Mới đây, trong bài phát biểu trước cộng đồng người Cuba tại Little Havana, Florida, Tổng thống Donald Trump đã công bố những thay đổi trong chính sách của Mỹ với Cuba, trong đó có việc bãi bỏ tức thời một số chính sách của người tiền nhiệm Barack Obama. Theo đó, Washington sẽ siết chặt các quy định về đi lại, nghiêm cấm công dân Mỹ làm ăn với doanh nghiệp quốc doanh Cuba, dừng mọi hoạt động giao lưu nhân dân và chỉ cho phép tiến hành các chuyến đi thăm thân.
Ông Donald Trump ký sắc lệnh đảo ngược một phần chính sách Cuba của người tiền nhiệm Barack Obama. (Nguồn: AFP). |
Chính quyền của ông Trump cũng hối thúc Cuba ngồi lại vào bàn đàm phán nhằm thảo luận về một thỏa thuận mới. Tuy nhiên, nếu như đề xuất này được cộng đồng người Cuba tại Mỹ hoan nghênh bao nhiêu, nó lại khiến các chuyên gia về chính sách đối ngoại của Mỹ cũng như phía Chính phủ Cuba lo lắng bấy nhiêu.
Hại người, hại mình
Về chính trị, việc thay đổi lập trường và đưa ra những luận điệu cứng rắn công kích chính quyền Cuba sẽ chỉ làm cho quan hệ Washington – Havana xấu đi. Ông Carlos Alzhugay, nguyên là nhà ngoại giao Cuba, cho rằng bài diễn văn của ông Trump ở Miami gợi nhớ tới “những thời điểm tồi tệ nhất trong quan hệ Cuba – Mỹ”, như hồi năm 2004, khi Ngoại trưởng Mỹ Condoleeza Rice cáo buộc Cuba là một trong những “tiền đồn chuyên chế” trên thế giới và đưa Havana vào danh sách “trục ma quỷ” tài trợ khủng bố.
Không chỉ vậy, việc không bổ nhiệm đại sứ tới Havana, cũng như hạn chế các hoạt động đi lại giữa hai nước, sẽ cản trở những nỗ lực đàm phán để đạt được thỏa thuận mới như ông Trump mong đợi.
Trong khi đó, chính quyền của Chủ tịch Raul Castro chỉ trích những phát biểu của ông Trump là “những luận điệu mang tính thù địch, gợi nhớ những giai đoạn căng thẳng”. Havana cũng khẳng định Washington đã quay lại những chính sách trong quá khứ, gây ảnh hưởng tiêu cực và tước đoạt nhiều quyền lợi của nhân dân Cuba, đồng thời cản trở nền kinh tế của đảo quốc này phát triển bình thường.
Về kinh tế, việc Washington hạn chế giao thương với Havana sẽ gây thiệt hại không nhỏ tới nền kinh tế của hai nước. Phòng Thương mại Mỹ đã lên tiếng chỉ trích quyết định của ông Trump và cho rằng tự do thương mại mới chính là cách tốt nhất trong quan hệ với Chính phủ Cuba.
Bên cạnh đó, lệnh hạn chế đi lại, cũng như cấm công dân Mỹ làm ăn với doanh nghiệp quốc doanh có quan hệ với quân đội và lực lượng an ninh Cuba, cụ thể là Tập đoàn Quản trị Doanh nghiệp SA (GAESA), vốn chiếm tới 50% thị phần du lịch, sẽ đánh mạnh vào ngành công nghiệp không khói - một trong những nguồn thu nhập chính của Havana. Lượng hành khách tới Cuba giảm cũng sẽ khiến các hãng hàng không và thư tín Mỹ như American Airlines, USPS không còn mặn mà trong việc đầu tư vào quốc đảo này.
“Vết xe đổ”
Nhiều nhà phân tích cho rằng, nhà lãnh đạo Mỹ Donald Trump đang chọn đi theo vết xe đổ của nhiều người tiền nhiệm khác khi tỏ ra cứng rắn với Cuba. Trước hết, những chính sách cấm vận trước đây của Mỹ, cụ thể là với Cuba, đã không phát huy tác dụng trong nhiều thập kỷ và khó tạo ra đột biến trong tương lai. Cựu Tổng thống Barack Obama từng nhận xét: “Cả người Mỹ lẫn người Cuba đều không có lợi từ một chính sách cứng nhắc gắn liền với những sự kiện diễn ra trước khi chúng ta ra đời”.
Không chỉ vậy, trong cuốn sách “Cấm vận kinh tế, công cụ của chính sách đối ngoại Mỹ: Khi Mỹ cấm vận Cuba”, tác giả Helen Osieja tin rằng chính các cấm vận kinh tế hà khắc đã buộc Cuba phải tỏ thái độ thù địch với Mỹ, đồng thời gây tổn hại hình ảnh của Mỹ trong mắt bạn bè quốc tế, đặc biệt là người dân Cuba và các nước Mỹ Latin.
Quan trọng hơn, chính sách đối với Cuba cho thấy ông Trump và chính quyền của mình đang bối rối trong việc xây dựng mối quan hệ với các quốc gia láng giềng. Bên cạnh Cuba, mối quan hệ “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” với hai thị trường lớn nhất trong khu vực của Mỹ là Canada, Mexico, đặc biệt là trong vấn đề thương lượng lại Thỏa thuận Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), sẽ gây khó khăn cho Washington khi nền kinh tế xứ cờ hoa phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu.
Ngoài ra, việc Mỹ đẩy các quốc gia láng giềng ra xa sẽ tạo điều kiện cho Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng của mình tại các quốc gia này, nơi Washington từng coi là “sân nhà” của mình. Với nguồn lực kinh tế dồi dào, Trung Quốc đang mong muốn xây dựng những thị trường tiềm năng của riêng mình, dần thay thế ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực.
Trong bối cảnh như vậy, nhiều người hy vọng thỏa thuận mới mà Tổng thống Donald Trump mong muốn đạt được với Cuba sẽ đưa tình hình chuyển biến theo xu hướng tích cực hơn. Ngày 16/6, Chính phủ Cuba cho biết “sẵn sàng tiếp tục đối thoại mang tính tôn trọng và tiếp tục hợp tác về các vấn đề cùng quan tâm với Mỹ”. Vì vậy, dư luận quốc tế đang mong rằng Washington có thể hợp tác với Havana nhằm xây dựng một thỏa thuận bền vững, chấm dứt nhiều năm trắc trở trong quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia nhiều duyên nợ.