ như Tổng thống Trump đã có quyết định rõ ràng về phạm vi và chiều hướng thực sự của chính sách đối ngoại Mỹ, xây dựng một thế giới quan mà người ta có thể định hình và là thứ mà các bằng hữu cũng như kẻ thù có thể hiểu”.
Giới quan sát nhận định, tại kỳ họp năm nay, ông chủ Nhà Trắng đã nêu bật một thông điệp giờ đã không còn xa lạ với cộng đồng quốc tế: chủ quyền và sức mạnh vượt trội của Mỹ không phải là thứ có thể bị thách thức, cũng như quyền hành động đơn phương của Washington trên vũ đài thế giới.
Bài phát biểu thực sự là những gì người ta có thể chờ đợi ở Trump – một nhà lãnh đạo với quan điểm tổng hợp của chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa dân tộc, bảo vệ chủ quyền và biên giới của quốc gia mình với quan điểm “Nước Mỹ trên hết” và “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Đối với giới nghiên cứu và hoạch định chính sách, bài phát biểu còn là chỉ dấu quý báu về việc Washington sẽ dùng sức mạnh ngoại giao và quân sự mạnh mẽ của một siêu cường như thế nào và ở đâu.