📞

Burkini và nền “chính trị bản sắc” ở Pháp

19:00 | 08/09/2016
Trong bối cảnh cuộc chạy đua tranh cử Tổng thống Pháp mới bắt đầu, người dân nước này đang tranh cãi gay gắt về “burkini” (đồ bơi dành cho người Hồi giáo).

Tuần này, người Pháp đã kết thúc kỳ nghỉ hè và quay trở lại công việc, học tập. Có thể nói, mùa Hè năm nay tại Pháp trôi qua một cách không hề êm ả, với các cuộc tấn công khủng bố đẫm máu ở Nice và Normandy, cũng như những tranh cãi kịch liệt liên quan đến burkini khi một số thành phố duyên hải đã cấm người dân mặc loại đồ bơi này.

Nhân tố giành lợi thế

Sự hồi sinh của “nền chính trị bản sắc” (identity politics) ở Pháp, trong bối cảnh xuất hiện những mâu thuẫn liên quan đến Hồi giáo và an ninh, được đánh giá sẽ góp phần định hình cuộc bầu cử Tổng thống vào năm sau.

Những tranh cãi về burkini có lẽ cũng sẽ qua đi cùng với mùa hè. Tuy nhiên, cần phải thừa nhận rằng nếu nước Pháp không đang được đặt trong tình trạng khẩn cấp, vấn đề này đã không nổi lên một cách gay gắt như thế. Người Pháp vốn rất nhạy cảm trước những hành động mộ đạo của người Hồi giáo, vì vậy, các chính trị gia đang tận dụng burkini để giành lợi thế.

Đồ bơi burkini đang gây ra nhiều tranh cãi tại Pháp. (Nguồn: AP)

Không chỉ những chính khách theo cánh hữu mà cả những người cánh tả như Thủ tướng Manuel Valls cũng cho rằng burkini là “sự nô dịch hóa” phụ nữ, coi đó là một hình thức nhằm áp đặt quy tắc Hồi giáo lên nước Pháp. Ông Valls nói rằng, nàng Marianne - biểu tượng của nước Pháp - thường được khắc họa với bầu ngực trần. Vì vậy, những người phụ nữ mặc burkini đang đi ngược lại những giá trị cơ bản của đất nước.

Nước Pháp có một lịch sử lâu dài trong việc hạn chế ảnh hưởng tôn giáo đối với đời sống công chúng. Sau các đợt đấu tranh chống lại thế lực nhà thờ, một đạo luật được ban hành năm 1905 đã phá vỡ những nguyên tắc của chủ nghĩa thần quyền khắc kỷ tại Pháp. Năm 2004, Chính phủ Pháp đã cấm mang khăn trùm đầu và các biểu tượng tôn giáo khác tại trường học, trong khi mạng che mặt (burqa) bị cấm từ năm 2010.

Những lệnh cấm nói trên nhận được nhiều sự ủng hộ của người dân. Dù vậy, những chính sách mang tính thế tục nhiều khi được triển khai mà không quan tâm đến sự nhạy cảm của cộng đồng thiểu số Hồi giáo, vốn chiếm khoảng 10% dân số Pháp.

Không giống như burqa - vốn bị cấm sử dụng tại các bãi biển ở Pháp từ nhiều năm qua, burkini không hề che kín mặt của người mặc. Ông Olivier Roy - chuyên gia nghiên cứu Hồi giáo cho rằng, burkini thậm chí phản ánh sự tự do nhất định đối với phụ nữ Hồi giáo, vốn bị kìm kẹp bởi nhiều luật lệ hà khắc.

Ảnh hưởng đến bầu cử

“Cơn sốt” burkini được đánh giá sẽ ảnh hưởng đến mùa bầu cử Tổng thống Pháp, nhất là trong lúc những xung đột văn hóa đang diễn ra trên đất nước hình lục lăng. Cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy, người đang tranh cử trong đảng Cộng hòa, tuyên bố sẽ cấm burkini nếu ông tái đắc cử. Cùng chung quan điểm này, bà Marine Le Pen – lãnh đạo đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia – nói thêm rằng "số phận nước Pháp” đang bước vào thời khắc quan trọng.

Tuy vậy, bên cạnh những chính khách kịch liệt phản đối burkini, một số người vẫn cố gắng làm dịu đi xung đột văn hóa này như ông Alain Juppé - cựu Thủ tướng Pháp có tư tưởng trung hữu, hay ông Emmanuel Macron - người vừa từ chức Bộ trưởng Kinh tế hôm 30/8. Về phần mình, ông Juppé cho rằng, lệnh cấm mặc burkini ở một số địa phương là điều có thể chấp nhận được, nhưng việc ban hành lệnh cấm này trên phạm vi toàn quốc sẽ là động thái khiêu khích những người Hồi giáo.

Mặc dù đã từ chức song ông Macron cho biết sẽ ra tranh cử Tổng thống vào năm sau. Tháng 4 năm nay, vị cựu Bộ trưởng Kinh tế Pháp đã sáng lập một phong trào chính trị mang tên “En Marche!” (Chuyển động) với mục tiêu đấu tranh xây dựng một nền tảng xã hội mới, thúc đẩy cải cách kinh tế nhằm chống lại chủ nghĩa dân tộc – dân túy.

Cựu Bộ trưởng Kinh tế Pháp Emmanuel Macron chủ trương phản đối hệ thống chính trị Pháp hiện tại. (Nguồn: Getty)

Mới đây, ông Macron tuyên bố rằng, thời gian làm việc trong Chính phủ Pháp đã giúp ông nhận ra những hạn chế của hệ thống chính trị hiện tại. Vì vậy, ông muốn định hình lại các phe phái, kêu gọi sự ủng hộ của những người cánh tả và cánh hữu cho phong trào ủng hộ liên kết châu Âu và tư tưởng chính trị tiến bộ. Có thể nói, đây là mong muốn không dễ trở thành hiện thực, bởi ông Macron được cho là không đủ tiềm lực tài chính cũng như thiếu sự ủng hộ từ Quốc hội.

Sau hàng loạt vụ tấn công khủng bố đẫm máu trong nhiều tháng qua, nước Pháp đang có xu hướng thắt chặt những quy định tự do. Về phần mình, khi không còn bị ràng buộc bởi những vấn đề kinh tế, ông Macron giờ đây có thể thoải mái nói về các vấn đề quan trọng như khủng bố hay tôn giáo. Trong bối cảnh đất nước đang trong tình trạng bất ổn nguy hiểm, người dân Pháp đang rất quan tâm đến quan điểm của giới lãnh đạo trong các vấn đề như vậy.

(theo The Economist)