Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper trong cuộc gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya ngày 7/8/2019. (Nguồn: Reuters) |
Từ ngày 3 - 9/8, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cùng Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cùng “rong ruổi” khắp châu Á trong chuyến công du năm quốc gia là: Australia, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mông Cổ.
Chỉ mới nhậm chức chưa đầy hai tuần, song nhiệm vụ của ông Mark Esper là tương đối nặng nề. Sau sự ra đi của người tiền nhiệm James Mattis, Lầu Năm góc đã ít nhiều rơi vào cảnh hỗn loạn khi những Quyền Bộ trưởng Quốc phòng đều sớm dứt áo ra đi. Trong khi đó, liên tiếp các thách thức mới đến từ Trung Quốc, Triều Tiên và Iran đòi hỏi tân Bộ trưởng Quốc phòng có những quyết sách đúng đắn.
Khi ấy, chuyến thăm châu Á, nơi tồn tại các điểm nóng trên, là cần thiết để ông Esper hiểu rõ hơn về thách thức Mỹ đang phải đối mặt. Một quan chức thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ tiết lộ rằng, ông Esper “rất mong muốn có thêm thời gian tại đây để đối thoại trực tiếp với các đồng minh và đối tác… Mỹ cần duy trì các mối quan hệ và cam kết lâu dài”. Chuyến công du châu Á của ông Esper khi đó sẽ cần phải giải quyết một vài vấn đề không nhỏ dưới đây.
"Người bảo vệ" đơn độc
Thứ nhất, liệu Mỹ có nhận được sự ủng hộ của các quốc gia khác trong vấn đề Iran hay không và sự ủng hộ đó sẽ ở mức như thế nào? Về mặt truyền thông, các quốc gia đều bày tỏ quan điểm ủng hộ việc bảo vệ tự do hàng hải tại khu vực Trung Đông nói chung và eo biển Hormuz nói riêng. Tuy nhiên, thực chất của sự ủng hộ đó ra sao lại là câu chuyện hoàn toàn khác.
Đặt chân tới Australia ngày 3/8 và dành một ngày thảo luận với Thủ tướng Scott Morrison và Ngoại trưởng Marisa Payne, song cả ông Mike Pompeo và Mark Esper đều phải rời Canberra tay trắng. Theo đó, Australia cho biết sẽ “nghiêm túc xem xét” đề nghị của Mỹ về tham dự vào chiến dịch Người Bảo vệ tuần tra tại Trung Đông, chứ chưa đưa ra bất kỳ cam kết nào.
Tương tự, tại Tokyo ngày 7/8, những nỗ lực của ông Esper nhằm thuyết phục Bộ trưởng Quốc phòng Takeshi Iwaya cũng chỉ được đáp lại bằng câu trả lời thận trọng. Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ có Israel và Anh khẳng định sẽ tham gia vào chiến dịch của Mỹ.
Gian lao trọng trách làm lành
Thứ hai, đâu là lời giải cho căng thẳng quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc? Mới đây, Hàn Quốc tuyên bố sẽ tiến hành nối lại tập trận tại Biển Nhật Bản, gần quần đảo Dokdo/Takeshima tranh chấp với Nhật Bản. Seoul cũng xem xét lại thoả thuận chia sẻ thông tin tình báo với Nhật Bản nhằm đối phó với Triều Tiên. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới lợi ích của Washington trong khu vực, từ phi hạt nhân hoá Triều Tiên tới giành lợi thế trong cạnh tranh thương mại với Trung Quốc.
Trước đó, tại Bangkok ngày 2/8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã lên kế hoạch gặp riêng với người đồng cấp Nhật Bản Taro Kono và Hàn Quốc Kang Kyung-wha nhằm xoa dịu căng thẳng. Tuy nhiên, cả 2 buổi họp đều bị hoãn vì lý do “lịch trình không phù hợp”. Do đó, nhiệm vụ của ông Esper trong các cuộc chào xã giao lãnh đạo, hội đàm với đồng cấp Nhật Bản, Hàn Quốc là hạ nhiệt căng thẳng và thuyết phục Tokyo lẫn Seoul tiếp tục gia hạn Thoả thuận An ninh chung về Thông tin Quân sự (GSOMIA), bảo toàn lợi ích Mỹ trong khu vực.
Gay gắt khi cần thiết
Thứ ba, thái độ của tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đối với vấn đề Triều Tiên và quan hệ với Trung Quốc là như thế nào? Đây là một trong những vấn đề hiếm hoi mà ông Esper đã có câu trả lời rõ ràng.
Trong cuộc chào xã giao với Thủ tướng Shinzo Abe và Bộ trưởng Quốc phòng Takeshi Iwaya, ông Mark Esper cảm ơn nỗ lực của Nhật Bản trong tuân thủ các lệnh trừng phạt Triều Tiên, đồng thời khẳng định cam kết của Washington về thúc đẩy tiến trình “phi hạt nhân hoá hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược” của Bình Nhưỡng. Đáp lại, Chủ tịch Triều Tiên đã chào đón ông Esper cùng cuộc tập trận chung Đông Mãng của Mỹ và Hàn Quốc bằng một vụ thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn, bắn trúng một hòn đảo tại bờ biển phía Đông Triều Tiên.
Đối với Trung Quốc, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã dành nhiều lời gay gắt khi cho rằng Bắc Kinh đang phớt lờ các giá trị truyền thống như luật pháp quốc tế, tự do hàng hải và tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của các quốc gia khác, qua đó “vi phạm trật tự dựa trên luật pháp quốc tế mà chúng tôi đang cố gắng gìn giữ”.
Triển khai sức mạnh Mỹ
Thứ tư, đối phó với các vấn đề này, ông Mark Esper sẽ có quyết sách gì? Ngay sau khi nhậm chức ông Esper từng tuyên bố, Mỹ đang xem xét lắp đặt hệ thống tên lửa đạn đạo tầm trung tại châu Á. Không loại trừ khả năng Mỹ sẽ nhân cơ hội này để thiết lập thêm căn cứ quân sự mới tại châu Á – Thái Bình Dương, vốn được đề cập đến trong Chiến lược An ninh Quốc gia năm 2018. Khi ấy, chuyến công du châu Á của ông Esper có thể được coi như chuyến “tiền trạm” cho căn cứ quân sự Mỹ.
Tuy nhiên, trong bối cảnh Bắc Kinh đe doạ trả đũa quốc gia nào “chứa chấp” tên lửa đạn đạo tầm trung của Washington, ông Mark Esper đã lui một bước khi khẳng định chưa đề cập đến vấn đề này với các đồng minh châu Á, ít nhất là trong vài năm tới. Bộ trưởng Quốc phòng Australia Linda Reynolds cũng khẳng định, ông Esper chưa đưa ra đề xuất chính thức nào. Dù vậy, trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung tiếp tục kéo dài và không còn giới hạn ở vấn đề thương mại, hệ thống tên lửa tầm trung và căn cứ quân sự tại châu Á, không sớm thì muộn, sẽ được Lầu Năm góc triển khai.
Xét trong bối cảnh đó, chuyến thăm Mông Cổ của tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ là không hề ngẫu nhiên. Nằm giữa Trung Quốc và Nga, Mông Cổ là địa điểm lý tưởng một khi Washington quyết định triển khai tên lửa đạn đạo tầm trung, với tầm bắn bao trùm cả Trung Quốc và Nga.
Trên thực tế, Mỹ đang đẩy mạnh hợp tác với Mông Cổ. Ngày 31/7, Tổng thống Mông Cổ Battulga Khaltma đã thăm chính thức Washington lần đầu tiên kể từ năm 2011. Trước đó ít lâu, Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton cũng đã dừng chân tại Mông Cổ. Chuyến thăm Ulanbaator của Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper khi ấy sẽ tiếp tục củng cố quan hệ hợp tác Mỹ - Mông Cổ, tạo tiền đề cho các hợp tác trong tương lai, dù đó có là chính trị, kinh tế hay quốc phòng.
Tất cả những vấn đề trên đã biến chuyến thăm châu Á của ông Mark Esper thành một bài kiểm tra hóc búa, đòi hỏi tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ gắng sức tìm lời giải, nhằm “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”, ít nhất là tại châu Á.
Minh Vương