Tuy nhiên, các biện pháp nhằm xóa bỏ sự tẩy chay của các nước Ả Rập với Israel mà không đưa ra giải pháp đúng đắn cho vấn đề Palestine trước hết sẽ gây bất lợi cho cả Palestine và Saudi Arabia.
Nhằm hợp thức hóa các bước bình thường hóa quan hệ với Israel, mới đây Saudi Arabia đã mời Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tới Riyadh để thuyết phục phía Palestine chấp nhận kế hoạch hòa bình được đề xuất bởi Jared Kushner - con rể đồng thời là cố vấn đặc biệt của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Và sự hợp tác giữa Saudi Arabia - Israel là một phần không thể tách rời của kế hoạch đó.
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và Quốc Vương Salman của Saudi Arabia tại Riyadh ngày 7/11. (Nguồn: Wafa) |
Theo New York Times, đề xuất này có thể bao gồm nhiều biện pháp bình thường hóa cụ thể như "các chuyến bay chở hành khách Israel, thị thực cho doanh nhân và các liên kết về viễn thông" với Saudi Arabia, Ai Cập, Jordan và Các tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).
Sự hợp tác của Tổng thống Palestine Abbas được xem là yếu tố then chốt cho tiến trình bình thường hóa quan hệ Saudi Arabia – Israel bởi nếu không có nó, động thái của Saudi Arabia sẽ bị xem như sự phản bội đối với lập trường của các nước Ả Rập và thế giới Hồi giáo đối với Palestine.
Mặc dù nội dung chi tiết về chuyến thăm của ông Abbas tới Riyadh không được hé lộ, nhưng một số tờ báo cho biết lãnh đạo Saudi Arabia đã gia tăng sức ép lên phía Palestine để chấp nhận kế hoạch do ông Kushner đưa ra. Đổi lại, Tổng thống Abbas đang rất cần hỗ trợ tài chính từ Washington và Riyadh để Chính quyền Dân tộc Palestine (PA) tiếp tục vận hành.
Thoả thuận của ông Kushner được dự đoán sẽ không đem lại giải pháp công bằng tối thiểu đối với nhà nước Palestine. Mặc dù thỏa thuận này mang lại lợi ích chiến lược cho Israel, chẳng hạn như chấm dứt sự tẩy chay của Saudi Arabia, nhưng nó chỉ mang lại những lợi ích chiến thuật cho người Palestine như hỗ trợ tài chính, thả tù nhân và đóng băng một phần các hoạt động tái định cư ở bên ngoài khu vực tái định cư lớn do Israel xây dựng.
Ngoài ra, thỏa thuận này về cơ bản sẽ cắt đứt Kế hoạch Hoà bình Ả Rập 2002 do Saudi Arabia hậu thuẫn nhằm mục đích bình thường hóa với Israel để đổi lấy sự rút lui hoàn toàn của Israel khỏi các địa bàn từng chiếm đóng trong cuộc chiến năm 1967. Bằng cách gây sức ép với Tổng thống Abbas để chấp nhận thỏa thuận này, lãnh đạo Saudi Arabia đang từ bỏ sáng kiến của chính mình, chấp nhận bình thường một phần quan hệ với Israel chỉ để đổi lấy một liên minh chống lại Iran.
Hơn nữa, kế hoạch bình thường hóa của Saudi Arabia được dự báo có thể sẽ làm phức tạp thêm việc hòa giải nội bộ Palestine. Thậm chí, các yêu cầu của Saudi Arabia cũng đẩy Tổng thống Palestine vào thế tiến thoái lưỡng nan vì đa số người dân Palestine phản đối các điều khoản của thỏa thuận Kushner.
Mặc dù vậy, rõ ràng Saudi Arabia vẫn sẽ tiến hành các nỗ lực bình thường hóa với Israel kể cả khi không có sự ủng hộ của ông Abbas. Nhưng trên thực tế, thái tử Mohamed Bin Salman có thể sẽ tự trói chân mình với thỏa thuận Kushner bởi động thái này cũng dường như chống lại sự đồng thuận của các quốc gia Ả Rập và Hồi giáo, những quốc gia từ chối bình thường hoá với Israel nếu không có một giải pháp công bằng với Palestine.
Saudi Arabia có thể nhận được sự ủng hộ từ UAE, Bahrain, Ai Cập hay Jordan, nhưng không chắc phần còn lại của 57 nước thành viên Tổ chức hợp tác Hồi giáo (OIC) cũng như vậy. Bởi bình thường hoá mối quan hệ với Israel cũng đồng nghĩa với việc ông Mohamed Bin Salman sẽ tạo điều kiện cho Tehran thẳng tay chống lại Riyadh trong bối cảnh Iran đang nỗ lực bác bỏ vị thế của Saudi Arabia trong thế giới Hồi giáo.