Cuộc chiến ở Syria ngay từ khi nổ ra cách đây hơn 5 năm đã là một cuộc khủng hoảng đầy rắc rối và phức tạp khi có quá nhiều lực lượng dính líu. Đó không chỉ là nơi diễn ra cuộc chiến giữa chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad và phe nổi dậy, mà còn là nơi chứng kiến cuộc tranh giành ảnh hưởng của các nước lớn.
Phức tạp chưa từng có
Tính phức tạp của cuộc chiến ở Syria tưởng như thế đã là quá đủ, nhưng thực tế lại không phải như vậy. Sự kiện Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch quân sự trên lãnh thổ Syria đã khiến cho độ phức tạp của cuộc khủng hoảng này leo lên mức chưa từng có trong lịch sử hiện đại. Nước đi của Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến bàn cờ Syria đảo lộn, ảnh hưởng đến mọi diễn biến trên chiến trường cũng như quan hệ và tính toán của các bên.
Khi lực lượng bọc thép của Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào đất Syria, một số người đã nghĩ rằng đây là tín hiệu tích cực cho thấy Ankara sẵn sàng tham gia vào cuộc chiến chống lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận ra rằng, chiến dịch chống IS thực chất chỉ là vỏ bọc để Thổ Nhĩ Kỳ chĩa mũi tấn công vào dân quân người Kurd – lực lượng mà Ankara coi là kẻ thù “không đội trời chung”.
Xe tăng của Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực biên giới với Syria. (Nguồn: Reddit). |
Trong những ngày đầu tiên của chiến dịch “Lá chắn sông Euphrates”, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã giúp phe nổi dậy Syria lấy lại thị trấn Jarablus mà không tốn nhiều công sức bởi trên thực tế IS đã tháo chạy khỏi nơi này. Kể từ sau đó, lực lượng của Thổ Nhĩ Kỳ dồn lực tấn công vào những khu vực thuộc quyền kiểm soát của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) – một liên quân có Lực lượng dân quân người Kurd (YPG) đóng vai trò chủ chốt.
Thổ Nhĩ Kỳ coi YPG là một nhánh của Đảng Lao động người Kurd (PKK) – nhóm nổi dậy ở Thổ Nhĩ Kỳ đang đấu tranh đòi ly khai. Chính vì thế, Ankara liệt YPG là một nhóm “khủng bố” và mối đe dọa an ninh hàng đầu đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Chứng kiến những chiến thắng liên tiếp của YPG trong cuộc chiến chống IS trong thời gian qua, Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại viễn cảnh lực lượng người Kurd mở rộng quyền kiểm soát lãnh thổ ở dọc biên giới, xây dựng khu bán tự trị ở Bắc Syria và từ đó mở đường cho PKK đòi được quyền tự trị ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Phá chiến lược của Mỹ
Chiến dịch của Ankara đã phơi bày mâu thuẫn sâu sắc giữa nước này với đồng minh Mỹ, bởi lâu nay Washington vẫn coi YPG là lực lượng chủ lực trong liên quân chống IS, và YPG đang nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ Mỹ. Vì vậy, hành động của Thổ Nhĩ Kỳ đang đe dọa phá nát chiến lược của Mỹ ở Syria.
Tất cả các bên tham gia vào cuộc chiến Syria đều căm ghét và muốn tiêu diệt IS. Tuy nhiên, Mỹ đã đánh giá thấp mức độ mâu thuẫn giữa các lực lượng tham gia chống IS. Mâu thuẫn này lớn đến mức họ không thể xây dựng được một liên minh chống IS hiệu quả. Mỹ dường như là lực lượng duy nhất coi IS là mối đe dọa chính, trong khi các thành phần khác lại coi việc chống IS là nhiệm vụ thứ yếu.
Kết quả là các lực lượng trong khu vực đã “chơi xỏ” Mỹ khi họ cam kết cầm chừng hay giả vờ tham gia vào cuộc chiến chống IS. Trên thực tế, các bên đã tham gia ở mức độ nhất định nhưng chỉ trong chừng mực có thể giúp họ theo đuổi mục tiêu và lợi ích chính. Từ đó, cuộc chiến chống IS chung hình thành rất nhiều cuộc chiến riêng chồng chéo nhau, biến Syria trở thành một mớ hỗn độn không thể dàn xếp.
Hành động của Thổ Nhĩ Kỳ còn tác động đến mối quan hệ vừa được khôi phục với Nga. Moscow không hài lòng với việc Ankara đưa quân vào lãnh thổ Syria, trong khi chính quyền Syria coi đó là hành vi “xâm lược trắng trợn” lãnh thổ của họ. Trên thực tế, chiến dịch của Ankara phần nào đem lại lợi ích cho Nga và Syria, bởi Thổ Nhĩ Kỳ chống lại lực lượng người Kurd – một đồng minh mạnh của phe nổi dậy Syria. Tuy nhiên, Damascus không thể vui được trước việc Ankara tự ý đưa quân vào lãnh thổ của họ, chiếm đóng các vùng đất và xây dựng một vùng ảnh hưởng ở đây. Về phần Nga, nước này lo xa hơn về viễn cảnh Mỹ sẽ phải nhượng bộ với Thổ Nhĩ Kỳ do tầm quan trọng của nước này và quan hệ Ankara-Washington vì thế sẽ được thắt chặt trở lại.
Rõ ràng, Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp quân sự vào Syria đã khiến cục diện chiến sự ở Syria ngày càng trở nên phức tạp, khó gỡ. Trong bối cảnh đó, nạn nhân phải chịu hậu quả lớn nhất không ai khác là những người dân thường vô tội. Cuộc chiến ở Syria đã bước sang năm thứ 6 và cướp đi sinh mạng của khoảng 300.000 người. Cuộc chiến ở Syria càng kéo dài thì cuộc khủng hoảng nhân đạo ở nơi đây càng thảm khốc.
Trong khi đó, lực lượng được lợi lớn nhất ở đây chính là tổ chức khủng bố IS. Trong khi các bên mải đấu đá, tranh giành với nhau thì việc lơ là cuộc chiến chống IS là điều dễ hiểu. Đây sẽ là cơ hội để IS hồi phục và nổi lên tiếp tục là mối đe dọa kinh hoàng đối với thế giới.